Xung quanh suất cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai:

Có hay không việc ép… ăn?

ANTĐ - Gọi điện đến Đường dây nóng - Báo ANTĐ, một số bệnh nhân Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai phản ánh về việc trong quá trình điều trị tại đây, nhiều người dù không muốn nhưng buộc phải mua cơm suất của bệnh viện…

Nhân viên bệnh viện đẩy xe chở thức ăn đến phát cho bệnh nhân

tại Khoa Truyền nhiễm-bệnh viện Bạch Mai

Không ăn vẫn bị tính tiền?

Hầu hết người bệnh đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đều thuộc nhóm bệnh lý nguy hiểm và đang trong tình trạng bệnh nặng. Hơn nữa, đa phần bệnh nhân điều trị tại đây đều ở tỉnh xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên tiền viện phí đối với họ đã là một gánh nặng. Tuy vậy, theo chị N.T.N, quê ở Thanh Hoá: “Chồng tôi đang điều trị bệnh xơ gan, nhiều ngày nay, ông ấy ốm đến mức chẳng thiết ăn uống gì. Song, hàng ngày tôi vẫn phải đăng ký mua 3 bữa cơm của bệnh viện cho ông ấy vì không còn sự lựa chọn nào khác. Hầu như ngày nào suất ăn cũng vẫn còn nguyên vì người ốm làm sao nuốt nổi bữa cơm như thế…”. Cũng theo chị N, cơm trong bệnh viện có giá trung bình 20.000 đồng/suất, thức ăn thay đổi theo ngày nhưng khá đạm bạc, có ngày một suất ăn gồm một khúc cá rán, giá xào, cơm, canh, nhưng cũng có ngày suất ăn chỉ có mấy miếng thịt, đậu và một ít rau xào… nên nhiều khi bệnh nhân  khó mà ăn được. 

Cũng có người nhà đang điều trị bệnh tại đây, chị P.T.V, quê ở Nam Định thừa nhận cơm trong bệnh viện nấu không được ngon, không hợp khẩu vị, nhiều lúc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân muốn ra ngoài ăn cho tiện nhưng kể cả bệnh nhân không mua cơm thì bệnh viện vẫn tính tiền nên bắt buộc họ phải nhận cơm mỗi bữa. 

Theo một số bệnh nhân, cứ vào 7h sáng, 11h trưa và 17h chiều mỗi ngày, xe của căng-tin bệnh viện sẽ chở cơm đến trước cửa Khoa Truyền nhiễm. Tại đây, bệnh nhân và người nhà sẽ nhận các suất ăn do bệnh viện phát. Thức ăn phát cho các bệnh nhân không phải ai cũng giống ai. Đối với những bệnh nhân đang điều trị ở Khoa cấp cứu, tình trạng bệnh nặng, phải đưa thức ăn qua ống xông thì thức ăn là cháo dinh dưỡng, súp. Giá của mỗi suất ăn cũng khác nhau, tuỳ vào mỗi loại bệnh.

Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai đúng 11h trưa 3-10, giờ phát cơm trưa của bệnh viện, chúng tôi thấy một số nhân viên đẩy xe cơm đến trước cửa và bên trong khoa. Lúc này đã có khá đông người nhà và bệnh nhân có mặt để chờ nhân viên bệnh viện phát các suất ăn cho từng người. 

Suất cơm có giá 20.000 đồng

Không có việc ép bệnh nhân

Về vấn đề trên, theo Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, tại bệnh viện có Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - đây là nơi nghiên cứu ra chế độ ăn dinh dưỡng bệnh lý phù hợp với từng bệnh nhân, từng loại bệnh. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại quan niệm của bệnh nhân là đến bệnh viện chỉ để truyền dịch và tiêm thuốc đã quá lệch lạc và lỗi thời. Bởi, muốn nhanh chóng bình phục, rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân còn phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh của mình. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân phải ăn sonde (ăn qua ống xông), họ không thể nói được nên người nhà sẽ không biết cho người bệnh ăn thế nào là đủ dinh dưỡng. Trên thực tế, đã có một số bệnh nhân bị hôn mê, do không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nên khi thử máu đã bị đường huyết thấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Quan điểm của lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai là chế độ dinh dưỡng của người bệnh cũng được coi là một tiêu chí trong việc điều trị bệnh. Do đó, Hội đồng dinh dưỡng của bệnh viện họp hàng tháng để bàn về vấn đề này. Trước đây, khi chưa có trung tâm dinh dưỡng, một số người nhà bệnh nhân đã nấu ăn ở các gốc cây trong bệnh viện, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan chung. Ngoài ra, họ còn mua thức ăn cho bệnh nhân ở những hàng quán vỉa hè. Điều này đã khiến chế độ ăn của bệnh nhân không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh, xuất hiện tiêu chảy và một số bệnh về đường ruột. 

Ông Tuấn cũng khẳng định, bệnh viện không ép bất kỳ bệnh nhân nào phải ăn suất ăn của bệnh viện. Tuy vậy, với bệnh nhân có bệnh lý, khoa sẽ mời bác sỹ dinh dưỡng đến tư vấn cho bệnh nhân để họ hiểu chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến việc chữa bệnh. Thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân ban đầu không đồng ý ăn suất ăn của bệnh viện nhưng sau khi nghe tư vấn đã hiểu ra vấn đề. Ngoài ra, một số bệnh nhân nghèo có thể được hưởng suất ăn từ thiện. Bên cạnh đó, việc bệnh nhân cho rằng nếu không ăn họ vẫn bị trừ vào tiền viện phí là thiếu chính xác. Bởi tiền ăn chỉ được thanh toán khi bệnh nhân làm thủ tục ra viện và căn cứ trên số bữa ăn thực tế. Để đảm bảo vệ sinh, dụng cụ bát, đũa ăn uống của bệnh nhân chỉ được sử dụng 1 lần.  Hiện toàn Khoa Truyền nhiễm có 120 bệnh nhân đang điều trị, 80-90% bệnh nhân trong số đó đăng ký ăn suất ăn bệnh viện.

Được biết, ngày 15-6, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - bệnh viện Bạch Mai đã có thông báo về việc điều chỉnh giá tiền ăn và bổ sung ký hiệu chế độ ăn cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Theo thông báo này, với bệnh nhân mắc các bệnh thông thường, ngày ăn 3 bữa cơm với giá 59.000đ/ngày; Bệnh nhân suy thận, đái tháo đường ăn sonde: Ăn lỏng, nhạt 6 bữa với giá  60.000 đồng/ngày. Đặc biệt đối với người bệnh phải ăn sonde hoàn toàn, chế độ ăn 3 sữa, 3 súp có giá lên tới 184.000 đồng/ngày. Theo ông Tuấn, bảng giá này do Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng đưa ra, đã được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện và Khoa truyền nhiễm chỉ là đơn vị áp dụng thực hiện.

Như vậy, thắc mắc của một số bệnh nhân và người nhà của họ về suất ăn của bệnh viện một phần xuất phát từ việc họ chưa hiểu rõ chế độ dinh dưỡng có tầm quan trọng thế nào đối với bệnh lý. Để tránh những bức xúc không đáng có, lãnh đạo Khoa Truyền nhiễm nói riêng và bệnh viện Bạch Mai nói chung cần có sự trao đổi, giải thích cặn kẽ với bệnh nhân về vấn đề này đồng thời có sự cải tiến hơn nữa về chất lượng phục vụ cũng như mỗi bữa ăn cho bệnh nhân.