Cố cho xe thành chính chủ

ANTĐ - Vừa dắt chiếc xe lên vỉa hè, anh Nguyễn Văn Lợi, nhân viên vận chuyển hàng của một công ty trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phấn khởi nói vọng với đồng nghiệp: “Thấy bảo tạm dừng chưa phạt người đi xe không chính chủ rồi đấy”…

- Đúng là Chính phủ vừa quyết định tạm dừng xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 71 trên để chờ Thông tư hướng dẫn. Xem ra anh có vẻ rất vui mừng vì điều này?

- Đương nhiên rồi, vì tôi đang đi xe “không chính chủ” mà. Cánh nhân viên làm nghề chở hàng như bọn tôi hầu như ai cũng đi xe “không chính chủ” cả, bởi chở hàng thì phải mua xe cũ, rẻ tiền, mới đỡ “xót của”. Đã dùng xe “không chính chủ” mà lại phải suốt ngày “cày” ngoài đường nên lo lắm, chẳng may bị phạt thì lại mất mấy ngày công, có khi còn bị giữ luôn cả cái “cần câu cơm”.

- Thế anh đã bị phạt vì đi xe “không chính chủ” bao giờ chưa?

- Chưa. Nhưng mà từ khi quy định này được áp dụng, đi ra đường là cứ thấp thỏm, lo lắng. Xe mình bỏ tiền ra mua thật, giấy tờ cũng đầy đủ, dính mỗi cái tội “không chính chủ”. Nhiều lúc nghĩ, nếu xe bị mất cắp, hoặc nói dại chẳng may “gặp tai nạn” mà xe mình lại không đăng ký chính chủ, thì cũng gay go. Nhưng trong tâm lý vẫn chẳng muốn bị phạt vì “không chính chủ” tí nào.

- Vậy anh có nghĩ đến việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu với chiếc xe của mình? 

- Tất nhiên có nghĩ đến nhưng ngại thủ tục phức tạp lắm. Thấy bảo muốn chuyển được sang đăng ký tên chính chủ của mình thì phải tìm được người chủ đầu tiên của chiếc xe. Phí chuyển đổi còn có thể lo được chứ tìm lại được chủ đầu tiên của chiếc xe cũ này thì chẳng dễ dàng. Cứ nghĩ mình ở Hà Nội, nhưng biển đăng ký xe là 14, tận Quảng Ninh, là đã thấy khó khăn rồi. May ra nếu thủ tục dễ dàng, thuận lợi hơn thì cũng phải cố làm cái thủ tục cho nó thành “chính chủ”.