Cô gái Hàng Đào

ANTĐ - Bác tôi có cái tên rất nghệ sĩ: Song Hà. Nhưng bác chỉ là một cô gái bình thường của Hàng Đào “Hà Nội phố”. Bác năm nay hơn 80 tuổi. Vẻ đẹp thời con gái của bác vẫn đọng lại ở mái tóc, hàm răng đều, trắng bóng, đôi mắt đen “hạt nhãn”. Mái tóc của bác dài, dày, đen nhánh, chưa có một sợi bạc. 

Bác kể, ở tuổi “trăng tròn”, bác và các bạn cùng trang lứa học trường nữ sinh Trưng Vương nổi tiếng trên phố Hàng Bài. Nữ sinh đi học mặc quần trắng, áo dài trắng. Sáng sớm họ hẹn nhau cùng đến trường, đi thành từng tốp cho vui. Con gái thời bác thường ít học lên cao, đỗ bằng tú tài, kể cả nhà giàu, thường ở nhà phụ bán hàng cho cha mẹ và chờ… lấy chồng. Khi bác 20 tuổi, bác được cha mẹ giao cho trông nom một cửa hàng tơ lụa. “Cô chủ quán xinh đẹp”, tùy thời tiết, lúc mặc bộ áo dài màu hoàng yến, xanh da trời, tím nhạt, ngồi sau quầy hàng đon đả mời chào khách hàng.

Khách đông, cùng một lúc trả lời nhiều câu hỏi về giá cả, chất lượng hàng, cô chủ mệt, trán lấm tấm mồ hôi, đôi má ửng hồng trông càng duyên. Nhiều “tao nhân mặc khách” thăm hàng, mua thì ít, chỉ để được nói chuyện với cô chủ - dù chỉ là một câu hỏi bâng quơ, hoặc được cô chủ mỉm cười đáp lại. Rồi tình yêu cũng đến với bác, đó là một chiến sĩ vệ quốc đoàn cao lớn, đẹp trai, một trí thức cách mạng, hiểu biết rộng, có giọng hát hay. Trong một lần cùng Hội Phụ nữ Hà Nội úy lạo các chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường Liên khu 1, chợ Đồng Xuân “Mùa Đông năm 1946”, đáp lại tấm lòng hậu phương, người chiến sĩ ấy ôm cây đàn măng - đô - lin, vừa đàn, vừa hát “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra xa trường, quân xung phong nước Nam đang chờ…”. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, bốn mắt gặp nhau, họ cảm thấy như thuộc về nhau hoàn toàn.

 Người yêu của bác, sau hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội, đã lên chiến khu theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ”. Họ chia tay nhau trong đêm Hà Nội, dưới chân cầu Long Biên mịt mù khói đạn. Trước lúc đặt chân lên đò ngang sang sông, người chiến sĩ ghé vào tai bác tôi nói nhanh: “Đợi anh về”. Bác tôi đâu có ngờ đó là câu nói cuối cùng của người yêu. Vì người bác yêu mãi mãi không về, ông đã ngã xuống dưới chân đồi A1 trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhiều năm sau hòa bình lập lại, mọi người động viên bác “đi bước nữa”. Cũng có nhiều người đàn ông “bốn túi, chân trì”(*) hẳn hoi đến với bác. Bác đều từ chối. Bác bảo: “Trái tim bác thuộc về người ấy mất rồi”. Tình yêu của bác mặc dù có chút lãng mạn của tiểu thuyết nhưng chúng tôi thấy kính phục. Phải chăng tấm lòng thủy chung thầm lặng là nét đẹp, dù hơi “cổ” của cô gái Hàng Đào. Bác dồn hết tình cảm chăm sóc các em, các cháu như người mẹ hiền.

 Nhờ bác lo toan, cha mẹ tôi yên tâm công tác, mẹ thì theo đoàn địa chất lên “miền Tây vời vợi nghìn trùng”. Cha thì ở tận chiến trường B3. Chúng tôi được học hành, được bác dạy bảo phép tắc ứng xử của người Tràng An. Chúng tôi khôn lớn trở thành những công dân tốt, những cán bộ Nhà nước gương mẫu, có gia đình riêng hạnh phúc. Chúng tôi biết ơn bác, với chúng tôi bác thực sự là “Huyền thoại Mẹ”.

 Bây giờ trong các ngày hội, “họp lớp” gặp lại bạn bè nữ sinh Đồng Khánh hàng năm, bác lại lấy áo dài ra mặc. Bác chỉ mặc màu tím. Bác không giải thích. Nhưng chúng tôi biết và càng trân trọng nét đẹp văn hóa của người Hà Nội cổ, không phô trương mà sâu lắng.

     

(*) “Bốn túi chân trì”:  Sĩ quan quân đội, mặc áo đại cán 4 túi đi giày đen cao cổ do Liên Xô trước đây viện trợ.