90 năm ngày sinh danh họa Dương Bích Liên (1924-2014)

Cô đơn đến tận cùng

ANTĐ - Một trong bộ tứ huyền thoại của nền mỹ thuật Việt Nam-danh họa Dương Bích Liên có một cuộc đời kỳ dị và cô đơn đến tận cùng. Ông từng nói: “Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế tôi xin thu mình nhỏ lại”…

Chân dung tự họa của Dương Bích Liên

Dị ứng với người lạ

Nhiều người lấy làm ngạc nhiên với cái tên đầy nữ tính của họa sỹ Dương Bích Liên, người đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Chẳng là, trước ông, một người chị gái xấu số có tên tế là Dương Bích Liên qua đời. Khi ông được sinh ra, gia đình đã lấy lại tên người con gái yểu mệnh để khoác lên người con trai sau này đã làm rạng rỡ nền hội họa Việt Nam. Không biết có phải vì chuyện này mà họa sỹ Dương Bích Liên có cuộc sống khép mình, cô đơn cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Sinh trưởng trong gia đình thuộc tầng lớp quan lại thượng lưu trí thức giàu lòng yêu nước, có bác ruột là GS Dương Quảng Hàm và nhà hoạt động cách mạng Dương Bá Trạc nhưng chàng thanh niên Dương Bích Liên lại thích cuộc sống tự do, không quan tâm đến nếp sống “danh gia vọng tộc”. Ông đắc tuyển vào khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật. 

Ông dấn thân và hiến dâng cho nghệ thuật đến mức quên cả đời sống hạnh phúc, tình cảm riêng tư của mình. Dương Bích Liên sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi giật mình tỉnh ra và có ý muốn lấy vợ thì tóc ông đã bạc trắng như vôi. Bản tính của Dương Bích Liên khá nhút nhát. Ông dị ứng ghê gớm với người lạ. Mỗi khi có dịp đến chơi nhà họa sỹ Bùi Xuân Phái, bao giờ ông cũng rón rén nhìn qua cửa sổ xem trong nhà có khách không, nếu có, ông sẽ lặng lẽ chuồn rất nhanh. Hoặc nếu đang đàm đạo với Bùi Xuân Phái mà có khách tới chơi, ông sẽ lặng lẽ đứng dậy ra về. Dương Bích Liên là người có tật nói lắp. Khi ông chợt nghĩ ra một câu nào hay hoặc trích dẫn của ai thì cứ cách vài phút họa sỹ lại nói khiến người nghe thuộc lòng câu nói đó. 

Cô đơn đến tận cùng ảnh 2
Phố Phái-Gái Liên

Người đi trên “sa mạc cuộc đời”

Trong không gian khép kín và trống vắng tại căn nhà số 55 phố Bà Triệu, Dương Bích Liên đã để lại cho hậu thế những tác phẩm đỉnh cao của hội họa Việt Nam. Và mảng đề tài về chân dung thiếu nữ của ông được cho là thành công hơn cả. Người đời vẫn nhắc đến Phố Phái-Gái Liên quả thật không sai khi đánh giá đúng mực những tác phẩm hội họa của ông. Ở mảng đề tài đó, Dương Bích Liên cũng có một vài mối tình riêng, kín đáo, đầy trắc ẩn. Đó là những cô người mẫu. Lâu dần hiểu nhau, họ cảm thông và trở thành bạn tình nghệ thuật. Nhưng nỗi cô đơn thì không thể khỏa lấp trong con người họa sỹ. Nỗi cô đơn tự thân giằng xé mình trên hành trình đi tìm cái đẹp của thế giới sáng tạo, luôn khiến ông không ngừng ngưỡng vọng, khát khao, giống như người đi trên sa mạc cuộc đời.  

Cô đơn đến tận cùng ảnh 3
Dương Bích Liên đã có một vài mối tình đầy trắc ẩn với những cô người mẫu

Cuối đời, sức khỏe của họa sỹ suy sụp nhanh. Vài ngày trước khi chết, ông triền miên uống rượu và hoàn toàn “tịch cốc”. Có lần, Dương Bích Liên đã từng bày tỏ nguyện vọng với bạn-danh họa Bùi Xuân Phái: “Cái ngày tôi sang thế giới bên kia, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái, chúng ăn mặc thật nghiêm chỉnh. Chỉ có hai đứa trẻ ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang và đừng có người lớn nào theo cả”. Nhưng đám tang của ông đã không diễn ra như thế. Nguyện vọng của ông chỉ được đáp ứng và tái hiện trong bộ phim có tựa đề “Sắc vàng lặng lẽ”. Ở đó, đám tang của ông chỉ có hai đứa trẻ ăn mặc theo kiểu châu Âu, lững thững đi theo chiếc xe ngựa chở cỗ quan tài, vừa đi chúng vừa rắc những cánh hoa xuống hai bên đường.