"Cò mồi" gạ bán thuốc thảo dược cứu bệnh nhân ngộ độc paraquat giá 5 triệu đồng/can

ANTD.VN - Thời gian gần đây, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang xuất hiện một số “cò mồi” thường xuyên lẻn vào viện mời chào các gia đình người bệnh bị ngộ độc thuốc diệt cỏ (uống thuốc diệt cỏ Paraquat) mua “can thuốc thảo dược” với giá 5 triệu đồng để chữa…

Mỗi năm cả nước có trên 1.000 người ngộ độc paraquat, tỷ lệ tử vong lên tới 70%

Như Báo ANTĐ đã nhiều lần đưa tin, tình trạng ngộ độc do uống thuốc diệt cỏ paraquat vẫn đang diễn ra rất nghiêm trọng, với bình quân hơn 1.000 ca ngộ độc xảy ra trên cả nước mỗi năm, tỷ lệ tử vong lên tới 70%.

Tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, hầu như tháng nào cũng tiếp nhận 10-20 ca vào cấp cứu.

Ngay tại một bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, từ đầu năm 2019 đến nay, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 20 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.

Bác sỹ CKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, vì thế người dân tuyệt đối không nên uống và lưu trữ thuốc diệt cỏ cực độc này. Bởi uống loại thuốc này từ 5ml trở lên sẽ không thể cứu chữa và dẫn đến tử vong.

Đáng chú ý, gần đây, tại cửa khoa Hồi sức tích cực & Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang có hiện tượng một số “cò mồi” thường xuyên trà trộn vào để mời chào các gia đình người bệnh (đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat) mua “can thuốc thảo dược” không rõ nguồn gốc (loại can 5 lít màu vàng hoặc màu trắng) với giá 5 triệu đồng/1can để chữa bệnh ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.

Thực tế đã có gia đình người bệnh bỏ tiền mua từ 1 đến 3 can cho người bệnh uống nhưng kết quả bệnh nhân vẫn tử vong.

Vì thế, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi người bệnh đã trót uống thuốc diệt cỏ paraquat , gia đình cần đưa ngay tới cơ sở y tế để cấp cứu, tuyệt đối không nên nghe theo các lời “cò mồi” mua các loại “thuốc thảo dược” để “cứu người bệnh”, tránh “tiền mất - tật mang”.