Có bỏ lọt tội phạm?

(ANTĐ) - Không chịu trả nợ, Lê Văn Thắng (SN 1963, ở số nhà 78, Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) còn gọi thêm đồng bọn dùng hung khí truy sát chủ nợ đến cùng. Hành vi trên của Thắng và đồng phạm chỉ bị truy tố phạm tội cố ý gây thương tích. Mới đây, TAND huyện Gia Lâm đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên phạt các bị cáo với mức án được xem là quá nhẹ, gây bức xúc cho gia đình bị hại cũng như dư luận.

Vụ chém chủ nợ tại Gia Lâm (Hà Nội):

Có bỏ lọt tội phạm?

(ANTĐ) - Không chịu trả nợ, Lê Văn Thắng (SN 1963, ở số nhà 78, Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) còn gọi thêm đồng bọn dùng hung khí truy sát chủ nợ đến cùng. Hành vi trên của Thắng và đồng phạm chỉ bị truy tố phạm tội cố ý gây thương tích. Mới đây, TAND huyện Gia Lâm đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên phạt các bị cáo với mức án được xem là quá nhẹ, gây bức xúc cho gia đình bị hại cũng như dư luận.

Thắng, Cường và Thịnh tại phiên sơ thẩm lần 2 mới đây

Thắng, Cường và Thịnh tại phiên sơ thẩm lần 2 mới đây

Truy sát đến cùng

Theo cáo buộc của VKSND huyện Gia Lâm:  22h ngày 11-2-2008, anh Nguyễn Đình Bài (SN 1961, trú tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) đến nhà Lê Văn Thắng để đòi 120 triệu đồng (Thắng nợ từ năm 2001). Không chịu trả, Thắng còn gọi điện đến Công ty cổ phần Lưới thép Hà Nội (nơi Thắng đang làm việc) gặp Nguyễn Kiều Hưng (SN 1975, là giám đốc công ty), bảo gọi thêm người. Sau đó, Hưng nói với Trịnh Việt Cường (SN 1975, là nhân viên bảo vệ), Lê Quang Thịnh (SN 1983), Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1982), Chu Minh Tuân (tức Tân, SN 1975), Nguyễn Mạnh Nghĩa (SN 1985) và Tô Khánh Sơn (1984) đều là công nhân của công ty đến giúp Thắng.

Ngay sau đó, Cường và Thịnh mang theo một dùi cui sắt, 1 dao chặt củi đi xe máy đến. Khi cả nhóm đến nơi, thấy Thắng và anh Bài vẫn đang đánh nhau Cường, Thịnh vào can ngăn thì bị anh Bài dùng mũ bảo hiểm đánh lại. Thấy vậy, Cường dùng dùi cui, còn Thịnh và Thắng dùng dao lao vào đánh, chém làm anh Bài bỏ chạy về phía Công ty Việt Hà (thuộc địa bàn xã Yên Thường). Bọn chúng chỉ dừng lại khi anh Bài bị đánh ngã gục vào tường sát cửa sắt.

Sau đó, anh Bài được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức với 11 vết chém (trong đó, 2 vết chém đặc biệt nguy hiểm, một ở đỉnh đầu và một vào cổ). Tại Biên bản giám định pháp y số 102/GDPY, ngày 5-3-2008 của Tổ chức Giám định pháp y TP Hà Nội kết luận: Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Đình Bài là 29%. Còn tại Biên bản giám định số 38/PY-GĐ ngày 25-2-2009, của Viện pháp y Quân đội kết luận: Tỷ lệ thương tật của anh Nguyễn Đình Bài là 37% tạm thời (trong đó 16% vĩnh viễn).

Tuy nhiên, chỉ có 3 bị can gồm: Lê Văn Thắng, Lê Quang Thịnh và Trịnh Việt Cường bị truy tố phạm tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) mới đây, HĐXX - TAND huyện Gia Lâm đã tuyên phạt Thắng 3 năm tù treo, Thịnh 33 tháng 29 ngày tù treo và Cường 30 tháng tù giam.

Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng, cáo trạng đưa ra truy tố vẫn còn bỏ lọt tội phạm; tội danh truy tố các bị cáo là chưa chính xác. Vì khi anh Bài bỏ chạy, các bị cáo vẫn truy sát và tiếp tục đánh, chém bị hại đến khi gục xuống mới thôi. Hậu quả, anh Bài không chết là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Vì vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo phải truy tố vào tội giết người.

Cơ quan tố tụng có bỏ lọt tội phạm?

Trước đó tháng 4-2009, TAND huyện Gia Lâm cũng đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự (lần 1), xét xử Thắng, Cường và Thịnh về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa HĐXX nhận định, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua việc xét hỏi tranh luận tại tòa, đối chiếu với quy định của Bộ luật TTHS, thấy có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội giết người nên kiến nghị với TAND cấp trên xem xét về tội danh đối với 3 bị cáo Thắng, Cường và Thịnh. Ngoài ra, HĐXX còn khẳng định: “Việc không truy tố Nguyễn Kiều Hưng là bỏ lọt người phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức”.

HĐXX quyết định tuyên phạt Thắng 8 năm tù, Cường 9 năm tù và Thịnh 6 năm tù. Sau đó, VKSND huyện Gia Lâm đã có kháng nghị, đồng thời các bên cũng kháng cáo bản án sơ thẩm lên cấp phúc thẩm. Ngày 21-7-2009, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 32/HSST của TAND huyện Gia Lâm để điều tra lại.

Trong quá trình điều tra bổ sung, anh Bài khai: Ngoài Thắng, Cường và Thịnh tham gia vào việc gây thương tích cho anh còn có cả Nguyễn Kiều Hưng. Thế nhưng, tại trang 4 của bản Cáo trạng số 03 ngày 5-1-2010, của VKSND huyện Gia Lâm được TAND cùng cấp sử dụng để mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2), xét xử các bị cáo Thắng, Cường và Thịnh mới đây có nội dung:

“Ngoài lời khai của anh Bài, không có tài liệu nào khác chứng minh việc Nguyễn Kiều Hưng có tham gia đánh Bài hay không nên không có căn cứ truy cứu Hưng là đồng phạm với vai trò giúp sức”. Tuy nhiên, tại Bút lục số 67, 68 và 143, ngày 17-3-2008, thì lời khai của Thắng và Cường trước cơ quan điều tra đều khẳng định: “Khi xảy ra xô xát, tôi (Thắng), Cường, Thịnh, Hưng đã đuổi đánh anh Bài”. Vậy điều này chứng minh, cáo trạng này của VKSND huyện Gia Lâm đã bỏ lọt Nguyễn Kiều Hưng.

Dự kiến, trong hai ngày 5 và 6-8, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Quốc Hội. Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến của vụ án.

Thanh Quang