Cô giáo mầm non đưa công nghệ 4.0 vào dạy trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội hiện có hơn 138.000 giáo viên. Họ đang từng ngày, từng giờ cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Một trong số đó là nhà giáo Giang Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Mầm non Trần Phú (quận Hoàng Mai). Chị đã xuất sắc đạt Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” với những thành tựu trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào dạy học.
Cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn thuyết trình về sáng kiến đưa công nghệ 4.0 vào giảng dạy bậc học mầm non

Cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn thuyết trình về sáng kiến đưa công nghệ 4.0 vào giảng dạy bậc học mầm non

Trăn trở với ứng dụng AI để sáng tạo tài liệu dạy học

Nhằm triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Sở Giáo dục -Đào tạo Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8. Đây là giải thưởng được tổ chức nhằm vinh danh những nhà giáo tâm huyết với nghề, thành công trong sự nghiệp “trồng người” nhờ sự nỗ lực lao động sáng tạo; có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Là một trong số 70 nhà giáo được trao giải thưởng năm nay, cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn chia sẻ: “Trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đối với các trường mầm non. Với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tôi luôn băn khoăn làm thế nào để giúp giáo viên hiểu được tiện ích của AI mang lại và có thể ứng dụng một cách hiệu quả nhất, trong khi nhà trường còn có những khó khăn hạn chế như thiếu giáo viên có kỹ năng về AI để có thể triển khai và duy trì AI trong trường học.

Cùng với đó, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về tiện ích của AI, ngại thay đổi so với cách dạy truyền thống. Việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở vật chất yêu cầu nguồn lực tài chính lớn mà bản thân trường tôi và nhiều trường mầm non khác không đủ khả năng chi trả. Đồng thời, việc đào tạo và hỗ trợ liên tục cho giáo viên cũng đòi hỏi thời gian và kinh phí…”.

Để khắc phục tình trạng này, cô Nhàn đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về Công nghệ thông tin (CNTT), tham gia các nhóm Hỗ trợ CNTT và giảng dạy nhằm trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để chia sẻ và lan tỏa với đồng nghiệp trong trường, giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dạy học đạt hiệu quả. “Sau thời gian tìm hiểu, học tập và thực hành, giáo viên trường tôi đã có thể thiết kế những bài giảng, trò chơi tương tác và vẽ tranh minh họa phù hợp với từng chủ đề. AI sáng tạo ra nội dung bài giảng, tạo ra các nguồn tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với trẻ mầm non. Giáo viên trong trường đã có thể sáng tác những bài hát phù hợp từng chủ đề, sự kiện để dạy trẻ. Từ những hình vẽ, sản phẩm của trẻ, các cô giáo tạo thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ AI, giáo viên có thể tạo ra sách, truyện điện tử chỉ chưa đến 1 giờ đồng hồ, từ thiết kế nội dung, các silde và video... các loại sách, truyện điện tử thông minh, sinh động đầy màu sắc và hấp dẫn có thể dễ dàng chia sẻ và hiển thị trên các thiết bị di động nhằm thuận tiện cho trẻ học tập. Với các tính năng tương tác và đa phương tiện giúp tăng cường trải nghiệm, tiết kiệm chi phí in ấn, tạo ra môi trường học tập công nghệ sáng tạo và hấp dẫn cho trẻ. Sau mỗi chủ đề, sự kiện chúng tôi tạo sách điện tử, gửi link cho phụ huynh, phụ huynh rất hưởng ứng khi các con sử dụng công nghệ có ý nghĩa” - cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

Giáo viên và học sinh trường Mầm non Trần Phú (quận Hoàng Mai) triển khai giờ học trang sách số, ứng dụng CNTT

Giáo viên và học sinh trường Mầm non Trần Phú (quận Hoàng Mai) triển khai giờ học trang sách số, ứng dụng CNTT

Năng lực lan tỏa tinh thần sáng tạo, ham học hỏi

Không chỉ tự bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn với ứng dụng CNTT, tâm đắc với câu nói nổi tiếng “Người quản lý giỏi không nằm ở quyền lực mà ở khả năng truyền cảm hứng và khơi dậy tiềm năng ở người khác”, cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn đã hoàn toàn thuyết phục Hội đồng Giám khảo giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” bằng năng lực lan tỏa tinh thần ham học hỏi và sẵn sàng thích nghi với đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ giáo viên.

Để nâng cao nhận thức và bồi dưỡng giáo viên cách ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo AI, cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn đã triển khai các hoạt động nhằm chia sẻ kiến thức đến với các đồng nghiệp, giúp giáo viên có thể thiết kế những đồ dùng, giáo cụ trong giảng dạy nhanh mà đạt hiệu quả cao. “Tôi đã xây dựng lịch trình bồi dưỡng giáo viên theo từng tháng với nội dung cụ thể, và theo hình thức sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, theo từng tổ, nhóm... Bản thân tôi tập huấn cho giáo viên, kết hợp với mời chuyên gia về CNTT chia sẻ thêm trong trường. Đồng thời, khuyến khích giáo viên thực hành với các công cụ AI, theo dõi và đánh giá tiến độ thường xuyên, có hướng dẫn kịp thời. Động viên giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và sáng tạo trong ứng dụng AI giúp tạo nên môi trường giáo dục hiện đại, hiệu quả” - cô Giang Thị Thanh Nhàn cho biết.

Nhờ ứng dụng AI, cô Nhàn và tập thể giáo viên đã tạo ra 285 tranh minh họa, 115 truyện điện tử, 158 bài hát, và 150 phiếu bài tập cùng nhiều hoạt động học tập ở các lĩnh vực khác. Những sản phẩm này không chỉ giúp trẻ học tập tốt hơn mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn. Nhà trường đã ứng dụng AI để xây dựng kho học liệu, tạo môi trường học linh động, giúp việc tiếp thu kiến thức được thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, laptop, smartphone…). Công nghệ cũng giúp người học những trải nghiệm đa giác quan, hứng thú trong hoạt động học tập. Giáo viên ứng dụng các phần mềm để xây dựng kho học liệu và bài giảng Elearning tham gia các hội thi và đạt nhiều giải cao trong “Ngày hội công nghệ thông tin và Stem năm 2024”.

Đánh giá về phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được triển khai trong nhiều năm qua, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cho biết, đã có nhiều tấm gương nhà giáo Thủ đô tiêu biểu. Đây không chỉ là sự khẳng định hình ảnh đẹp đẽ của người thầy luôn tâm huyết, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” cao quý như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ để các đồng nghiệp và các thế hệ học sinh noi theo.

Tấm gương của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường như cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn là bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề, sự sáng tạo lớn lao trên cương vị công tác của mỗi nhà giáo Hà Nội. Đó cũng là sự kết tinh của lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại để tạo ra những việc làm ngày một sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, khoa học hơn.