Nửa thế kỷ trường THPT Tiên Lữ, Hưng Yên

Có một ngôi trường thơ mộng giữa cả thời chiến lẫn thời bình

ANTĐ - Cách đây tròn nửa thế kỷ, tại vùng quê nghèo chiêm trũng xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ của tỉnh Hưng Yên, có một ngôi trường cấp III đã được “khai sinh” đúng vào lúc đế quốc Mỹ đang leo thang bắn phá dữ dội miền Bắc không kể ngày đêm. Đối lập với sự ác liệt của chiến tranh, sự gian khó nhọc nhằn của cuộc sống thời ấy, ngôi trường mang cái tên đầy thơ mộng: trường cấp III Tiên Lữ.

Kính tặng, trường THPT Tiên Lữ, Hưng Yên

Có một ngôi trường thơ mộng giữa cả thời chiến lẫn thời bình ảnh 1

1. Tiên Lữ khi ấy, cũng như những miền quê chiêm trũng khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nghèo khó và khổ cực vô cùng, quanh năm nước ngập mênh mông, việc di chuyển từ xã nọ sang xã kia đều bằng cách đi bộ trên triền đê, muốn bắt xe đi từ huyện lên tỉnh thì phải đi bộ tới 15 cây số. Vậy nhưng trong ký ức của những cô cậu học trò từng ngồi học dưới mái trường Tiên Lữ từ những năm 65-70 của thế kỷ trước, lạ kỳ thay khi hồi tưởng về ngôi trường tuổi thơ của cái thời chiến tranh gian khổ nhất, lại thấy những hình ảnh dung dị đầy lãng mạn. Con đường khó nhọc ấy trong ký ức học trò lại là những kỷ niệm rất đẹp, rất thơ. Như nỗi nhớ của một học sinh lớp 10A, khóa học 1970-1973 thì con đường đi bộ đến trường trên triền đê uốn lượn, một bên là con sông Luộc thơ mộng, một bên là những cánh đồng xen với những đầm sen rộng mênh mông, mỗi buổi bình minh tới trường trong hương sen thơm ngát, mỗi buổi hoàng hôn đều rợp trắng những cánh cò. 

Cả khi phải cắp sách đến trường trong nỗi đau đáu về tương lai phía trước, cậu học trò Đào Văn Vinh (khóa học 1969-1972) sau này là Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I, Tổng cục An ninh, Bộ Công an vẫn không sao quên được những đêm trăng sáng vằng vặc, trên đường trở về nhà sau buổi ôn thi, tay cầm đèn dầu đi trên bờ đê, ánh trăng, ánh đèn quyện vào nhau hắt bóng mình dài thuỗn…Thời bấy giờ, như lời kể của Đại tá Đào Văn Vinh thì phải học trong cảnh nước ngập, đói đến thắt ruột nhưng thầy thì đã mang hết cả tâm huyết, mang hết cả tình yêu với học trò mà truyền dạy lại kiến thức, còn trò thì học lấy học để, siêng như nuốt từng chữ từng ý một. Ở vùng quê nghèo không một mẩu thông tin, không radio, không tivi, không báo chí, cả thế giới thu gọn vỏn vẹn trong cuốn sách giáo khoa, vậy nhưng rồi trò nào cũng lớn, cũng biết và cũng trưởng thành chẳng thua kém gì ai. 

2. Dạy và học dưới thời chiến nên những ngày đầu khi trường cấp III Tiên Lữ mới thành lập, như bao nơi khác, cảnh vừa học vừa sơ tán là chuyện thường tình với thầy trò nơi đây. Lớp học khi ấy có khi chỉ là tranh tre nứa lá, học sinh đi bộ, đội mũ rơm, đến trường, ngồi đất để học; có khi lớp học lại có lũy bao bọc, có hệ thống hầm chữ A, hố cá nhân ở ngay gần để tiện cho việc trú ẩn khi bị giặc đánh bom; rồi có khi lớp học lại chính là nhà kho của các hợp tác xã nông nghiệp, trò nào ở xa thì trú nhờ lại nhà dân cho tiện việc đi học…

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, cũng là lúc nhiều học sinh của trường xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, trong đó có không ít thành viên các khóa học từ 1965 đến 1975. Một cựu học sinh của lớp 10A khóa 1970-1973 ngậm ngùi nhớ lại, hơn một năm sau khi khóa học khai giảng, nhiều bạn bè trong lớp đã nhập ngũ lên đường vào chiến đấu ở các chiến trường phía Nam. Trong số đó, có nhiều người đã ra đi mãi mãi. Người may mắn chiến thắng trở về thì lại tiếp tục miệt mài đèn sách, trăn trở nghĩ cách làm sao giúp quê hương đỡ khổ, đỡ nghèo. 

Rồi cũng chính trong chiến tranh, những cô cậu học trò Tiên Lữ thuở ấy vẫn khát khao học, bền bỉ vươn lên và để lại nhiều dấu ấn trên bảng vàng thành tích chung của trường. Sau này khi nhớ lại, thầy Trần Đình Lân - giáo viên bộ môn Văn (1970-1972) vẫn tự hào đây là lứa học sinh tiên tiến xuất sắc nhất trong cuộc đời làm thầy của mình. Còn trong dòng lưu bút để lại, thầy Lương Nguyên Huân - giáo viên bộ môn Toán và cũng là chủ nhiệm lớp 10A khóa học  1970-1973 sau này là Phó Hiệu trưởng của trường đã xúc động chia sẻ rằng: “Cuộc sống con người có giới hạn, nhưng tình thầy trò và kỷ niệm về lớp học chúng ta là vô hạn”.

