Cơ hội - nguy cơ

(ANTĐ) - Cặp từ “cơ hội – nguy cơ” thường được nhắc tới với mật độ ngày càng nhiều, không chỉ trên báo chí, trong đời sống kinh tế thời hội nhập mà cả trong giới doanh nghiệp. Cơ hội – nguy cơ, mặc dù tương khắc như lửa – nước, sáng – tối nhưng lại gắn chặt, dính liền với nhau.

Cơ hội - nguy cơ

(ANTĐ) - Cặp từ “cơ hội – nguy cơ” thường được nhắc tới với mật độ ngày càng nhiều, không chỉ trên báo chí, trong đời sống kinh tế thời hội nhập mà cả trong giới doanh nghiệp. Cơ hội – nguy cơ, mặc dù tương khắc như lửa – nước, sáng – tối nhưng lại gắn chặt, dính liền với nhau.

Có một ranh giới mỏng manh như sợi tóc giữa cơ hội và nguy cơ. Không tận dụng được cơ hội, để tuột khỏi tay thì ngay lập tức nó có thể trở thành nguy cơ. Hàng loạt mặt hàng của nước ngoài đã từng chiếm lĩnh thị trường thế giới đang bị mất uy tín vì kém chất lượng, gây nguy hại cho người tiêu dùng.

Đây chẳng phải là cơ hội hiếm hoi cho các nước, trong đó có Việt Nam mở rộng xuất nhập khẩu, gia tăng thị phần, lấn sâu đó sao? Thời cơ giành thị trường, tăng sức cạnh tranh đâu có nhiều.

Nhìn vào “rổ hàng” xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản và thủy hải sản, đều là những thứ dễ bị thế giới “soi” gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm chè kém an toàn do dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép. Trong chế biến, ở nhiều nhà máy, công nhân làm việc trong dây chuyền không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Đây là điểm yếu nhất khiến giá chè Việt Nam trên thị trường thế giới liên tục giảm. Năm ngoái, giá xuất khẩu đạt 1.116USD/tấn chè đen, giảm 50USD so với năm trước đó. Đầu năm nay giá giảm chỉ còn 1.006 USD.

Cà phê cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện về chất lượng. Một số lô hàng hồ tiêu, gạo cũng bị một số quốc gia từ chối vì không an toàn cho sức khỏe. Xuất khẩu thực phẩm chế biến vào EU, Mỹ, hàng Việt Nam cũng đã bị “thổi còi” không ít.

Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho hay, 6 tháng đầu năm nay, họ đã từ chối nhập 240 lô hàng do không hợp vệ sinh và không ghi đầy đủ thành phần trên nhãn sản phẩm, gồm thủy sản, bánh tráng, bánh quy xốp, kẹo gừng, mè xửng, rau muối.

Điều đáng lo ngại là những lô hàng bị “hồi hương” phần lớn là của các công ty có tên tuổi và sản xuất với quy mô lớn.

Hàng hóa Việt Nam chưa phải đối mặt với những vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng và an toàn là vì phần lớn được  xuất khẩu  dưới dạng gia công, dùng nguyên liệu nhập và sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của người đặt hàng cho nên chưa bị “mất mặt” như hàng hóa của một số nước.

Tuy nhiên, nguy cơ thì vẫn luôn “treo” lơ lửng trước mặt. Không thể yên tâm được vì tình trạng kiểm soát việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất ở thị trường trong nước gần như bị buông lỏng. Ai có thể bảo đảm rằng những hóa chất bị cấm ở châu Âu, Mỹ không được các nhà sản xuất Việt Nam sử dụng vì giá rẻ, giá thành sản phẩm thấp mà lợi nhuận lại cao?

Trong khi tình trạng quản lý việc lưu hành và sử dụng hóa chất còn quá lỏng lẻo, thì không ít doanh nghiệp “hoa mắt” vì giá thành, vì lợi nhuận mà “nhắm mắt” đưa hóa chất cấm sử dụng vào ngành dệt, in nhuộm vải và sản xuất đồ chơi bằng nhựa.

Chừng nào những kẽ hở này chưa được xử lý, bịt kín, thì nguy cơ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị các nước từ chối sẽ tăng lên. Cơ hội biến thành nguy cơ là do chính chúng ta.

Đan Thanh