Cơ bản hoàn tất các điều kiện thực hiện Luật Cư trú

(ANTĐ) - Chiều qua 26-6, Bộ Công an đã họp báo giới thiệu Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Bộ Công an triển khai Luật Cư trú

Cơ bản hoàn tất các điều kiện thực hiện Luật Cư trú

(ANTĐ) - Chiều qua 26-6, Bộ Công an đã họp báo giới thiệu Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Đồng chí Trung tướng Trần Đại Quang - ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo thi hành Luật Cư trú của Bộ Công an đến dự và phát biểu khai mạc cuộc họp báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Trung tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Cư trú là một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận, với những trình tự, thủ tục đăng ký cư trú đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà cho nhân dân, góp phần vào công tác cải cách hành chính; đồng thời nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về cư trú. Xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý hành chính về TTATXH, cải cách hành chính trong lực lượng CAND, Bộ Công an đã yêu cầu “Luật Cư trú phải được triển khai thi hành một cách thiết thực, hiệu quả”.

Với tinh thần này, các lực lượng CAND đã và đang khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho Luật Cư trú được thực hiện ngay từ ngày có hiệu lực thi hành 1-7-2007 và làm cho Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Người dân sẽ thuận lợi hơn khi đăng ký hộ khẩu
Người dân sẽ thuận lợi hơn khi đăng ký hộ khẩu

Giới thiệu tóm tắt quá trình chuẩn bị và các công việc triển khai Luật Cư trú trong thời gian tới, Trung tướng Phạm Văn Đức -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ thi hành Luật Cư trú của Bộ Công an nêu rõ: Đến nay, Bộ Công an đã tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú; quy định cụ thể về bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý cư trú và các cơ sở dữ liệu về cư trú; các biểu mẫu về đăng ký, quản lý cư trú, sổ tiếp nhận lưu trú, các giấy tờ khác về cư trú theo quy định mới của Luật Cư trú cũng như quy trình đăng ký thường trú, tạm trú, tiếp nhận lưu trú.

Để chủ động có kế hoạch, phương án bố trí cán bộ, sắp xếp hợp lý nơi tiếp công dân và các điều kiện cần thiết khác nhằm đảm bảo cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đúng thời hạn luật định, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương rà soát các trường hợp có đủ điều kiện cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định của Luật Cư trú. “Theo thống kê của công an các địa phương, cả nước có xấp xỉ 2 triệu người nằm trong diện được xem xét đăng ký cư trú, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội (13 vạn người), TP Hồ Chí Minh (86 vạn người)...” - Trung tướng Phạm Văn Đức cho biết.

Luật Cư trú cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các tài liệu khác có liên quan đã được tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ chủ chốt, cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú của công an các đơn vị, địa phương và những người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú ở xã, thị trấn, những người tham gia công tác tiếp nhận thông tin lưu trú tại các khu dân cư, tổ dân phố.

Cùng với việc đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân cũng như công khai, minh bạch các thủ tục giải quyết đăng ký cư trú, Bộ Công an đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký cư trú của công dân... “Đến nay công an các đơn vị, địa phương đã hoàn tất các điều kiện thực hiện Luật Cư trú và sẵn sàng phục vụ nhân dân với quyết tâm cao nhất” - Trung tướng Phạm Văn Đức khẳng định.

Tại cuộc họp báo, Ban Chỉ đạo và các đơn vị chức năng Bộ Công an đã trả lời phóng viên báo chí về những vấn đề liên quan đến nội dung của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành và những điểm mới của Luật Cư trú cũng như cách thức tổ chức thực hiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú và những vấn đề về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý cư trú.

Ý thức cộng đồng

(ANTĐ) - Chỉ còn vài ngày nữa, Luật Cư trú sẽ được triển khai thực hiện. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, việc tăng dân số sẽ ảnh hưởng đến nhiều bình diện của sự phát triển ở Thủ đô.

Một trong số đó là nếp sống văn hóa. Người dân Hà Nội vốn tự hào với “gốc văn hóa” của mình. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếp “thanh lịch” của người Hà Nội ngày càng được phát huy, phát triển lên tầm cao hơn với phong trào xây dựng người Hà Nội “văn minh, thanh lịch” đã và đang được các ngành, các cấp ở Thủ đô hưởng ứng, thực hiện.

Nay, khi thực hiện Luật Cư trú, nhiều ý kiến cho rằng nếp sống văn hóa của người Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng trước sự gia tăng dân số chuyển dịch từ nông thôn ra thành phố. Hay nói cách khác, người tỉnh ngoài không thể hòa nhập ngay vào nếp sống đô thị vốn đã trở thành ý thức, cách sống, nét riêng của người Hà Nội.

Vấn đề đặt ra là cùng với việc triển khai thực hiện Luật Cư trú, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng có liên quan cần lưu ý quan tâm và đẩy mạnh phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Để khi người tỉnh ngoài “nhập cư” vào Hà Nội sẽ hòa nhập ngay với phong trào ở cơ sở, trong cộng đồng khu dân cư.  Thành ngữ có câu “Nhập gia tùy tục”, ý nói đến nơi nào thì phải tuân thủ theo quy định, nền nếp ở nơi đó.

Tin rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng tạo điều kiện cho người tỉnh ngoài có đủ điều kiện nhập khẩu ở thành phố để “an cư, lạc nghiệp”, chắc chắn khi đã sống chung một mái nhà ở thành phố, tất cả những “người Hà Nội” đều có ý thức cộng đồng để xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước...

Nguyên Lam

Minh Châu