Cô gái trẻ hô hấp nhân tạo cứu sống người ăn mày

ANTĐ -Một đoạn video ghi lại hình ảnh một cô gái trẻ ăn mặc rất thời trang đã có “nụ hôn mang lại sự sống” cho một người ăn mày bị ngất xỉu nằm trên đường phố quận Tongshou, Bắc Kinh, Trung Quốc đã khiến cộng động mạng sục sôi.

Vụ việc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những ý kiến trái chiều, dấy lên những tranh luận về lòng nhân ái ở đất nước đông dân nhất thế giới này, đặc biệt sau vụ việc ầm ĩ lên án thói vô cảm khiến em bé 2 tuổi tử vong sau khi bị xe tông mới xảy ra gần đây.

Hiện có hai luồng dư luận rõ rệt trong cộng động mạng, nhiều người cho rằng, hành động của cô gái - hiện chưa được xác định danh tính, cần được đánh giá cao, trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi toàn bộ hiện trường là dàn dựng để “câu view”.

Cô gái hô hấp nhân tạo cứu người ăn mày 
 Cô gái hô hấp nhân tạo cứu người ăn mày
 Cô gái hô hấp nhân tạo cứu người ăn mày
 Cô gái hô hấp nhân tạo cứu người ăn mày

Đoạn video clip có độ dài 44 giây được quay vào lúc 10h30 sáng 14-11 vừa qua tại cửa trung tâm mua sắm Guiyou. Trong đoạn video, một phụ nữ trẻ, mặc bộ quần áo màu đen, đi giày cao gót đã xuất hiện đúng lúc và cứu sống một người nằm bất tỉnh bằng cách hà hơi thổi ngạt trực tiếp.

Nạn nhân là một người đàn ông nằm sõng soài trên đường phố, mặc chiếc áo khoác mùa đông kiểu quân đội, đội mũ trắng, hai tay để trên ngực. Một người qua đường chứng kiến vụ việc cho biết, người đàn ông này là một người ăn mày. Mặc dù có nhiều người đứng xem khuyên cô gái hãy gọi xe cứu thương, nhưng người bạn đi cùng với cô gái này nói rằng không thể gọi được vì điện thoại của cô hết tiền. Đoạn video kết thúc khi người được cho là ăn mày trên tỉnh lại. Theo tờ Beijing Morning Post, hai người phụ nữ sau đó đã rời khỏi hiện trường, chỉ còn lại người ăn mày.

Sau khi câu chuyện và đoạn video được đăng tải và lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính xác thực của vụ việc và cho rằng, người đàn ông này không thể là người ăn mày mà vụ việc đơn thuần chỉ là dàn dựng để gây sự chú ý.

“Đó chỉ là giả. Tôi không tin rằng một phụ nữ trẻ lại hô hấp nhân tạo trực tiếp để cứu một người ăn mày” - Lan Xiaolan, 27 tuổi nói.

“Người ăn mày trông rất trẻ và đẹp trai, da của anh ta trông rất trắng trẻo. Dù sao thì tôi hy vọng đó không phải là câu chuyện bị thổi phồng” - một người có nick là Dongpandeng bình luận.

Trong khi cộng động mạng đang tranh luận rất gay gắt về sự việc trên, một người có tên là Wang Shunxiao, nhân viên quảng cáo thất nghiệp nói với phóng viên Globel Times rằng, anh ta là người đã quay lại đoạn video bằng điện thoại di động của mình. Wang nói rằng, anh không tin là vụ việc là dàn dựng giả mạo và khẳng định rằng anh không được lợi lộc gì từ đoạn video này. Đoạn video này là do người bạn của anh ta đăng tải lên mạng. “Lúc ấy tôi cũng rất ngạc nhiên, và tôi thực sự nghĩ rằng, đó là một cảnh tượng khác thường” - anh Wang nói - “Đài truyền hình Bắc Kinh cũng đã phỏng vấn tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại khiến truyền thông quan tâm đến vậy”.

Tuy nhiên, anh Cui Wenlu, người đã tìm cách xác minh cô gái trong đoạn video trên nói rằng, hai cô gái này có thể đang theo học tại Học viện Âm nhạc đương đại Bắc Kinh gần đó. Phó bí thư đoàn thanh nhiên Học viện này, Wang Shengnan tỏ ra rất vui mừng khi biết thông tin này và nói rằng nhà trường thường xuyên dạy dỗ, nhắc nhở, sinh viên giúp đỡ, sơ cứu người gặp nạn. “Chúng tôi mời các chuyên gia từ Hội Chữ thập đỏ để dạy các em các kỹ năng cơ bản để cứu người trong các trường hợp khẩn cấp và sinh viên phải vượt qua được kỳ thi kiểm tra thực hành” - bà Wang Shengnan nói. Tuy nhiên, bà Wang Shengnan cùng nhiều người trong văn phòng nhà trường cũng không thể xác định được những cô gái này và nói sẽ hỏi các giáo viên, sinh viên khác trong trường.

Nhiều người cũng không quan tâm đến việc vụ việc là thật hay giả mạo. “Không quan trọng trường hợp này là thật hay giả mạo, giúp đỡ người khác là hành động nên được nhân rộng trong xã hội của chúng ta” - ông Xia Xueluan giáo sư xã hội hội trường Đại học Bắc Kinh đã nghỉ hưu nói. Thực tế nhiều người tỏ ra hoài nghi về việc một phụ nữ trẻ ăn mặc hợp mốt lại cứu một người ăn mày đã phản ánh sự thờ ơ, lãnh đạm và khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện nay.