Cô giáo tật nguyền lập thư viện trên đỉnh núi

ANTĐ -  Đỉnh núi Truông Thọ nằm ngay sát bên quốc lộ 48B ở xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu, Nghệ An) sẽ bình thường như bao ngọn núi đồi khác nếu như mấy chục năm qua không hiện hữu hình ảnh của một cô giáo tật nguyền lặng lẽ - cô đơn ra sức thành lập thư viện trong ngôi nhà nhỏ của mình để trẻ em tới học tập.

Người phụ nữ ấy tên là Phạm Hoàng Ngân, tại xóm 14, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ngày 25/12/1949 tại xóm 14 xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ngay từ lúc mới lọt lòng Phạm Hoàng Ngân đã bị tàn tật một chân, khó di chuyển. Lớn lên trong một gia đình nông dân có đến 9 anh chị em, Ngân đã phải chịu thiệt thòi không thể đến trường như bao bạn cùng trang lứa. Nhiều hôm nhìn qua cửa sổ thấy bạn bè cắp sách tung tăng đến trường, Ngân ứa nước mắt.

Một lần về thăm quê, anh trai của Ngân lúc đó đang là cán bộ bảo tàng quân đội, đau lòng trước những dòng nước mắt lặng thầm của cô em gái tội nghiệp, đã tìm mọi cách đưa Ngân đến bệnh viện huyện, tỉnh chữa trị. Nhưng tất cả đều vô vọng bởi chân của Ngân đã teo tóp quá lâu. Một bác sỹ khi ấy đã gợi ý anh trai Ngân nên đưa em ra Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội thì "may ra" chữa được.

Đúng như gợi ý của người bác sỹ bệnh viện tỉnh, mặc dù Bệnh viện Việt Đức không trả lại được đôi chân lành lặn như những người bình thường, nhưng cũng giúp Ngân tự cà nhắc đi lại mà không phải cậy nhờ đến ai.

Sau hơn 8 tháng điều trị, Ngân rời Hà Nội về quê và bắt đầu thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình là đến trường đi học. Quãng đường dài 5km là cả một trở ngại lớn nhưng Ngân vẫn cố cà nhắc vượt qua bằng cách dậy sớm và đi học trước các bạn cả giờ đồng hồ. Mùa đông cũng như mùa hè, chiếc áo trên người Ngân lúc nào cũng đẫm mồ hôi. Biết không thể ngăn được sự hiếu học của Ngân, bố mẹ và các anh em trong gia đình vay mượn một tấn thóc bán đi để mua cho Ngân một chiếc xe đạp rồi nhờ bạn bè thay nhau đèo Ngân đến trường.

Cô giáo Phạm Hoàng Ngân
 Cô giáo Phạm Hoàng Ngân


Cuộc đời buồn của cô giáo khuyết tật

Tốt nghiệp tú tài với loại xuất sắc, Ngân thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Nam Đàn. Năm 1968, Ngân tốt nghiệp sư phạm loại khá. Sau đó, cô xung phong lên miền núi dạy cấp 1 tại xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn. Hoàn thành 3 năm nghĩa vụ, Ngân được cấp trên điều động về xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, nơi cô sinh ra và lớn lên để tiếp tục công tác, mặc cho đôi chân của mình vẫn bị thọt đi lại vô cùng khó khăn.

Thời gian này, cũng đã có một số chàng trai cảm phục nghị lực của cô giáo tật nguyền mà sinh lòng yêu mến nhưng khi ấy, cô giáo Ngân chỉ yêu một đồng nghiệp, quê ở Hưng Yên. Tuy nhiên, tình yêu của hai người vừa đơm hoa đã phải chia lìa vì anh phải lên đường nhập ngũ và hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1972.

Từ khi người yêu hy sinh cho đến khi nghỉ hưu (2005), bỏ qua tất cả mặc cảm, bỏ qua cả những đêm trăng tình tứ hứa hẹn của nhiều chàng trai, cô giáo Phạm Hoàng Ngân chỉ dành thời gian cho giảng dạy, lấy học trò làm niềm vui. Trong quá trình công tác, cô giáo Ngân đã từng được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; và hàng chục giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành trong tỉnh.

