Cô lập chồng: Dễ tan vỡ hạnh phúc

ANTĐ - Để chồng toàn tâm toàn ý dành cho gia đình, tránh các thói hư tật xấu, một số bà vợ đã cố gắng tách chồng khỏi các mối quan hệ với bạn bè, người thân. Nhưng kiểu “nhốt chồng” không đem lại hạnh phúc mà đẩy chồng sang “chiến tuyến” khác. 

Giữ chân chồng có nhiều cách và sẽ nguy hiểm nếu dùng “chiêu” cô lập, cách ly
Ảnh minh họa: Internet

Kể khổ “đuổi khách”

Ngay từ khi yêu nhau, chị Đinh Kim Cúc (Đống Đa) đã không muốn bạn trai tụ tập bạn bè quá nhiều. Theo quan điểm của chị, yêu nhau là chuyện của hai người, nếu cứ tụ tập bạn bè, mọi người lại nhìn vào bàn tán, xúi bẩy thì lành ít dữ nhiều. Do đó, chị luôn lấy cớ nhớ nhung để rủ người yêu đi xem phim, uống café chỉ có hai người. Nếu buộc phải đi sinh nhật bạn, thăm họ hàng đau ốm thì chị Cúc chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng giục người yêu về. Sau đám cưới, chị cũng thiết quân luật với anh Bình – chồng chị. “Đàn ông mà tụ tập với nhau, không đàn đúm bia rượu thì cũng chém gió, sinh bệnh tật, rồi lại rủ rê đi hát hò làm gia đình lục đục” – chị Cúc phân trần. Nhưng khổ nỗi, anh Bình lại là người quảng giao, có nhiều bạn bè. Công việc kinh doanh khiến anh phải gây dựng quan hệ, thường phải tiếp khách khứa. Hồi mới yêu nhau, chị Cúc mè nheo thì anh Bình còn nể nang, lại đang hồi bén hơi nên thích cặp kè riêng với người yêu, nhưng sau đám cưới, anh thẳng thừng từ chối những yêu sách vô lý của vợ. 

Thấy chiêu bài mặt nặng mày nhẹ mỗi lần chồng ra khỏi nhà chẳng ăn thua, chị Cúc lập hẳn “chiến dịch” cách ly chồng. Hễ có bạn bè gọi điện hoặc đến nhà chơi, chị Cúc đều than một bài về bệnh đau dạ dày của chồng, nguy cơ tăng huyết áp, mỡ trong máu, gia đình có tiền sử “đái tháo đường” nên “các anh thương nhà em, thương các cháu thì nên vận động nhà em đừng đi nhậu nữa”. Hễ chồng về muộn là chị gọi điện giục giã. Không được thì chị tìm tận đến bàn nhậu, vừa rót bia cho chồng, vừa khuyên giải về bệnh tật, kể chuyện ông này vì bia mà tai nạn, cậu kia vì bia mà yếu sinh lý. Dần dà bạn bè của anh rút lui có trật tự. 

