Có lên, phải có xuống

ANTĐ - Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định EVN sẽ được điều chỉnh giá điện trong khung cho trước nếu chi phí đầu vào tăng 3-5%; đồng thời ngành điện sẽ được lập quỹ bình ổn giá điện.

Một điều đáng lưu ý được nêu tại dự thảo là, nếu giá đầu vào tại thời điểm tính toán  thấp  hơn so với giá bán điện  hiện hành, EVN phải giảm ngay giá bán điện, bất kể mức giảm là bao nhiêu. Rõ ràng, dự thảo lần này không chỉ “ưu tiên” ngành điện được phép tăng giá bán mà còn tăng tính công khai, minh bạch nhằm hướng tới một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh, phá bỏ  từng  bước  ưu  thế  độc quyền  nguồn năng  lượng đầu vào của toàn bộ các ngành, lĩnh vực kinh tế. Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, cần quan tâm đến tâm lý người dân, mỗi lần nghe tăng giá điện là rất sợ.

Hơn nữa, cần tính tới việc giá điện tăng có thể là yếu tố tác động tâm lý khiến một số mặt hàng khác “té nước  theo mưa”. Do đó, có thể 1 năm tăng chỉ một lần nhưng tăng 6-7% cũng được, thay vì tăng 2 lần, mỗi lần 3%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự giám sát của các cơ quan quản lý để đảm bảo minh bạch trong vấn đề này. Thực tế hiện nay, giá dầu đã giảm nhưng giá bán điện (từ nhà máy điện chạy bằng dầu) có giảm không? Một điểm mới  trong dự  thảo được dư luận đặc biệt quan  tâm  là EVN sẽ được giao quyền trích lập, quản  lý và sử dụng quỹ bình ổn giá  điện.

Mục  đích  là  trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, nếu quỹ này “ăn” vào giá thành giá điện, có nghĩa người dân sẽ phải “cõng” thêm gánh nặng. Vì thế, nếu trích quỹ thì nên lấy nguồn từ lợi nhuận của chính ngành điện là hợp lý và hợp lòng dân hơn. Bình luận rằng, “như thế chưa thật thị trường”, các chuyên gia cho rằng, việc bình ổn giá như thế nào nhằm hạn chế tăng giá, để người tiêu dùng hài lòng với hàng hóa là việc của doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp muốn giữ giá thì lập quỹ rồi yêu cầu người mua góp tiền vào.

Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tính toán rủi ro, khả năng biến động của thị trường để có biện pháp phòng ngừa. Thậm chí, trong nhiều trường hợp lỗ vẫn phải giữ giá. Nên nếu lập quỹ bình ổn thì Nhà nước nên đưa nguồn lực vào hoặc EVN nên có trách nhiệm. Điều  người  tiêu dùng và các doanh nghiệp mong đợi,  đòi hỏi  là  Bộ Công Thương cần quy định công khai công thức tính giá điện, trong đó, yếu tố để làm cơ sở điều chỉnh giá gồm tổng chi phí phát điện, truyền tải điện; tổng chi phí phân phối – bán lẻ  điện  và  lợi  nhuận của  doanh  nghiệp. Hiện nay, tỷ giá đã được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống. Giá xăng dầu, giá điện có lên cũng phải có xuống, không thể “một mình một chợ”.