Cô giáo khoe ngực: "Em đẹp, em có quyền" ?!

ANTĐ -Những ngày qua, mạng xã hội Facebook được phen “dậy sóng” khi những hình ảnh khoe ngực của một cô giáo mầm non được tung lên mạng. Liên quan đến sự việc này đã có nhiều ý kiến trái chiều và một lần nữa, những chuẩn mực về tác phong, đạo đức của người giáo viên thời nay lại được đưa ra bàn luận như một chủ đề “hot”.

Gợi cảm nhưng chưa phản cảm?!

Trước những hình ảnh bộ ngực căng tròn xuất hiện trong những trang phục thiếu vải của cô giáo G.C, phái mày râu đã sử dụng hàng loạt mỹ từ để thể hiện sự tán thưởng, ngưỡng mộ, kiểu như “khoe thế này mới gọi là khoe”, “cô ơi em muốn là học sinh của cô” hay “quá đẹp”, “chuẩn không cần chỉnh”, “quá hoành tráng”, thậm chí có người còn “ước được bé lại” hay “ngày đưa con 2 buổi đến trường”…

Với quan điểm này, anh Vũ Xuân Quang ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông cho biết, ngày nay, việc chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân, miễn là pháp luật không cấm. Những cô giáo trẻ cũng là những người bình thường, họ đẹp họ có quyền khoe, cô gái nào cũng có quyền tự hào về cơ thể của mình, ai thích thì xem, không thích thì thôi. Điều quan trọng là cô giáo này vẫn làm tốt công việc được giao, vẫn được học trò gần gũi, đồng nghiệp yêu quý.

Cô giáo khoe ngực: "Em đẹp, em có quyền" ?! ảnh 1Những hình ảnh này được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội những ngày qua

 
 “Chỉ cần vào mạng internet, gõ từ khóa 'khoe ngực' là chỉ sau vài giây, chúng ta dễ dàng nhận được hàng triệu kết quả khác nhau. Từ hình ảnh của những ca sỹ, diễn viên nổi tiếng đến những người bình thường. Do vậy, trường hợp của cô giáo G.C này đâu phải là cá biệt. Theo tôi, những hình ảnh này khá gợi cảm nhưng chưa đến mức phản cảm. Việc một số người chỉ căn cứ vào những hình ảnh này để quy kết, đánh giá đạo đức cá nhân là hoàn toàn không nên” – anh Quang bày tỏ.

         
Không phù hợp với chuẩn mực nghề giáo

Trái ngược với ý kiến trên, không ít người thể hiện sự phản đối khá gay gắt. Chị Phan Hồng Linh ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy cho biết, chị có cậu con trai đang học mầm non và nếu con chị học cô giáo này, chị sẽ lập tức cho con chuyển lớp hoặc chuyển trường.  Lý do chị Linh đưa ra là, công việc nào cũng có những đặc thù nhất định và nghề giáo là nghề có những chuẩn mực riêng, có tính mô phạm và đòi hỏi khá cao về đạo đức, từ cách đi đứng, nói năng đến tác phong, ăn mặc.

 “Tôi không đòi hỏi các thầy cô phải chuẩn mực đến mức lúc nào cũng phải ăn mặc theo kiểu 'kín cổng cao tường', song sự hở hang đến mức táo bạo như cô giáo G.C thì thật sự đáng ngại. Ai cũng biết mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Khi những hình ảnh riêng tư của cô giáo này được chia sẻ công khai thì không ai có thể đảm bảo rằng những đứa trẻ, đặc biệt là những học sinh của cô giáo này không xem được. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ vì nó trái ngược với những gì người lớn dạy cho chúng hàng ngày. Giá như cô giáo này suy nghĩ thận trọng hơn, chỉ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm này tới những người thực sự thân thiết của mình thì sẽ vừa đảm bảo an toàn cho cá nhân cô ấy, vừa không khiến phụ huynh bị một phen 'đau tim' và lo lắng” – chị Linh tâm sự.

 
Liên quan đến sự việc trên, Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng, có thể lý do khiến cô giáo G.C nói riêng và các cô gái trẻ nói chung tung ảnh “mát mẻ” lên các mạng xã hội ngày càng nhiều là sự khao khát thể hiện cái tôi của bản thân, nhằm thu hút sự chú ý của người khác và cũng không nhằm loại trừ mục đích “câu like”, được nhiều người biết đến...

Dù đây là nhu cầu của mỗi cá nhân và hành động của cô giáo trên là ở ngoài nhà trường, song đối với các thầy cô giáo lại là điều không nên. Bởi, những hình ảnh này ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của học sinh, khiến các phụ huynh cảm thấy bất an, tác động không tốt đến môi trường giáo dục vốn lấy đạo đức, sự chỉn chu làm trọng.

Thiết nghĩ, khi đã là nhà giáo, được vinh dự đứng trên bục giảng, mỗi thầy cô phải tạo cho mình sự mẫu mực. Do luôn là đối tượng để học sinh nhìn vào và noi theo nên ngoài trình độ chuyên môn, người giáo viên phải có đạo đức, tác phong tốt, không chỉ qua những kiến thức truyền giảng trên lớp, mà còn qua cả việc làm, hình ảnh họ thể hiện ngoài đời thường…