Có đường dây buôn lậu, cung cấp chất cấm trong chăn nuôi

ANTĐ - Gần một tháng qua, thông tin về chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi đã khiến người tiêu dùng cả nước quay lưng với thịt lợn. Người tiêu dùng đang cần những kết luận chính xác của cơ quan chức năng để có thể yên tâm sử dụng loại thực phẩm thông dụng này.

Có đường dây buôn lậu, cung cấp chất cấm trong chăn nuôi  ảnh 1
Cơn quan chức năng cần làm rõ chất cấm trong chăn nuôi

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý lo ngại, ngành chăn nuôi bị phá vỡ, người chăn nuôi bỏ nuôi lợn, trong khi thịt lợn hiện là thực phẩm chính, chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân. Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, Sơn Tây bức xúc, kể từ khi có thông tin một số hộ chăn nuôi phía Nam sử dụng chất cấm tạo nạc để nuôi lợn, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai liên tiếp bắt hàng tấn các loại chất cấm này, không chỉ người tiêu dùng hoang mang mà người chăn nuôi cũng thấy lo lắng. Dù chỉ mới phát hiện ở phía Nam, nhưng sức ảnh hưởng của nó đã lan ra cả nước, làm giá lợn xuất chuồng giảm thê thảm. Ông Chiến cho biết, nếu như tháng 2, giá lợn hơi xuất chuồng vẫn đứng ở mức 55.000-56.000 đồng/kg, hiện, chỉ còn từ 47.000 - 49.000 đồng/kg. Trừ đi các khoản chi phí như điện, cám, con giống, nhân công… mỗi tấn lợn người chăn nuôi đang lỗ từ 5-6 triệu đồng. 

Không những các hộ chăn nuôi ở Cổ Đông, mà hàng triệu hộ chăn nuôi cả nước đang lâm vào cảnh khó khăn. Ông Chiến dự báo, nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng công bố kết quả tỷ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vùng nào sử dụng, vùng nào an toàn, đồng thời có biện pháp vực dậy, thì ngành chăn nuôi từ nay tới cuối năm sẽ rơi vào khó khăn. “Trong khi chăn nuôi là lĩnh vực lợi nhuận thấp, rủi ro cao, liên tiếp dịch bệnh thì lại xuất hiện việc sử dụng chất cấm. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, tôi cho rằng, người chăn nuôi sẽ giảm đàn. Thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra là thiệt hại hữu hình, thiệt hại do con người gây ra là vô hình, niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin vào ngành chăn nuôi bị suy giảm”, ông Chiến nhận định.

Kiểm tra thị trường chỉ là ngọn

Là một trong những người chăn nuôi lợn có thâm niên, ông Chiến cho rằng, để xử lý tình trạng này tận gốc, cơ quan chức năng phải thật sự mạnh tay. “Xử lý những đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm thật nghiêm, vì nó gây hại đến sức khỏe con người”. Theo đó, với những trang trại chăn nuôi, nếu phát hiện sử dụng các chất cấm tạo nạc thì ngoài phạt tiền, cần phải tiêu hủy toàn bộ số lợn đang nuôi, còn với cơ sở buôn bán, ngoài phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh thì phải xem xét bồi thường thiệt hại gây ra. Có như vậy, mới tạo được sức răn đe cho những đối tượng có ý định sử dụng. 

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, tại tỉnh Đồng Nai, lực lượng Quản lý thị trường, Sở NN&PTNT đã đề nghị công an vào cuộc để làm rõ đường dây mua bán các chất cấm này. Ông này nhận định: “Các chất cấm được bán với giá rất rẻ, mà trong nước không sản xuất, rõ ràng là có đường dây buôn lậu, cung cấp các chất cấm vào trong nước chứ không phải là buôn bán nhỏ lẻ ở các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, phải làm rõ đường dây vận chuyển đưa chất cấm này vào trong nước như thế nào để ngăn chặn thì mới hy vọng dẹp từ gốc. Nếu chỉ kiểm tra trên thị trường rồi xử lý chỉ là phần ngọn. Còn như ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương cho rằng, các ngành phải phối hợp để làm rõ tác hại của các chất cấm đối với sức khỏe con người ra sao, đối với chăn nuôi như thế nào để làm cơ sở xử lý các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, việc thanh kiểm tra là cần thiết, nhưng các đoàn kiểm tra phải chuyên sâu, giảm về độ “hoành tráng” nhưng chất lượng, đi sâu vào thực tế để có thể bóc dỡ  được đường dây vận chuyển, kinh doanh. 

Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước đang chờ câu trả lời của cơ quan chuyên môn về chất tạo nạc, thì chiều qua 28-3, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết: “Chắc phải cuối tuần mới có kết quả cuối cùng, hiện chúng tôi vẫn đang tổng hợp, do nhiều địa phương chưa gửi kết quả về”. Trong khi đó, tại cuộc họp BCĐ cúm gia cầm chiều 27-3, lãnh đạo cục này khẳng định, trong ngày 28-3 sẽ có kết quả kiểm tra khu vực phía Bắc.