Sống “ký sinh” bệnh viện (1)

Có bệnh thì phải lụy… “cò”

ANTĐ - Sau khi lực lượng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội trấn áp mạnh các đối tượng “cò máu” tại một số bệnh viện, những tưởng nạn cò mồi sẽ dần vắng bóng. Nhưng không, thay vì hoạt động công khai, cò bây giờ cấu kết với một số bác sỹ hình thành nên một đường dây rút ruột bệnh viện và móc túi những bệnh nhân khốn khổ.

“Cò” Nhung (phải) luôn săn đón chào mời bất cứ bệnh nhân nào tới bệnh viện Mắt Trung ương

“Mua sổ, khám nhanh không?”

Cổng bệnh viện Mắt Trung ương trên phố Bà Triệu lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Lẫn trong đám “xe ôm” tíu tít mời mọc khách, trong đám bệnh nhân mặt mũi ủ dột và căng thẳng, nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay những phụ nữ đi lại như con thoi với cả tập y bạ trên tay. Câu cửa miệng của những người này khi nhìn thấy những xe chở bệnh nhân đỗ xịch trước cổng là: “Mua sổ, khám nhanh không?”.

8h sáng ngày 19-12, chúng tôi có mặt tại đây ghi nhận có khoảng gần chục đối tượng cò mồi cầm cả tập y bạ lởn vởn trước cổng. Cũng giống như taxi dù, tại các nhà ga, bến xe, để tránh sự va chạm và tranh giành khách, cò ở đây phân chia mối làm ăn theo kiểu… xí phần. Cò đứng trên vỉa hè, mắt láo liên khắp dòng xe cộ nườm nượp trên đường để sục sạo những “con mồi” tiềm năng. “Mai Linh xanh nhé” - một cò mặc áo phao trắng lên tiếng rồi hối hả chạy lên phía trước đón đầu khi thấy chiếc taxi bật xi-nhan trái chuẩn bị tấp vào vỉa hè. Trên xe bước xuống là một phụ nữ đứng tuổi. Sau điệp khúc “khám nhanh không chị ơi?” và nhận được cái lắc đầu cương quyết của vị khách, cò này lầm bầm chửi thề rồi quay trở lại chỗ cũ. Ngay sau đó là một tiếng hô: “Xe Dream kẹp ba”, một cò tên Nhung mặc áo gió tím than lao lên chỗ chiếc xe máy vừa dừng bánh và nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc túi cho bà cụ quê Quảng Ninh đang móc ví lấy tiền trả cho người “xe ôm”. 

Sau khi vị khách đã thanh toán tiền xe, cò Nhung lập tức xoắn lấy: “5 nghìn 1 quyển y bạ, 20 nghìn đồng tiền dịch vụ, con đưa cô vào khám ngay lập tức. Trong kia đông lắm, cô mà chờ đợi thì đến chiều cũng chưa xong”. Thấy vị khách có vẻ xuôi xuôi vì giá khá mềm, cò này đính chính ngay: “Đấy là tiền môi giới, tiền khám và tiền cho bác sỹ tính riêng”. Sau khoảng 10 phút mặc cả, vị khách móc ví rút ra 400 nghìn đồng kẹp vào quyển sổ y bạ mới mua. Cò Nhung rút điện thoại gọi cho một ai đó rồi cả bệnh nhân và cò mất hút về phía cổng sau bệnh viện.

Trẻ không tha già không thương

Cụ Nguyễn Thị Hiền (SN 1944) trú tại ngõ 97 phố Thái Thịnh bị nhức mắt đã 2 tuần nay. Sau khi đi khám tại Viện y học Hàng không nhưng vẫn không khỏi, cụ quyết định lên Bệnh viện Mắt trung ương khám lại với hy vọng: Bác sỹ ở đây giỏi hơn, thuốc ở đây sẽ tốt hơn. Có mặt tại cổng bệnh viện lúc 9h30 sáng 19-12, cụ Hiền lọt ngay vào “tầm ngắm” của cò Nhung. Vẫn điệp khúc “khám nhanh, bác sỹ giỏi”, cò Nhung thuyết phục được bà cụ chi ra 30 nghìn đồng để được ưu tiên khám trước. Cầm quyển sổ y bạ với số tiền 200 nghìn đồng kẹp bên trong để “bồi dưỡng” cho bác sỹ, cò Nhung khoác tay với vẻ thân tình rồi dìu cụ Hiền đi ngược phố Bà Triệu. Chúng tôi lặng lẽ bám theo cả hai tới phòng khám tư tại địa chỉ số 104 Bà Triệu thì nhận thấy cò Nhung đang kéo cô gái tiếp tân của phòng khám ra một chỗ to nhỏ. Chỉ vào cụ Hiền đang ngồi trong nhà, cò Nhung gật đầu “bàn giao” cho phòng khám rồi quay trở về vị trí ban đầu để tiếp tục “công việc”.

