Cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển

ANTD.VN - “Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp thường gắn với rủi ro nhưng khi thành công sẽ  mang lại giá trị rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016 (Techfest) diễn ra hôm qua 12-11. 

Cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển  ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo đột phá trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Sức lan tỏa cộng đồng khởi nghiệp

“Không khí khởi nghiệp thực sự đã có sự lan tỏa” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định về cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam khi khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp đã có nhiều thay đổi so với khi bắt đầu hình thành từ năm 2003 - 2004. Nếu thời điểm đó, Việt Nam sử dụng từ khởi nghiệp với ý nghĩa là bắt đầu kinh doanh thì bây giờ, khái niệm chung đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là đổi mới sáng tạo. Với ý nghĩa này, Chính phủ đã và đang tập trung tạo nhiều điều kiện giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Đây là cộng đồng thường tạo ra những sản phẩm mới, những phân khúc thị trường mới, khách hàng mới bằng những công nghệ, ý tưởng mới chưa từng có, vì vậy thường liên quan tới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, qua internet đến với thế giới. Cộng đồng này thường gắn với rủi ro nhưng khi thành công sẽ có những giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh rất cao, có tính đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chính là cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, nhận thức rõ tiềm năng phục vụ phát triển đất nước của những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương phát triển thị trường khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực; mạng lưới các nhà đầu tư đang tăng lên về mặt số lượng, các trường đại học, các tổ chức ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp với chất lượng ngày một nâng cao, hành lang pháp lý cơ bản hoàn chỉnh cho hoạt động khởi nghiệp... 

Giai đoạn 2012 - 2016, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi hiện nay có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Tiềm năng lớn nhưng còn nhiều rào cản

Mới chỉ bước vào năm thứ hai thực hiện nhưng Techfest đã đem lại hiệu quả không nhỏ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, năm ngoái sự kiện này thu hút gần 1.000 người và khoảng 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự. Kết thúc ngày hội, Techfest 2015 đã có những kết nối và những khoản đầu tư tương đối lớn, trên 1 triệu USD được đầu tư vào các dự án khởi nghiệp.

“Chúng tôi cảm nhận Techfest là sự mở màn cho hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2016, Chính phủ đã quyết định chọn là Năm khởi nghiệp quốc gia. Techfest Việt Nam 2016 có quy mô thu hút khoảng 2.000 người tham dự và 100 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối đầu tư và các nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngoài ra sự kiện còn hướng đến mục tiêu kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế”- Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Với dân số 90 triệu người, 45 triệu người dùng Internet, 30 triệu người dùng điện thoại thông minh và mức sử dụng Internet hiện bằng 10 lần so với một thập kỷ trước, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là một thị trường công nghệ tiềm năng sở hữu thế mạnh về nhân lực kỹ thuật sẵn có, với nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng thị trường lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ có một đội ngũ đông đảo các nhà quản lý, nhà sáng lập, những người phát triển sản phẩm và các kỹ sư tài năng. 

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhận thấy còn nhiều rào cản đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Trước tiên là những quy định hiện hành về hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ như hỗ trợ về ưu đãi đất đai, thuế chưa thực sự phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp vì hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong một vài năm đầu tiên hoạt động chưa phát sinh thu nhập chịu thuế và cũng ít khi có nhu cầu về đất đai mà hầu hết là nhu cầu về mặt bằng có sẵn để làm không gian văn phòng.

Bên cạnh đó, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là hoạt động mang tính chất hội nhập cao vì các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có thể có giá trị lớn nếu hướng đến thị trường toàn cầu hoặc ít nhất là thị trường trong khu vực. Tuy vậy, các quy định hiện tại chưa tạo điều kiện cho hội nhập để phát triển hệ sinh thái này. Cụ thể, các thủ tục hành chính cho việc chứng nhận đầu tư cho các khoản đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam còn rườm rà, có thể phù hợp với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhưng chưa thực sự phù hợp với tính chất của các khoản đầu tư mạo hiểm một vài trăm nghìn đến một vài triệu đôla Mỹ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng và giữ ổn định trong 2 năm gần đây đưa Việt Nam vào trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo nhưng thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ trong nước. “Trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thể hiện rõ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đó không những với nhau mà còn tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp quốc tế”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

“Khởi nghiệp không bao giờ là muộn” 

Cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển  ảnh 2

“Nhà đầu tư thiên thần” vẫn còn là một khái niệm mới nên số lượng nhà đầu tư kiểu này ở Việt Nam chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Nhà đầu tư thiên thần chủ yếu là doanh nhân khởi nghiệp ở thế hệ đầu đã thành công đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thế hệ sau.

Chia sẻ về kinh nghiệm đi trước của mình, ông Đinh Việt Hùng, CEO của Joomlart cho biết, khởi nghiệp không bao giờ là muộn và khi đã xuất hiện trên thị trường thì không hề lép vế với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp truyền thống. “Tôi cho rằng doanh nghiệp lớn như các thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới cũng không thể phủ hết nhu cầu thị trường. Hơn nữa, họ quá lớn để thay đổi, thích ứng và không thể linh hoạt như các doanh nghiệp nhỏ, nhiều sức sáng tạo”.

Ông Đinh Việt Hùng đang trở thành “nhà đầu tư thiên thần” đầu tư cho hàng chục doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp. “Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đang đổ bộ vào Việt Nam để giành giật thị trường trong nước thì tôi mong rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ có ý chí, sức khỏe, tinh thần vững vàng trong thời gian tới để có thể đưa ra những sản phẩm made in Việt Nam cạnh tranh với thị trường khu vực và quốc tế” - ông Đinh Việt Hùng mong muốn.

6 bạn trẻ khởi nghiệp từ quỹ đầu tư 10.000 USD

Cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển  ảnh 3

Là một dự án nằm trong đề án “Vietnam Silicon Valley” (Thung lũng Silicon Việt Nam  - VSV) của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm kích thích sự tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, Cyhome cho đến thời điểm này là sản phẩm đi đầu trong lĩnh vực phần mềm quản lý chung cư và tòa nhà phức hợp, giúp giải quyết các khó khăn của Ban quản lý và tạo ra một cộng đồng giúp kết nối cư dân sống trong các tòa chung cư, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ một cách tiện lợi hơn.

“Với nhiệt huyết, năng lượng của tuổi trẻ và sự dám nghĩ dám làm, chúng tôi mong muốn trở thành những “kẻ thay đổi cuộc chơi” , đưa các sản phẩm công nghệ vào cuộc sống, giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn” - Lê Xuân Tùng, CEO của Cyhome cho biết.

Khởi đầu từ 10.000 USD do “Vietnam Silicon Valley” đầu tư, Cyhome của nhóm 6 nhà khởi nghiệp trẻ, vốn là sinh viên đến từ nhiều trường đại học trong nước đã đưa ra sản phẩm công nghệ hoàn thiện và mong muốn tìm được đối tác, nhà đầu tư cũng như các cộng sự để sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường trong nước.