Năm 1991, để thuận tiện cho việc dạy học vì đi lại quá xa với đôi chân tật nguyền, cô giáo Ngân đã gom góp tiền lương mua một mảnh đất nằm trên trục đường (537 lúc bấy giờ) và hiện nay là quốc lộ 48B. Nhưng khổ thay với số tiền ít ỏi, cô giáo Ngân chỉ đủ tiền mua được một miếng đất tý tẹo vốn khô cằn sỏi đá mà nhiều người đã chừa lại không muốn dựng nhà. Rồi cái mảnh đất nhỏ xíu 15 mét vuông đó cũng đủ ngốn món tiền “khổng lồ” của cô Ngân tích góp vào con lợn nhưa mấy chục năm làm nghề bục giảng. Đất đã mua nhưng để dựng nên được ngôi nhà rộng chừng 10 mét vuông bao quanh bằng những viên táp lô rẻ tiền thì cô Ngân lại phải chạy vay vay mượn anh em bạn hữu và con lối xóm thân tình mỗi người cho mượn một đôi trăm nghìn đồng để về thuê thợ dựng nhà.

Mong mỏi có được ngôi nhà của cô giáo Ngân đã thành hiện thực, thì thời gian gần đây ngoài cái chân tật nguyền thường xuyên đau nhức mỗi khi trở trời, cô Ngân còn bị căn bệnh dạ dày hành hạ. Vì thế, những đồng tiền lương hưu ít ỏi của cô chủ yếu dành để chữa bệnh. Có thể vì nguyên nhân này mà trong ngôi nhà bé tí của cô không có gì đáng giá: Không ti vi, không điện thoại, không xe đạp...

Ngôi nhà nhỏ này là nơi chứa đựng những tri thức và tấm lòng của cô giáo
 Ngôi nhà nhỏ này là nơi chứa đựng những tri thức và tấm lòng của cô giáo


Lập thư viện trong ngôi “biệt thự” 10m2

Hoàn cảnh của cô giáo Ngân tật nguyền, bất hạnh đủ đường, quãng thời gian gần 40 đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho biết bao thế hệ học trò, không ít trong số học trò của cô giáo Ngân giờ đây đã thành đạt ở nhiều lĩnh vực, có người trở thành giáo sư – tiến sĩ…

Quảng thời gian cống hiến cho sự nghiệp giáo dục như vậy của một cô giáo tật nguyền như Ngân quả là đã quá sức. Những tưởng tưởng sau khi về hưu cô sẽ quên đi nghiệp bục giảng của mình, thế nhưng cũng chính từ lúc về hưu cô giáo Ngân đã ấp ủ sẽ sưu tầm sách báo, tài liệu để làm tủ sách ngay tại ngôi nhà của mình để giúp con em trong làng xã lui tới học tập nghiên cứu.

Ngồi thở thì thào bên chiếc giường ọp ẹp cũ kỹ cô giáo Ngân cho biết: “ Hiện giờ cô đã sưu tầm được hơn 200 cuốn sách – tài liệu quý giá từ thời cô đang đứng bục giảng. Từ khi chưa nghỉ hưu thì cô đã ấp ủ việc sưu tầm sách vở để sau này làm tủ sách nho nhỏ giúp các em trong làng xã tới đọc và nghiên cứu”. Cô Ngân cũng cho biết mặc dù tiền thuốc thang, ăn uống hàng ngày không đủ nhưng cô cũng đang tích góp tiền vào con lợn nhựa dưới đầu giường để một thời gian nữa sẽ “ làm thịt” ra để lấy tiền đi thuê người đóng một cái tủ nho nhỏ đựng sách – tài liệu để thuận tiện cho các em tới xem học tập.

Mấy ngày nay bệnh tật vẫn đang đau âm ỉ trong cơ thể tật nguyền gầy nheo nhưng trong căn nhà nhỏ đó cô giáo Ngân vẫn ngày ngày cố gắng lau chùi những cuốn sách quý giá của mình để hàng ngày ngày giúp các em học sinh tới học. Giờ đây ngày ngày căn nhà nhỏ của cô giáo Ngân đã trở thành cái thư viện thu nhỏ cho hàng chục em học sinh trong bản làng nơi đây đến học tập, nhiều em học sinh vướng mắc bài vở thì lại còn nhờ cả cô giáo Ngân giải đáp, tất cả đều là niềm vui đối với cô giáo Ngân mà cô không hề nghĩ đến một đồng tiền.

Chia tay cô giáo Ngân tôi vẫn nhớ như in câu nói trăn trở của cô: “ Bệnh tật hành hạ thế này chắc tôi cũng nỏ (chẳng - pv) sống được bao lâu nữa! Giờ đây cái lo nhất là căn nhà nhỏ ngày một giột nát trong lúc mưa gió sẽ làm ướt mất tủ sách mà tôi nâng niu cất giữ cho các cháu học sinh hàng ngày tới học. Còn sống được ngày nào để thấy các cháu, các em rủ nhau đến tủ sách của mình để học tập là tôi hạnh phúc nhất rồi. Còn sau này khi nhắm mắt xuôi tay thì tôi sẽ viết di chúc lại để tặng tất cả những gì quý giá nhất liên quan đến tôi cho xã hội cho quỹ từ thiện”.