Chị Hoàng Linh (Hai Bà Trưng) lại không thích chồng chia sẻ tình cảm, tiền bạc với họ hàng. Quê anh Thụ – chồng chị tận Hà Tĩnh, đông anh em, họ hàng. Mỗi lần đến mùa thi hay Tết nhất, họ hàng kéo ra nhà chị không ít. Không chỉ tốn tiền nuôi khách mà gia đình chị còn đảo lộn mọi sinh hoạt. Chị Linh không thể chịu nổi ông chú họ hút thuốc lào trong phòng khách bóng loáng của chị, bà bác chồng đi vệ sinh không xả nước, lúc về còn phải tốn kém quà cáp cho đẹp mặt bố mẹ chồng. Sau một thời gian, chị Linh tìm cách “né”. Khi có người gọi điện gợi ý lên chơi, chị đều từ chối khéo bằng việc “tiếc quá chồng cháu đi công tác, cháu thì bận con mọn, bác lên lại không đón tiếp chu đáo”. Còn đám nào “cùng bất đắc dĩ” phải tiếp thì chị vẫn tỏ ý xởi lởi, hào phóng. Tuy bên ngoài thì đón tiếp chu đáo nhưng chị đều cố ý “hở” những nỗi niềm khó nói. Người thu tiền điện đến thì chị nói đủ cho họ hàng nhà chồng nghe: “Dạo này công ty chồng chị khó khăn, nợ đọng khắp nơi, khó khăn lắm nên cho chị khất nợ, mai chị vay tiền trả”. Chị cũng giả gọi cho cô giáo của con để xin thôi học thêm vì “không có tiền đóng”. Rồi chị than dạo này ốm đau, mệt mỏi… Sau một thời gian, chồng chị chẳng thấy người ở quê lên chơi hay điện thoại hỏi thăm. Mẹ anh thi thoảng lại gọi điện ra, cứ gặng hỏi xem gia đình có khó khăn gì không.

Cạn kiệt tình cảm

Nhân tiện đi công tác, anh Thụ ghé vào thăm mẹ, hỏi vì sao không thấy mọi người lên thành phố chơi. Khi anh biếu mẹ ít tiền, bà cứ quầy quậy không nhận. Gặng mãi, bà mới rơm rớm nước mắt: “Mẹ biết con đang túng bấn, vợ ốm, con đau, công ty nợ nần, mẹ sao dám lấy tiền. Bà còn bắt cho anh mấy con gà, xát cho mấy yến gạo để về bồi dưỡng. Cho dù anh Thụ giải thích thế nào, mẹ anh cũng không tin, cho rằng anh cố giấu giiếm. Về nhà, anh Thụ quẳng tải gạo trước mặt vợ, gằn giọng: “Tôi cung phụng cô chẳng thiếu thứ gì mà cô còn giở trò với mẹ tôi, họ hàng nhà tôi. Từ giờ, việc tôi tôi lo, việc cô cô lo, đừng có trông mong gì thằng này nữa”. Anh Thụ vơ quần áo ra phòng khách ngủ riêng, cho dù vợ có giải thích, năn nỉ xin lỗi. Anh cũng đổi mật khẩu thẻ ATM, không cho vợ quản lý tiền. Anh có giúp đỡ họ hàng, biếu tiền bố mẹ cũng không bao giờ trao đổi với vợ nữa. Hai vợ chồng trở nên khách khí, dè chừng. 

Còn anh Bình sau một thời gian bạn bè mất hút cũng biết được chiêu bài của vợ. Anh bực dọc tuyên bố: “Tôi thật xấu hổ với bạn bè. Tôi không mấy khi nhậu quá đà, nhưng bạn bè, đối tác vẫn phải tiếp. Nhiều khi còn là thư giãn, vui vẻ cho đỡ căng thẳng. Từ giờ tôi tụ tập bạn bè, tiếp khách cấm cô can thiệp”. Được đà, anh Bình không chỉ đi nhậu mà còn tham gia thêm mấy câu lạc bộ cờ tướng, tennis để ra khỏi nhà từ sáng sớm đến đêm khuya. Mọi lời nói của chị Cúc dường như không còn trọng lượng.

Ông Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn khẳng định: “Hôn nhân không chỉ là đám cưới giữa hai người. Hôn nhân bao gồm tất cả các mối quan hệ với người thân, họ hàng, bạn bè. Việc chia cắt, cô lập chồng sẽ khiến cho hôn nhân trở nên ngột ngạt, buồn chán. Giống như “rút củi đáy nồi”, tình cảm của hai vợ chồng sẽ ngày càng cạn kiệt và đến lúc tắt ngấm. Người vợ có thể giữ được chân chồng nhưng không thể giữ được tình yêu, sự tin cậy, tôn trọng và chia sẻ của chồng”.