Có các anh nơi đầu sóng

ANTĐ - Tháng này đúng mùa biển động. Từng con sóng bạc đầu liên miên không dứt. Bão mới tan, sóng gió có giảm nhưng ở cấp 6, cấp 7 và ẩn chứa sự thịnh nộ của biển khơi. Sau 40 tiếng lênh đênh trên biển, sáng 15-1, tàu HQ-624 đã đến cụm nhà giàn Phúc Tần. Giữa biển khơi, những giọt nước mắt rơi trên những gương mặt sạm đi vì nắng gió trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc…

Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sỹ đã hi sinh tại thềm lục địa phía nam Tổ quốc tại cụm Phúc Tần sáng 15-1

Những người lính trên tàu HQ 624

Cứ mỗi độ xuân về, Hải quân vùng B, lữ đoàn 171 lại tổ chức các chuyến tàu mang hàng, quà tết ra chúc tết cán bộ, chiến sỹ, công nhân tại các nhà giàn. Tàu HQ-624 xuất phát từ Hải đội 812, Vũng Tàu đưa cánh phóng viên chúng tôi cùng những cán bộ, chiến sỹ ra thay ca tại nhà giàn DK1. Với những con sóng cấp 5, cấp 6 tàu luôn bị lắc, trong đoàn nhiều người lử đi vì say sóng.  Thế mới biết người lính hải quân vất vả thế nào. Một cabin chỉ có 6 giường, nhường chỗ cho chúng tôi các thủy thủ trên tàu chuyển xuống nằm sàn. Rồi chúng tôi lại nhường giường cho các chiến sỹ ra nhà giàn thay ca đợt này. Càng ra xa, sóng càng dữ dội, sự vất vả cũng tăng theo, thế nhưng những người lính trên tàu HQ-624 vẫn luôn tươi rói. Có lẽ trong các lực lượng, lính hải quân là người cười nhiều nhất. Càng khó khăn họ lại càng lạc quan, không bao giờ do dự.  Không chỉ có vậy, đến bữa ăn các anh đến từng cabin xem ai trong các phóng viên say sóng để đưa từng quả trứng, cái bánh mỳ và động viên chúng tôi cố ăn để lấy sức. 

Không chỉ thường xuyên vận chuyển hàng hóa, cũng như các tàu khác của Lữ đoàn 171, tàu HQ-624 còn thường xuyên trực bảo vệ khu vực các nhà giàn và ăn tết ngoài biển cũng là chuyện đương nhiên. Đại úy Trần Quang Đông, thuyền trưởng tàu HQ-624 cho biết 2 năm qua anh đều ăn tết ngoài biển. Riêng trong năm 2012, Đại úy Đông đi làm nhiệm vụ 10 tháng rưỡi trên biển, với quãng đường khoảng 10.000 hải lý (gần 19.000 km). Lấy vợ được 5 năm nhưng do đi công tác thường xuyên nên anh chị vẫn chưa có kế hoạch sinh con. Đã chở hàng tết ra nhà giàn nhiều lần nhưng đây là lần đầu anh chở thêm đoàn công tác có các nhà báo, đại diện các địa phương. Anh tâm sự: “Người lính hải quân chúng tôi, vất vả không ngại, sóng gió thành quen. Nhận nhiệm vụ quan trọng lần này, tôi và các anh em trên tàu đã làm thật kỹ công tác chuẩn bị. Và đặc biệt trong chuyến tàu này còn có sự hiện diện của các cơ quan dân chính đảng khắp cả nước, từ Hà Nội đến tận mũi Cà Mau. Điều này làm chúng tôi thật sự xúc động. Anh em trên nhà giàn chắc chắn sẽ rất vinh dự và ấm lòng hơn, vững tin hơn”.

Tàu HQ-624 đã nhiều lần tham gia chở hàng tết và các phóng viên ra các nhà giàn DK1. Trong những chuyến đi đó có không ít những kỷ niệm khó quên với Thượng úy Lưu Công Hiền, Thủy thủ Trưởng. Như năm 2007, khi ra trực bảo vệ các nhà giàn, tàu có chở thêm 5 con lợn. Đến tháng thứ 3, lợn bỗng chửa và đau đẻ, thủy thủ trên tàu trở thành bác sỹ thú y bất đắc dĩ, và đỡ đẻ thành công một lứa 7 chú lợn con.  Đặc biệt năm 2009, khi ra đến nhà giàn, do sóng to không thể tiếp cận nhà giàn, phóng viên Mi Lăng, báo Tuổi  Trẻ đã khóc rưng rức, nhất quyết đòi lên nhà giàn bằng mọi giá. Các phóng viên, đặc biệt là các chị em khi đi thì say sóng, có cái gì trong người thì cho ra hết ấy vậy mà khi về ai cũng quả quyết sẽ đi lần nữa, nhất định sang năm gặp lại. “Chúng tôi không thể nào quên những kỷ niệm, tình cảm sâu sắc đó. Không chỉ vậy những hình ảnh đó sẽ mãi theo người lính chúng tôi như nguồn động lực để phấn đấu không ngừng nghỉ, luôn đứng trên ngọn sóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thượng úy Lưu Công Hiền cảm động.

Tàu HQ-624 neo tại cụm Phúc Tần chuẩn bị chuyển quà tết ra nhà giàn

Nghĩa trang liệt sỹ giữa trùng khơi

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5-7-1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Hơn 23 năm qua các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân mà trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1- Lữ đoàn 171 nay là Vùng 2 Hải quân, là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước có mặt, làm nhiệm vụ vinh quang trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.

Chiều ngày 4-12-1990, chiến sỹ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần phải đối mặt với cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng uý - Chính trị viên Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển và 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên đồng đội đoàn kết, bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu thẳm.

Năm 1998, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên cường chống chọi trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8. Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội...nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng... nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất tung xuống biển và trôi dạt nhiều ngày trên biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước đại dương... Chuẩn uý Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố. Trước lúc hy sinh, Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc. Khi nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi thanh thản ra đi, để lại người mẹ già, người yêu trẻ và bao người thân dằng dặc nhớ thương nơi miền quê xa vắng… Đó là những người con ưu tú của Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Máu các anh đã hòa vào nước biển. Mộ các anh là những con sóng bạc đầu sừng sững kiên trung giữa biển trời Tổ quốc.

Đứng giữa trùng khơi, trong phút mặc niệm linh thiêng, mắt chúng tôi đều cay xè. Sự hy sinh của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khuôn nguôi của những người thân, trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày đau đáu bên cánh cửa đợi trông. Nỗi đau ấy không gì có thể bù đắp. Từ đau thương ấy, ngày nay Nhà giàn đã vững chắc hơn, có thêm những công trình mới phục vụ đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa; được phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại... ánh điện ngày đêm toả sáng lung linh... Tiếp bước các anh, đêm ngày vẫn đang có những người con ưu tú từ khắp mọi miền đất nước khắc phục mọi khó khăn, luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi thềm lục địa phía nam. Bài thơ của một chiến sĩ hải quân dường như nói thay tâm nguyện của các anh.

Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường 
Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra
Trong cơn hồng thủy phong ba 
DK1-Bản hùng ca lưu đời...
Hương trầm quyện gió tỏa quanh 
Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương
Sống không mưu lợi tầm thường
Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng...

DK1 là tên viết tắt của Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ. Hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở thềm lục địa, khu đặc quyền kinh tế ở phía Nam Tổ quốc. 23 năm nay, những người con thương yêu của đất nước vẫn hàng ngày vượt qua muôn trùng khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với họ mùa xuân nơi nhà giàn luôn là niềm tự hào, thiêng liêng nhất.