Cô gái dũng cảm chống nạn quấy rối tình dục

ANTĐ - Trong hàng nghìn nhà báo tham dự Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu do cơ quan truyền thông Deutsche Welle (The Deutsche Welle Global Media Forum) tổ chức tại thành phố Bonn, Đức cuối tháng 6/2012, người phụ nữ mảnh mai với mái tóc đen dày không thật sự nổi bật cho đến khi đoạn clip ngắn ngủi giới thiệu về chị khiến hầu hết đồng nghiệp trong khán phòng phải ngoái lại nhìn  bằng con mắt khác. Đó là Rebecca Chiao, tốt nghiệp Havard, từng làm  vài tổ chức phi Chính phủ, hiện là chuyên gia tư vấn truyền thông tại Ai Cập... là người đồng sáng lập và Giám đốc mạng xã hội HarassMap.

Rebecca Chiao đang trả lời báo chí khi nhận giải thưởng Best Use Of Technology For Social Good

“Nghe thật mâu thuẫn, nhưng một mặt phụ nữ chúng tôi được miêu tả là những nạn nhân của quấy rối tình dục. Nhưng mặt khác, từ những quan điểm tôn giáo cực đoan, người phụ nữ bị đổ trách nhiệm là nguyên nhân cám dỗ tình dục, và những người đàn ông được miêu tả là “những nạn nhân bất lực” trước “lực cám dỗ quá lớn”, và họ hoàn toàn bất khả kháng. Chúng tôi đang nỗ lực chống lại quan điểm đó”. Rebecca Chiao nói.

Rebecca Chiao, làm việc tại Trung tâm Quyền Phụ nữ Ai Cập (ECWR) là một trong những sáng lập viên HarassMap (tạm dịch Bản đồ quấy rối) được trao tặng giải thưởng Sử dụng công nghệ hiệu quả nhất vì lợi ích xã hội (Best Use Of Technology For Social Good) tại Diễn đàn. Một sáng kiến thời đại công nghệ đã cùng Rebecca và đồng sự tạo nên một cuộc cách mạng: bảo vệ phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Hồi giáo khỏi sự quấy rối tình dục. HarassMap là một sáng kiến nhằm kết nối các tình nguyện viên độc lập, qua hệ thống hỗ trợ trực tuyến nhằm mục đích thay đổi sự "chấp nhận" quấy rối tình dục ở Ai Cập, đồng thời vẫn bảo vệ được danh tính của nạn nhân.

Ngay trong thời điểm HarassMap mới ra đời, “quấy rối tình dục” vẫn là đề tài gây tranh cãi lớn trong xã hội Ai Cập. Trước đó, một chiến dịch đấu tranh với vấn đề quấy rối tình dục đường phố do Trung tâm Quyền Phụ nữ Ai Cập (ECWR) khởi xướng. Chiến dịch này được khởi xướng từ năm 2005, khi Rebecca vẫn làm tại ECWR. Trung tâm ECWR, nơi Rebecca làm việc tổ chức một cuộc khảo sát và tìm được kết quả: 83% phụ nữ Ai Cập và 93% khách du lịch nữ được hỏi cho biết từng bị quấy rối, bất cứ ở đâu và khi nào. Nhiều nạn nhân là phụ nữ Hồi giáo cho biết, họ bị quấy rối cả lúc đã trùm phủ kín người và mang mạng che mặt.

Rebecca Chiao nhận ra rằng chính cô cũng trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục. Cô càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhận ra rằng vấn đề này không phải hiếm, nó xảy ra khá thường xuyên, và dần như được “chấp nhận”. Thậm chí các nạn nhân còn bị đổ lỗi trong việc tạo ra sự chú ý cho những kẻ quấy rối. Thế giới Hồi giáo vốn có cái nhìn khá khắc nghiệt với phụ nữ trong các vấn đề tình dục, dù khi họ là nạn nhân, họ vẫn phải chịu sự soi xét không nên có từ cộng đồng.

