Có một cột cờ Trường Sa vững vàng giữa đại ngàn Tây Bắc

ANTD.VN - Hơn 2 năm nay, giữa những ngọn núi mây trắng vờn quanh ở Nà Hẩu (Văn Yên, Yên Bái) lá cờ Tổ quốc gắn với cột mốc chủ quyền Trường Sa thân yêu vẫn tung bay trong gió đại ngàn. Hai tiếng Trường Sa thiêng liêng đã in sâu trong tình cảm mỗi đồng bào người Mông nơi đây...

Các em học sinh người Mông ở Nà Hẩu bên Cột cờ chủ quyền Trường Sa

Nà Hẩu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Phía Tây là dãy núi Sùng Đô cao hơn 1.700m. Phía Nam chắn bởi dãy núi Khe Vàng heo hút, còn phía Đông là dốc Ba Khuy cheo leo. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, người dân ở hai huyện Simacai và Bắc Hà (Lào Cai) đã sơ tán rồi định cư tại đây sau đó mới thành lập xã Nà Hẩu. Vì vậy, hầu hết đồng bào nơi đây đều thấu hiểu nỗi đau mất mát của chiến tranh. Hiểu rõ giá trị của hoà bình nên đồng bào dân tộc càng thêm yêu quê hương đất nước và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước trên vùng trời, vùng biển của đất nước mình.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nằm ở lưng chừng núi, giữa con dốc, giữa những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn. Ở trong khuôn viên trường có một công trình đặc biệt. Một cột mốc chủ quyền biển đảo nằm giữa núi rừng Tây Bắc. Công trình Cột cờ chủ quyền Trường Sa do cán bộ, công nhân viên chức Báo Yên Bái đóng góp có tổng mức đầu tư hơn 80 triệu đồng, được xây dựng bằng bê tông, cao 4 mét, rộng hơn 1mét, đế rộng 3 mét. Trên bề mặt trước ngoài việc thể hiện các vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa, công trình hoàn thành từ năm 2014.

Hàng tuần,  Quốc ca lại được vang lên hào hùng và đầy niềm tự hào, náo nức của những học sinh trên núi Nà Hẩu ngay dưới Cột cờ chủ quyền Trường Sa. Hình ảnh này vốn dĩ đồng bào người Mông ở Nà Hẩu chỉ có thể nhìn thấy trên tivi nhưng nay đã hiện diện sững sững, thân thiết như lời một bài hát: “Không xa đâu Trường Sa”. “Cháu chưa được nhìn nước biển như thế nào, nhưng cháu biết Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, Giàng Thị Dỏ, học sinh lớp 7A - Trung học cơ sở Nà Hẩu - trả lời khi được hỏi về công trình đặc biệt của trường mình. Biển Việt Nam ở đây sẽ có màu xanh da diết của Tây Bắc và cũng mặn mòi bởi tấm lòng của những đồng bào vùng cao.

Với những bà con người Mông thật thà, chất phác ở Nà Hẩu hôm nay, Trường Sa đã thật gần. Đó là chủ quyền không thể tách rời được khắc ghi trong tấm lòng, trí óc của bà con. Đi trên những con đường trong xã, không khó để thấy được lá cờ Tổ quốc tung bay. Nếu trên những hòn đảo của Việt Nam trên biển Đông mỗi con người, nhành cây, ngọn cỏ đều là những cột mốc tiền tiêu của Tổ quốc, thì ở trên vùng núi cao xa xôi này, Cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa sẽ tiếp thêm sức mạnh để Nà Hẩu, mãi là hậu phương vững chắc cho biển đảo tiền tiêu Tổ quốc...