Có hết lạm thu?

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND về các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập (trừ trường chất lượng cao). Theo đó, tiền học 2 buổi/ngày: Học sinh (HS) tiểu học không quá 100.000 đồng/tháng, HS trung học cơ sở không quá 150.000 đồng/tháng; thu học phẩm: Không quá 150.000 đồng/HS mầm non/năm học. Thu nước uống: HS tất cả các cấp học chỉ phải nộp không quá 12.000 đồng/HS/tháng. 

Minh họa: Internet

Như vậy, ngoài tiền ăn thỏa thuận, một học sinh mầm non tại trường bán trú công lập phải nộp không quá 1,758 triệu đồng/năm học; HS tiểu học nộp không quá 2,458 triệu đồng/năm học và HS trung học cơ sở nộp không quá 2,908 triệu đồng/năm học (chưa kể tiền đồng phục)

Cũng để tránh tình trạng bức xúc của phụ huynh về việc may đồng phục cho HS, quy định trong Quyết định 51/2013/QĐ-UBND chỉ rõ, đồng phục phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi HS và văn hóa của địa phương; được hội đồng nhà trường, cha mẹ HS đồng thuận; dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Không khuyến khích các nhà trường thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hàng năm làm khó khăn cho phụ huynh và HS. 

Cũng theo quyết định này, nhà trường được huy động các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp. Tuy nhiên, muốn kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nhà trường phải nêu rõ mục đích kêu gọi đóng góp như thế nào. Công khai dự kiến sử dụng số tiền xã hội hóa và được sự đồng thuận của phụ huynh, công khai quá trình thu chi, kết quả thực hiện... Những khoản thu không cần thiết, vô lý, trái ý muốn của cha mẹ học sinh, nếu Sở GD-ĐT kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý vi phạm người liên quan và yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.

Câu chuyện lạm thu ở năm học nào cũng rất… nóng. Để bù đắp chi phí thực tế cho hoạt động giáo dục, các trường vẫn cần kêu gọi xã hội hóa theo hình thức tự nguyện. Nhưng đây đó vẫn có hiện tượng lợi dụng cái khó chung của giáo dục để lạm thu, thực hiện xã hội hóa không đúng quy trình, thiếu công khai minh bạch, không theo nguyên tắc “thu đủ chi” phục vụ học sinh và những việc cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học.

Mặc dù Hà Nội từ nhiều năm nay đã cấm các trường thu tiền trái tuyến của phụ huynh, thế nhưng nhiều phụ huynh có con học trái tuyến đều xác nhận về việc “phải đóng góp tiền trái tuyến” dưới dạng “đóng góp tự nguyện xây dựng trường”, “ủng hộ quỹ khuyến học”, “ủng hộ hoạt động dạy học”... 

Nhưng cũng phải nói rằng, một trong những lý do của nạn lạm thu, “loạn thu” lại xuất phát từ chính những người được phụ huynh bầu ra làm đại diện cho mình. Dù ngành giáo dục đã quy định, nhà trường không được gộp các khoản thu vào đầu năm học. Thế nhưng, các khoản thu thường được ban phụ huynh sốt sắng “vẽ thêm” và thu gộp ngay từ đầu năm học, tạo thành áp lực tài chính lớn cho cha mẹ học sinh, nhưng các bậc phụ huynh thường chỉ dám “to nhỏ” với nhau về sự “lạm thu” vì sợ con mình sẽ bị “ảnh hưởng”.

Nay đã có văn bản chỉ đạo để xóa bỏ tình trạng “lạm thu”, “loạn chi” đang còn diễn biến phức tạp và ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức. Mỗi phụ huynh cần tự mình theo dõi và đấu tranh với việc “lạm thu” để những đồng tiền mình bỏ ra thực sự được sử dụng đúng với mục đích “đầu tư cho tương lai”.