"Trong 6 năm sống và làm việc ở Cairo, tôi đã gặp nhiều người tuyệt vời, trong đó có chồng tôi; nhưng cũng không ít người mang lại cho tôi ấn tượng tồi tệ. Hãy để tôi kể câu chuyện của tôi: một ngày tôi định đi đến gặp bạn tôi sau giờ làm. Tôi đi tàu điện ngầm. Tôi đang tìm anh ta trên con phố đông người, lúc đó trời vẫn nắng, nhiều ô tô trên đường, rất nhiều đàn ông, đàn bà đang đi bộ hay đứng chờ xe buýt... Bỗng nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tôi nhìn lại, tôi nhận ra một người đàn ông đang nhìn mình chằm chằm. Tôi lập tức nhìn sang hướng khác, nhưng khi quay lại, anh ta vẫn đang nhìn tôi như thế. Sau đó anh ta đi về phía tôi, rồi tôi không thể tin vào mắt mình: anh ta đang làm những động tác khiêu khích và cố tình đi lại trước mặt tôi để tôi nhìn thấy. Tôi thực sự không biết làm gì. Nhưng đó chưa phải là điều làm tôi shock nhất. Khi tôi gặp bạn, tôi kể lại câu chuyện với anh ta, và dường như anh bạn tôi không mấy chú ý, không thấy điều gì quan trọng, hoặc chỉ đưa ra những lời khuyên kiểu: không nên thế này, nên thế kia...  coi như một việc hết sức bình thường.

Nhưng tôi không thể quên hay cho qua câu chuyện dễ dàng như vậy. Suốt một năm sau đó, tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ. Họ có thể là bạn, đồng nghiệp, người thân của tôi hay hoàn toàn xa lạ, nhưng có một điều là họ đều có những kinh nghiệm tương tự như tôi, họ cũng từng bị quấy rối. Tôi phải hành động... "Rebecca giải thích về sự ra đời của HarassMap như thế. "Tôi nhận được hàng chục cuộc gọi một ngày, tôi đã gặp hàng trăm phụ nữ, những người đang bối rối, bế tắc..."

Rebecca Chiao đã tạo ra một  cuộc cách mạng truyền thông, tạo dựng lên một bến đỗ tinh thần cho những người phụ nữ khốn khổ, đồng thời mở ra cánh cửa để thế giới nhìn rõ hơn mặt khác của xã hội Ai Cập hiện đại. Rebecca tìm được phương cách để những nạn nhân tiếp cận với cô, qua tin nhắn SMS và Internet, bởi họ không muốn lộ diện, không muốn hai lần bị tổn thương với sự soi mói từ xã hội. Qua hệ thống tin nhắn, các nhân viên xã hội và chức năng có thể xác định nhanh chóng về nạn nhân, và những điểm nóng hay xảy ra sự cố.

Trong một bài viết, blogger Alexandra Sandels còn chia sẻ câu chuyện của cô gái Ahmed Salah, một tình nguyện viên tham gia vào chương trình chống quấy rối tình dục phụ nữ ở Ai Cập. Salah từng là nạn nhân của tệ nạn này, nhưng khi cô đến trình báo cảnh sát, vấn đề của cô bị lờ đi với những giải thích kiểu 'chắc những người đàn ông đó say" hoặc "vài cậu trai trẻ nghịch ngợm", và cố lái câu chuyện theo hướng không thiện chí.

Trong khi các tổ chức xã hội, các chính phủ vẫn đang nỗ lực tìm các giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Hồi giáo khỏi những tấn công tình dục, thì sáng kiến của Rebecca là một giải pháp bất ngờ, hiệu quả và đầy nhân văn.

Tổ chức USAID từng lựa chọn HarassMap vào danh sách giải thưởng “Thách thức và Phát triển”. Nhiều người dùng mạng hóm hỉnh đặt biệt với danh HarassMap là Cuộc cách mạng màu hồng (Pink Revolution), vì màu sắc được thiết kế trên trang, và vì các thành viên của “cuộc cách mạng” chủ yếu là phái đẹp.

Trên bục nhận giải thưởng Best Use Of Technology For Social Good, Rebecca Rebecca Chiao chia sẻ: "không ai trong chúng tôi trông đợi công việc của mình có thể thay đổi xã hội trong một ngày, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc"