Cô gái bị thiêu chết vì đốt kinh Koran là người vô tội

ANTĐ - Kết quả điều tra hình sự của giới an ninh Afghanistan đã khẳng định cô gái bị đám đông đánh đập và thiêu chết vì cáo buộc đốt kinh thánh Koran hôm 19-3, là người vô tội.

Các cảnh quay trong video về vụ bạo lực khủng khiếp này cho thấy cô gái bị đám đông giận dữ ném đá, kéo xuống đường, thậm chí bị xe cán qua trước khi ném xuống bờ sông và thiêu chết. Nạn nhân được xác định là Farkhunda, 27 tuổi, một giáo viên người Hồi giáo.

Người cha đã nói với các phương tiện truyền thông rằng con gái ông bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, người anh trai hôm 22-3 đã phủ nhận điều này và nói rằng cha anh muốn làm dịu làn sóng giận dữ của đám đông và bảo vệ tính mạng cho gia đình.

Sau vụ việc, giới chức an ninh Afghanistan đã vào cuộc điều tra và bắt giữ 13 người liên quan đến cuộc bạo hành, trong đó có 8 nhân viên cảnh sát. Tướng Mohammad Zahir, người đứng đầu của ban điều tra hình sự của Bộ Nội vụ có mặt trong tang lễ cô gái hôm 22-3 cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy tất cả các tài liệu một lần nữa nhưng không thấy bằng chứng nào chứng tỏ Farkhunda đốt kinh Thánh Koran. Cô ấy vô tội”.

Đám tang của cô gái vô tội diễn ra hôm 22-3 ở ngôi làng phía bắc Kabul 

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lên án vụ giết Farkhunda như là một "cơn ác ghê tởm" và ra lệnh điều tra. Sau những cáo buộc cảnh sát không can thiệp ngăn chặn cuộc tấn công cô gái, ông Ghani cho rằng, chỗ cảnh sát nước này đã tập trung quá nhiều vào cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy Taniban, mà không để ý đến các vụ giết người trong cộng đồng.

3 ngày sau vụ bạo lực, hàng trăm người đã tập trung ở một ngôi làng phía bắc Kabul để tham dự lễ tang và tụng kinh cho cô gái xấu số, quan tài của cô được chính những phụ nữ hoạt động vì nữ quyền khiêng đi chôn cất.

Mỹ và các nước khác đã chi hàng triệu đô la cho Afghanistan nhằm thúc đẩy nguyên tắc, công lý và quyền của phụ nữ kể từ khi Taniban bị lật đổ năm 2001. Dưới sự cai trị nghiêm ngặt của Taniban, phụ nữ không được phép đi học, làm việc, và bị cấm ra khỏi nhà nếu không có đàn ông đi cùng.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong những thập kỷ qua nhưng ở một số vùng nông thôn quyền của phụ nữ vẫn không được đảm bảo coi trọng, thậm chí bị đảo ngược khi nước ngoài cắt viện trợ.