Cũng từ Tiên Lữ, biết bao học sinh đã vượt khó và trưởng thành rạng rỡ, có học vị học hàm và sống rất tình người. Người trở thành kỹ sư, người làm bác sĩ, người theo nghề dạy học, người thành đạt trên con đường kinh doanh, người trở thành sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang… Mỗi người một ngả, tỏa đi khắp chốn trên mọi miền đất nước, nhưng đều ghi nhớ về ngôi trường cấp III Tiên Lữ bằng cả tấm lòng yêu thương, kính trọng. 

3. 50 năm đã trôi qua, Tiên Lữ với nhiều ngôi trường khác ra đời muộn hơn thì trường THPT Tiên Lữ, có thể xem là “có tuổi”. Những lớp học sinh trưởng thành từ ngôi trường thân yêu này ngày một dày lên, cũng nối nhau đến tuổi về già. Nhưng đấy là quy luật cuộc sống. Còn ở một thế giới quan khác thuộc về tình cảm, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, dường như có một thứ luôn bất biến, đó là tình yêu mà các thế hệ thầy trò trường THPT Tiên Lữ dành cho nhau và dành cho mái trường thân thương như ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, chỉ cần gặp lại nhau, những cô cậu học sinh ở tuổi bạc mái đầu lại “trẻ trâu” như ngày đầu nhập học.

Thời buổi mạng xã hội, trường THPT Tiên Lữ cũng có cổng thông tin điện tử, có Facebook riêng. Nhờ thế mà chỉ cần một cú “click” chuột là thầy trò có thể cùng nhau ôn cố tri tân, từ chuyện nhìn cái cổng trường mới xây lại nhớ đến ông già Bao đánh trống ở trong cái nhà lều vách đất ngay cổng trường đối diện với sân kho làng Vương khi xưa, giờ này chắc ông đã đi theo diện đoàn tụ với ông bà… đến bùi ngùi chuyện vẫn con đường ấy, vẫn hàng cây ấy, vậy mà đã mấy mươi năm rồi… rồi chia sẻ cả những bức tranh, bức ảnh Tiên Lữ do cựu học sinh của trường vẽ và chụp tặng... 

4. Những ngày cuối thu 2015, Phố Giác, Thị trấn Vương, chợ Ché… của huyện Tiên Lữ bỗng trở nên ồn ào, náo nhiệt. Có rất nhiều đoàn xe ô tô tấp nập chở các cô, cậu học trò năm xưa về thăm trường cũ. Những bó hoa tươi thắm, những mái đầu bạc xen lẫn những nụ cười tất cả đang hội tụ về trường THPT Tiên Lữ để tri ân mái trường xưa, tri ân các thế hệ thầy, cô giáo của trường Cấp III Tiên Lữ ngày xưa và trường THPT Tiên Lữ ngày nay. Thầy Nguyễn Văn Duy, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ nói với chúng tôi: “Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường THPT Tiên Lữ nhà trường rất mong sự hội ngộ của tất cả các thế hệ thầy và trò để cùng nhau ôn lại truyền thống của nhà trường, sống lại cảm xúc ban đầu và cùng tự hào về ngôi trường mang tên THPT Tiên Lữ. Trong ngày vui hôm nay trường THPT Tiên Lữ biết ơn và không bao giờ quên được công lao các thầy, cô giáo đã từng lãnh đạo, giảng dạy ở trường nhưng nay đã về cõi vĩnh hằng, cũng như nhiều thầy, cô vì nhiều lý do khác nhau không về tham dự ngày hội trường”.

Từ cách đây cả vài tháng, trên mạng xã hội và bằng cả nhiều phương tiện liên lạc khác, các cựu học sinh Tiên Lữ đang náo nức hẹn gặp nhau. Dù hầu như năm nào cũng gặp, cũng hội khóa, cũng tề tựu về thăm trường lớp nhưng lần này đặc biệt hơn. Sở dĩ vậy bởi cuộc hẹn lần này không chỉ vào đúng vào dịp 50 năm thành lập trường, mà còn là để cùng nhau về chia sẻ niềm vui trường được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba và Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia vào ngày 14 và 15-11-2015. Và người ta lại thấy các cô cậu học trò Tiên Lữ hẹn nhau sẽ gặp, sẽ kể cho nhau nghe những chuyện chưa bao giờ cũ, sẽ hát trong chương trình giao lưu văn nghệ như một cựu học sinh lớp 10 niên khóa 1969-1971 đăng ký qua… Facebook rằng sẽ hát hẳn 2 bài trong đêm Gala giao lưu văn nghệ giữa các thế hệ học sinh của trường vào tối 14-11. Và chắc chắn, buổi gặp gỡ này sẽ thêm vào hành trang ký ức không thể nào quên trong cuộc đời mỗi học trò trường cấp III Tiên Lữ ngày xưa và THPT Tiên Lữ ngày nay.