Sau khoảng 15 phút khám bệnh cụ Hiền thất thểu ra về. Gặp chúng tôi, cụ Hiền mếu máo: “Tôi bị nó lừa mất 150 nghìn rồi. Nó xoen xoét bảo đưa tôi vào viện khám nhanh, giáo sư giỏi, nhưng rồi lại dẫn ra phòng khám tư bên ngoài. Chính cô y tá của phòng khám cũng nói: Giá khám bệnh chỉ có 80 nghìn đồng thôi, lần sau nếu cần cụ cứ đến thẳng đây, không phải nhờ ai hết. Thế mà nó giả vờ bảo đưa tiền “bồi dưỡng” cho bác sỹ để ăn chặn của tôi những 230 nghìn đồng. Trông nó cũng tử tế, ăn nói một điều xưng con, hai điều xưng cháu, Vậy mà…”.

Cụ Nguyễn Thị Hiền - một nạn nhân của “cò” tại bệnh viện Mắt Trung ương

Việc công, túi riêng

Mắt tôi vốn sáng choang như đèn pha ô tô, nhập nhoạng tối vẫn đọc báo ầm ầm, nhưng khi nghe tôi kể lể: “Dạo này mắt em mờ lắm, buổi sáng không hiểu sao nước mắt cứ giàn giụa”, cò Nhung phán ngay: “Bệnh nặng đấy, chị đưa chú vào Khoa Đáy mắt, chỗ đấy chị có bác sỹ giỏi, yên tâm. Bây giờ chú cho chị xin 25 nghìn đồng tiền công và kẹp 300 nghìn đồng tiền “bồi dưỡng” cho bác sỹ vào y bạ. Chị đưa vào khám ngay, mình làm “dịch vụ” nhanh gọn, không phải xếp số chờ đợi”. Cò kè một lát, thấy cò không hạ giá, tôi chấp nhận chi 325 nghìn đồng và được cò dẫn ra phía cổng sau bệnh viện vào phòng khám tư số 43 Bùi Thị Xuân. Tại đây, sau khi nói chuyện và đưa sổ y bạ của tôi cho 1 nhân viên mặc áo Blouse trắng tên Mai Anh, cò Nhung rút điện thoại gọi một hồi rồi hướng dẫn: “Chú cứ cầm quyển sổ này vào thằng phòng khám C315 nhà E. Mọi chuyện trong đó đã có người lo”. Nói rồi, cò Nhung biến mất. Tôi giở quyển sổ y bạ thấy trang cuối ghi một dòng chữ nhỏ: “C315 - 09063268XX - Mai Anh”. Đây chính là “mật khẩu” sẽ giúp tôi chen ngang các bệnh nhân khác vốn đang dài cổ chờ đợi đến lượt suốt từ sáng tới giờ.

Lên tới phòng khám ở khu nhà E tôi khẽ khàng đặt sổ lên mặt bàn vị bác sỹ có tên L.V.H đang lúi húi đo mắt cho bệnh nhân. Phòng khám đông nghẹt, mặt ai cũng căng thẳng. Vị bác sỹ khẽ liếc nhìn  quyển sổ y bạ rồi gật nhẹ đầu. 5 phút sau tiếng gọi: “Bệnh nhân Lâm Ngọc Huy đâu” vang lên. Tôi đàng hoàng bước vào trước những ánh mắt tức giận của hàng chục bệnh nhân đã đến trước tôi từ sáng sớm. Toàn bộ quá trình khám, soi, đo, chiếu của tôi được vị bác sỹ thực hiện mà không cần phải kê khai hay viết hóa đơn vào bất kỳ cuốn sổ khám bệnh nào của bệnh viện. Sau khi được chỉ định đo khúc xạ máy ở tầng 1 nhà E và có kết luận về tình trạng bệnh, tôi được bác sỹ kê cho đơn thuốc điều trị và yên tâm ra về. 

(Còn nữa)