Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt trước làn sóng blockchain

ANTD.VN - Sự kỳ diệu mà blockchain có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế tài chính toàn cầu và những cơ hội đầy triển vọng, thách thức phải đối mặt đối với mỗi quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được gợi mở dưới góc nhìn của Kyber Network - một Startup tại Singapore có CEO và đồng sáng lập là người Việt.

Bitcoin là đồng tiền phổ biến được sử dụng trong thương mại điện tử, là đại diện tiêu biểu cho thành công của công nghệ blockchain khi đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.

Xung quanh bitcoin còn rất nhiều ý kiến trái chiều về giá trị và mức độ rủi ro mang lại, tuy nhiên công nghệ phía sau BLOCKCHAIN lại được quan tâm từ rất nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính và ông lớn công nghệ trên thế giới như Citibank, Goldman Sachs, IBM, Microsoft, được xem như phát minh lớn của con người, rút ngắn thời gian, không gian cho các bên có liên quan.

Blockchain được hiểu như thế nào?

Hiểu một cách đơn giản, blockchain là một cuốn sổ cái điện tử, lưu trữ các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất kỳ dữ liệu gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập hay xác minh sự tồn tại của nó.

Không giống như cách lưu trữ giao dịch, dữ liệu thông thường khi mà dữ liệu được lưu tập trung tại cơ sở dữ liệu của một bên thứ ba mà ta tin tưởng đảm bảo cho tính xác thực của dữ liệu đó, khi sử dụng blockchain, các dữ liệu này được cập nhật trên hệ thống lưu trữ máy tính ngang hàng của tất cả người dùng trong cùng một mạng lưới.

Nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một mạng lưới sẽ có thể biết được tất cả các thông tin về giao dịch, sẽ xác minh và ghi lại giao dịch đó vào cuốn sổ cái rồi cấp phát dữ liệu này tới các máy tính khác.

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán vô chủ; các máy tính liên tục thực hiện việc kiểm toán độc lập bằng cách xác minh dữ liệu nhận tới và so sánh với chữ ký của giao dịch đó.

CEO Lưu Thế Lợi của Kyber Network (ảnh) giải thích: “Công nghệ tiền điện tử và blockchain giống như một cuộc cách mạng bởi không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Nó hoạt động hoàn toàn độc lập, khách quan, minh bạch, và không ai có thể can thiệp được. Điều đó khác hẳn với giao dịch truyền thống cần phải có các ngân hàng (tổ chức tài chính) đứng ra làm trung gian giao dịch. Blockchain cải thiện hiệu quả của một giao dịch bằng cách loại bỏ các trung gian, và kết quả là chúng ta có thể có một hệ thống thanh toán hiệu quả hơn, giảm chi phí chuyển tiền cho tất cả mọi người. Blockchain cũng làm cho mọi thứ minh bạch hơn và dễ dàng kiểm tra bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Khi được đảm bảo bảo mật tối đa, có thể tạo ra một nền Internet mới, tạo ra một nền kinh tế đầy hứa hẹn".

Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống

Theo nghiên cứu tại Mỹ, có rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng công nghệ blockchain, nếu biết ứng dụng tốt công nghệ blockchain có thể giảm chi phí cơ sở hạ tầng lên lên đến hàng chục tỉ USD/năm cho mỗi doanh nghiệp. Đối với một số doanh nghiệp và tập đoàn lớn, nền tảng blockchain đã đem lại cho họ cơ hội bảo đảm nguồn cung, hạn chế trung gian và cắt giảm chi phí vận hành.

Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành tài chính thương mại quốc tế, có đến 1/5 ngân hàng quốc tế được hỏi đang đau đầu với bài toán gian lận tài chính. Một hệ thống thanh toán an toàn sử dụng công nghệ blockchain sẽ là câu trả lời. Blockchain được kì vọng sẽ hiện diện ở nhiều ngành công nghiệp trong 5 đến 10 năm tới.

Ngành đầu tiên và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ công nghệ blockchain là giao dịch Ngân hàng. Hàng loạt các ngân hàng lớn trên thế giới như Barclays, IBS đã đầu tư và công nghệ blockchain, ước tính sẽ có tới 15% ngân hàng toàn thế giới sẽ ứng dụng công nghệ blockchain, các giao dịch sẽ được ghi lại để theo dõi đến đích cuối cùng của đồng tiền, dự tính chi phí giao dịch ngoại khối, chuyển tiền và nhiều dịch vụ khác sẽ được tiết kiệm đáng kể, tội phạm rửa tiền sẽ bị chặn đứng.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Walmart là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng blockchain. Gã khổng lồ bán lẻ này đã sử dụng blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ. Hay với ngành y tế, ghi nhận quá trình điều trị rất quan trọng trong ngành y, tuy nhiên lưu trữ thông tin y tế trên dữ liệu điện toán đám mây không còn là lựa chọn tốt khi liên tục xảy ra những vụ tấn công mất mã dữ liệu. Sử dụng blockchain có thể ngăn chặn nguy cơ này, bên cạnh đó, việc giao tiếp nội bộ giữa các nhân viên ngành y sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

Thị trường Việt Nam tới nay dường như còn bỏ ngỏ, chưa thực sự có nhiều công ty nghiên cứu và vận hành về blockchain. Với những chính sách ưu tiên phát triển công nghệ thông tin như một ngành mũi nhọn của nhà nước và tiềm năng công nghệ sẵn có, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi công nghệ blockchain có nhiều điều kiện tốt để phát triển.

Đây là thời điểm tốt để những cá nhân đang nghiên cứu về công nghệ mới này được thỏa sức cạnh tranh và thể hiện mình trong một môi trường khởi nghiệp hoàn toàn mới và sáng tạo, đủ sức cạnh tranh với toàn cầu.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những thách thức, cũng là các rào cản của công nghệ blockchain cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thách thức đầu tiên xuất phát từ tâm lý e dè trong việc sử dụng một công nghệ mới và tiên tiến bậc nhất. Việc khai phá tư duy để chuyển mình ứng dụng công nghệ mới là điều không dễ và cần có thời gian để thích ứng.

Ngoài ra là những khó khăn về cộng đồng blockchain còn nhỏ lẻ nên khả năng chia sẻ những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm trong cộng đồng không cao.

Trở ngại từ phía pháp lý quốc gia khi chưa có khung pháp lý hoàn thiện và hệ thống pháp lý quốc tế cũng rất phức tạp vì các quốc gia không đồng nhất trong quản lý các giao dịch liên quan blockchain nên việc triển khai chúng trong một mạng lưới quốc tế là không đơn giản.

Blockchain có thể được sử dụng cho mục đích hợp pháp hoặc không (chẳng hạn một hệ thống sổ cái giao dịch của thế giới ngầm). Tuy nhiên, blockchain hoàn toàn có thể sử dụng cho giao dịch hợp pháp và cần được bảo vệ, chẳng hạn như trong lĩnh vực giải trí, giao dịch công chứng, công nhận bằng cấp... miễn là các giao dịch này không vi phạm các nguyên tắc về chống rửa tiền hay phạm pháp.

Công nghệ blockchain có thể sẽ đi vào cuộc sống rất gần và cũng sẽ là một sân chơi đầy hấp dẫn và tiềm năng để trở thành tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Trong số rất nhiều các thách thức mà blockchain đang đối mặt, doanh nghiệp Việt cần trang bị cho mình bản lĩnh, sự hiểu biết đủ để sẵn sàng đối mặt với bước chuyển mình của nền kinh tế, tài chính và công nghệ toàn cầu trong một tương lai không xa.