Cổ đông nhiều ngân hàng phấn khởi vì được nhận cổ tức “tiền tươi, thóc thật”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày càng có nhiều ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi Ngân hàng Nhà nước bỏ chủ trương hạn chế.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đáng nói, trong tài liệu công bố, OCB đã đưa ra kế hoạch chia cổ tức tiền mặt, lần đầu tiên kể từ khi ngân hàng này niêm yết.

Cụ thể, theo kế hoạch trình đại hội, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024. Trong năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023. Sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2024 của ngân hàng là 2.508 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại lũy kế là 3.706 tỷ đồng.

Theo đó, OCB trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương sẽ dành ra 1.726 tỷ đồng để chia cho các cổ đông.

Trước đó, kể từ khi lên sàn, OCB chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Năm nay, ngoài cổ tức tiền mặt, OCB tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.

Cổ đông nhiều ngân hàng phấn khởi vì được chia cổ tức tiền mặt sau nhiều năm

Cổ đông nhiều ngân hàng phấn khởi vì được chia cổ tức tiền mặt sau nhiều năm

Trước OCB, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VIB diễn ra ngày 27/3 vừa qua đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Tại ACB, Ngân hàng sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu tại kỳ ĐHĐCĐ diễn ra trong tháng 4/2025. Trong đó, ACB sẽ chi ra khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Đây là năm thứ ba liên tiếp cổ đông ACB được nhận cổ tức tiền mặt. Trong năm ngoái, cổ đông ACB cũng đã chi ra 3.884 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Với tỷ lệ tương tự, ngân hàng này cũng chi 3.377 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức tiền mặt.

Tương tự,HDBank dự kiến cũng năm thứ ba liên tiếp chia tiền cho cổ đông. Tại buổi gặp gỡ cổ đông mới đây, lãnh đạo HDBank hé lộ kế hoạch trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa là 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cổ tức tiền mặt tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được trình tại ĐHĐCĐ sắp tới.

Trước đó, nhà băng này đã chia cổ tức tiền mặt 10% trong hai năm liên tiếp là 2022 và 2023.

Thời điểm này, nhiều ngân hàng chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay cũng như kế hoạch chia cổ tức, nhưng theo dự đoán, nhiều nhà băng sẽ tiếp tục kế hoạch chia cổ tức như đã thực hiện từ năm ngoái.

Chẳng hạn như Techcombank, lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn, dự kiến mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận.

MB cũng đã liên tiếp trả cổ tức tiền mặt trong hai năm gần đây và nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng phương án trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025. Trong năm 2024 và 2023, MB đã dành lần lượt 2.653 tỷ đồng và 2.267 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5%.

Lãnh đạo VPBank cũng từng chia sẻ kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Trong năm 2024, với tỷ lệ chia tiền mặt 10%, Ngân hàng này đã sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cho cổ đông.

Tính chung trong năm 2024, toàn hệ thống đã có 9 nhà băng chia cổ tức tiền mặt. Làn sóng này bắt đầu quay lại kể từ năm 2023, khi Ngân hàng Nhà nước bỏ chủ trương hạn chế chia cổ tức tiền để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn Covid-19.

Với tình hình kinh doanh khả quan và vốn điều lệ được gia tăng thời gian qua, dự kiến làn sóng này sẽ ngày càng mạnh mẽ trong những năm tới đây.