Cơ chế siêu quốc gia

ANTĐ - Bắt đầu từ 1-1-2012, không gian kinh tế thống nhất (EEP) giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đã chính thức đi vào hoạt động, mở đường cho sự ra đời của Liên minh Á-Âu (EAS) trong tương lai.

Nguyên thủ 3 thành viên đầu tiên của EEP

EEP sẽ đảm bảo luân chuyển tự do đối với hàng hóa, vốn và nhân lực, đồng thời thống nhất các quy định trợ cấp nông nghiệp và công nghiệp trong vùng lãnh thổ của Nga, Belarus và Kazakhstan. Cũng bắt đầu đi vào hoạt động là cơ quan siêu quốc gia đầu tiên của Hội đồng kinh tế tối cao Á - Âu, đó là Ủy ban kinh tế Á-Âu.

Ủy ban này có chức năng chỉ đạo các quá trình hội nhập trong khuôn khổ EEP và Liên minh thuế quan (TS).

Ý tưởng về một không gian kinh tế thống nhất nhằm bảo đảm tự do dịch chuyển vốn và dịch vụ, thuế và nhân lực, đồng thời có chính sách tài chính tiền tệ, tín dụng và thuế quan cũng như ngoại thương thống nhất được lãnh đạo 4 nước Nga, Kazakhstan, Belarus và Ukraine đưa ra ngay từ năm 2003. Năm 2004, “bộ tứ” đã thống nhất về 29 văn kiện nhằm đưa không gian kinh tế này vào hiện thực. Tuy nhiên, trục trặc đã xuất hiện khi Ukraine chỉ đồng ý ký 15 trong số 29 văn kiện này. Vì lý do đó mà những tác giả đầu tiên của EEP tại thời điểm không gian kinh tế này chính thức xuất hiện chỉ gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.

Đây có thể coi là nỗ lực trong việc tăng cường liên kết giữa các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) nhằm tận dụng quan hệ truyền thống dưới thời Liên Xô trước đây. Với việc 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan cho ra đời một cơ chế siêu quốc gia đầu tiên, đề án hội nhập quan trọng nhất trong không gian hậu Xô viết đã thành hiện thực, tạo nên một thị trường rộng lớn với 165 triệu người tiêu dùng, có sự thống nhất hóa về vốn, dịch vụ và lao động.

Tuy nhiên, đây không phải là một Liên Xô mới và EEP cũng không thay thế Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Thủ tướng Nga V. Putin đã khẳng định “sẽ là ngây thơ” nếu có ý định khôi phục hoặc sao chép điều gì đó từ quá khứ. Chính vì thế, mặc dù hoan nghênh các đối tác khác tham gia liên minh này, trước hết là các quốc gia SNG, nhưng Nga không thúc ép bất cứ nước nào, vì đây là quyết định của một quốc gia có chủ quyền.

EEP mới có bước đi đầu tiên nhưng trong tương lai, những người sáng lập EEP cho biết sẽ đưa mô hình liên kết này đi theo lộ trình từ EEP đến Liên minh kinh tế Á-Âu và cuối cùng là Liên minh Á-Âu (EAS) trên cơ sở kết nạp thêm các thành viên mới. Nền móng của liên minh tương lai đó là SNG, một khu vực có rất nhiều tiềm năng phát triển với dân số gần 300 triệu người và tổng sản phẩm quốc dân khoảng 1.700 tỷ USD/năm.

Không chỉ giải quyết các vấn đề kinh tế, EEP hiện tại, Liên minh kinh tế Á-Âu và EAS trong tương lai sẽ là cơ chế không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự nảy sinh trong không gian hậu Xô viết và thậm chí là cả trong các vấn đề liên khu vực và toàn cầu.

Sau một thời gian dài chìm lắng, sự hội nhập trong SNG đang mạnh mẽ trở lại trên nền một cơ sở chính trị và kinh tế mới và một hệ thống những giá trị mới trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ.