Có chế tài hình sự cho việc cân điêu vàng

ANTD.VN - Báo ANTĐ vừa phản ánh tình trạng hàng loạt cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội bị xử phạt vì vi phạm về đo lường, chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trước hiện tượng này, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi: “Hành vi gian lận của các cửa hàng vàng diễn ra ngày càng phổ biến. Phải chăng do chế tài không đủ sức  răn đe?”

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua vàng trang sức

Về các quy định pháp lý liên quan đến việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã nêu rõ, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Vì vậy, dù là vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng các sản phẩm này vẫn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, hàm lượng vàng là từ 8 Kara trở lên.

Còn theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, vàng trang sức phải đúng tiêu chuẩn, hàm lượng vàng mới được lưu thông trên thị trường. Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Mặc dù pháp luật cho phép có sự sai số đối với hàm lượng vàng trong các sản phẩm nhưng sự sai số đó phải nằm trong giới hạn luật định và các sản phẩm phải được ghi nhãn theo quy định.

Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Trên thực tế, tình trạng bán vàng trang sức không đảm bảo tiêu chuẩn về hàm lượng vàng, tuổi vàng theo quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó xác định được hàm lượng vàng có trong các sản phẩm là bao nhiêu, có đúng quy định không.

Hình thức xử lý đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm chủ yếu dừng lại ở mức nhắc nhở hoặc phạt hành chính. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có tổ chức nào công nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của vàng. Hầu hết người tiêu dùng khi mua vàng trang sức đều quan niệm, loại vàng này chủ yếu để làm đẹp nên thường chỉ quan tâm đến hình thức mà coi nhẹ chất lượng của chúng. 

Ở góc độ hình sự, hành vi gian dối trong kinh doanh vàng trang sức nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa dối khách hàng”.

Theo đó, hành vi cân đong, đo đếm tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Luật sư Lê Hồng Vân nhận định, “Quy định trên vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi hành vi cân điêu là gian dối, thu lợi bất chính công khai. Mặt khác, gian lận trong kinh doanh vàng trang sức có thể thu lợi rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng, song số tiền phạt không cao. Trong khi đó, hầu hết những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu khác lại bị xử lý rất nghiêm khắc”.

“Đối với những cơ sở không đáp ứng được điều kiện kinh doanh, các cơ quan chức năng cần kiên quyết, cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý, thậm chí có thể xử lý hình sự đối với một số trường hợp để làm gương. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng khi đi mua vàng trang sức, cần đến các cơ sở có uy tín, kiểm tra kỹ về các thông số liên quan đối với sản phẩm, yêu cầu xuất hóa đơn, phiếu bảo hành để có cơ sở giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh sau này” - luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.