Có đủ vẫn không đạt

ANTĐ - Phòng chống tham nhũng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc được Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời trực tuyến. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ và dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4. 

Sau 5 năm thực hiện Luật PCTN vì sao phải sửa đổi và sửa đổi như thế nào? Tại một cuộc hội thảo gần đây, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhận định, mặc dù có những chuyển biến tích cực, song Luật có những điểm chưa đi vào cuộc sống, một số điểm còn chung chung. Tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là “ngăn chặn từng bước đẩy lùi tham nhũng”.

Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 3 vừa qua, chưa có phiên thảo luận nào mà chủ đề tham nhũng lại diễn ra đầy “kịch tính”, với những nhận định bất ngờ, quyết liệt và cả sự đau xót như thế. Một đại biểu Quốc hội nhận xét, tham nhũng đang có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, vỏ bọc khác nhau, thách đố kỷ cương, phép nước. Vì thế phải có những “Bao Công” quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng. Vị đại biểu cho rằng, tham nhũng đã trở thành con bệnh nặng, cần phải cưỡng chế uống biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da.

Một đại biểu là ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn nói để ngăn chặn nạn tham nhũng ông sẵn sàng cởi bỏ mũ ô sa và nếu như cơ chế ngày càng minh bạch thì nhiều người cũng sẽ sẵn cởi bỏ mũ. Tuy nhiên, theo vị ủy viên này, không chỉ phản ánh, phê phán tham nhũng mà cần đề ra các giải pháp cứng rắn để ngăn chặn thì mới đầy đủ trách nhiệm, không phải chỉ có hô hào cởi bỏ mũ ô sa. Một đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về tình trạng doanh nghiệp gây thất thoát ngân sách Nhà nước với những “lỗ hổng” quá lớn. Với vụ tốn hàng trăm tỷ đồng mua cái ụ nổi đã quá sử dụng hàng chục năm ở Vinalines, thì còn bao nhiều “cái ụ, cái u” như vậy trong nền kinh tế.

Như một sự “sinh sản” tự nhiên, có tham nhũng tất sẽ “đẻ” ra lợi ích nhóm. Một đại biểu chỉ rõ, nhóm lợi ích đã và đang ráo riết tác động ở mọi nơi, mọi lúc. Không chỉ tồn tại trong năm nay, năm sau mà còn trong cả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhiều năm sau nữa. Chỉ có minh bạch và công tâm trong điều hành thì mới không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích lớn nhỏ chằng chịt. Chính vì vậy, ý kiến của hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mặc dù đã có đủ các giải pháp PCTN, nhưng giải pháp chưa đủ mạnh. Cần phải sửa đổi những nội dung lớn và cốt lõi của Luật PCTN theo hướng mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập phải bao gồm cả đảng viên và người đã nghỉ hưu. Điểm mới của dự thảo Luật PCTN là người có hành vi tham nhũng đã thôi việc, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu vẫn phải bị xử lý.

Quốc gia nào, thời đại nào cũng có tham nhũng. Nước giàu, nước nghèo đều khó miễn dịch với “căn bệnh” nan y này. Có thể thành công lớn trong kinh tế, trong xóa đói giảm nghèo, song để đạt mục tiêu: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng là cực kỳ khó khăn. Có đủ luật, đủ giải pháp và đủ cả quyết tâm, vì sao vẫn không đạt được?