Cô giáo Sủng Là: Yêu thương trong nghèo khó

ANTĐ - Sủng Là là một xã vùng cao nghèo khó thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất thiếu thốn, vất vả nên cô giáo dạy học trên mảnh đất này cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Cuộn tròn trong tấm chăn bông, cô Huyền (24 tuổi) giáo viên tiếng Anh của trường THCS Sủng Là giọng hào hứng hẳn lên khi có ai đó dưới xuôi gọi điện lên cho. Cô kể cho họ nghe về cuộc sống của mình trên vùng cao, hỏi thăm xem dưới xuôi thế nào. Cô còn đùa bạn mình là phải gửi quà lên cho cô giáo nhân dịp 20/11. Cô bảo bạn: “Trên này buồn và thưa người lắm. Quẩn quanh chỉ có mấy giáo viên với nhau. Hết chuyện gia đình lại chuyện trường lớp. Lắm lúc nhìn nhau cũng chẳng biết kiếm chuyện gì để nói!”

Cô Huyền có đứa con nhỏ mới hơn một tuổi. Chồng cô làm việc ở huyện Yên Minh. Thương con, nhớ con tuần nào cô giáo cũng chạy xe hơn trăm cây số về nhà. Cứ chiều thứ 7 xuôi, chiều chủ nhật lại lên.

Xã Sủng Là nằm cách huyện Đồng Văn hơn 20km. Theo ông Mua Sè Sín, Bí thư Đảng ủy xã, Sủng Là có 732 hộ dân, trong đó có tới 52% hộ thuộc diện hộ nghèo. Diện tích đất nông nghiệp của cả xã có khoảng 287 hec ta. Người dân Sủng Là quanh năm sống trong nghèo đói. Họ chủ yếu trồng ngô và rau màu để lấy cái ăn.

Người dân Sủng Là quanh năm sống trong nghèo khó, với món mèn mén thay cơm

Sự thiếu thốn và nghèo đói trên mảnh đất này khiến cho những ai đến với Sủng Là đều cảm thấy não lòng. Khách du lịch lên Sủng Là để được ngắm hoa, thưởng cảnh và tìm hiểu phong tục, tập quán độc đáo của người vùng cao. Nhưng Sủng Là chẳng thể níu chân khách lâu, chỉ có những người giáo viên yêu và trăn trở với mảnh đất này mới có động lực để “khai sáng” cho nơi đây. Dù cho, để làm được điều đó họ phải đánh đổi cuộc sống sung túc nơi miền xuôi ồn ào, tấp nập.

Cô giáo Phạm Thị Hiền, 34 tuổi, là giáo viên Mầm non của trường Sủng Là. Cô là người đã gắn bó với vùng cao 13 năm rồi. Cô sống trong một phòng trọ nhỏ, giá 400 nghìn đồng/tháng, gần trường học, chưa kể tiền điện. Nước không có. Để có nước sinh hoạt cô giáo Hiền cũng như nhiều giáo viên Sủng Là khác phải đi lên nguồn cách nơi ở 3-4km để lấy mang về. Vì thế các cô giáo chắt chiu từng giọt. Nước giặt đồ để dành đi vệ sinh, nước vo gạo dồn lại để rửa rau,… Quần áo mặc cả tuần dồn lại mang lên nguồn giặt hoặc mang về nhà. Cuối tuần, cô Hiền lại đi xe máy hơn 120 km đường núi về nhà ở thành phố Hà Giang.

Cô giáo Mai Thi Ngân dạy lớp Một ở trường Sủng Là, tại điểm trường Sáng Ngài. Lớp học của cô chỉ có 9 học sinh. Cô giáo cho biết: “Trẻ con ở đây còn khổ lắm. Chúng nó chậm hiểu nhưng cô cũng chẳng dám quát mắng gì đâu. Chúng ăn toàn mèn mén không đủ no thì đòi thông minh sao được”. Rồi cô giáo chỉ xuống em học sinh ở bàn thứ 3 nói: “Em này học hai năm lớp một rồi đấy. Bố mẹ em muốn đẻ con trai mà chưa được. Cứ mỗi năm một đứa. Em ấy là con thứ 3 rồi mà dưới vẫn còn hai em học ở lớp mầm non nữa”.

Các em học sinh trường Mầm non Sủng Là


Vùng quê nghèo, thất học nhiều. Học sinh đến lớp 7, lớp 8 là mẹ không muốn cho đến trường nữa, ở nhà làm thuê, lên nương chặt củi rồi lấy chồng lấy vợ. Tháng nào các thầy, cô giáo vùng cao cũng phải đến nhà vận động học sinh đi học.

Các cô thường mua những đôi giầy thể thao thật bền để leo từ quả đồi này đến quả đồi khác. Cô Huyền bảo: “Đi đường có hôm trượt ngã lấm lem hết quần áo, thế mà vừa nhìn thấy cô giáo là các em ấy bỏ trốn hết”.

Ông Mua Sè Sín cho biết: “Đa phần các giáo viên dạy học ở Sủng Là là người miền xuôi, chỉ có số ít là dân địa phương. Người dân ở đây ít học nên không biết tiếng phổ thông, chỉ có lớp trẻ biết thôi!”

Người dân địa phương không biết tiếng phổ thông, còn cô giáo miền xuôi lên lại không biết tiếng người dân tộc. Thế nên để nói cho phụ huynh hiểu và cho con em mình quay lại lớp học rất khó. Có việc cần trao đổi với phụ huynh, các cô giáo phải nhờ một em học sinh cấp hai đứng ra “phiên dịch” hộ.

Mặc dù khó khăn là thế, nhưng các cô giáo vùng cao vẫn kiên trì “khai sáng” cho mảnh đất này. Cô Mai Thị Ngân bảo: “Nhiều lúc tưởng như muốn bỏ nghề vì vất vả quá. Nhưng nghĩ thương học sinh… Chúng nó muốn thoát nghèo thì phải đi học. Ai cũng không muốn lên đây dạy chữ thì vùng đất này sẽ nghèo đói mãi thôi”.

Lớp học của cô giáo Ngân


Ngày 20/11- ngày lễ tôn vinh các thầy cô giáo sắp đến. Vùng cao Sủng Là vẫn thế. Học sinh Sủng Là vẫn không biết ngày 20/11 là ngày gì. Chúng chỉ biết cô giáo Sủng Là ngày nào cũng đến lớp, chỉ cho chúng biết con chữ đọc và viết thế nào. Còn với các cô giáo nơi đây, "món quà" mong mỏi nhất đơn giản chỉ là các em đừng bỏ lớp, bỏ trường mà thôi...

Hoa Tam giác mạch nở tím sườn đồi rung rinh trong sương sớm. Hoa mỏng manh nhưng thắm lại như tình yêu thương mà các cô giáo vùng cao dành tặng cho học trò.