Có 4 bài học từ xét xử đại án tham nhũng, khởi tố thêm 3 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh

ANTD.VN - Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18-11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua xét xử các đại án tham nhũng thời gian qua, có 4 bài học được rút ra. Bên cạnh đó,         Chánh án TANDTC cũng lý giải việc nhiều vụ án xét xử kéo dài, về án oan, vụ xét xử bà Châu Thị Thu Nga hay vụ Trịnh Xuân Thanh… 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 18-11

Các vụ án oan là… rất đáng tiếc

Về chất lượng xét xử của tòa án các cấp thời gian qua, đại biểu (ĐB) Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) nêu thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện không ít, thậm chí có vụ bản án sửa đi sửa lại tới 7 lần, kéo dài gần 10 năm nay nhưng giờ trở lại sơ thẩm từ đầu.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình xác nhận đúng là có tình trạng như ĐB Nguyễn Chiến nêu, đồng thời nhấn mạnh việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết khi xét thấy chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm, xét thấy bỏ lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu bị oan. Theo Chánh án TANDTC, đây là chế định luật cho phép.

Dù vậy, người đứng đầu ngành Tòa án cũng chia sẻ: “Nguyên nhân vụ án kéo dài, trả lại nhiều lần là do chất lượng điều tra vụ án và do thẩm phán có người còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án”. Về giải pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành Tòa án sẽ quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định, đặc biệt trong trường hợp không đủ yếu tố kết luận thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.  

Cùng với tồn tại trên, nhiều ĐBQH cũng trăn trở trước tình trạng án oan sai thời gian qua còn nhiều, gây nhiều bức xúc trong dư luận và đề nghị Chánh án TANDTC cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục. Tiêu biểu, ĐB Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) dẫn lại kỳ án dưới chân đèo Pha Đin, 3 mẹ con là bà Đặng Thị Nga (80 tuổi, ở Tuần Giáo, Điện Biên) cùng 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha.

Cả 3 mẹ con rơi vào vòng lao lý, mang án oan suốt 28 năm, thậm chí khi người con trai Trịnh Công Hiếu qua đời vẫn phải mang theo nỗi oan về tội giết cha chưa được gột rửa. Mãi cho đến ngày 24-10-2017, cơ quan tố tụng Điện Biên mới xác định đây là vụ án oan. “Đề nghị Chánh án TANDTC cho biết, trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào? Trách nhiệm xử lý ra sao?”, ĐBQH Lê Ngọc Hải chất vấn. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, vụ án oan ở Điện Biên là rất đáng tiếc, xảy ra 27 năm trước. Sau khi có ĐBQH chuyển thông tin, ông đã kiểm tra, căn cứ vào việc biên bản khám nghiệm tử thi và nhận định đây là vụ án oan. Do vậy, ông đã chỉ đạo và cùng với địa phương xem xét lại vụ án.

“Trong thời gian ngắn, chúng tôi khẳng định đây là vụ án oan nên đã đình chỉ vụ án. 3 cơ quan tiến hành tố tụng đã tổ chức xin lỗi gia đình người bị oan”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói. Về bồi thường cho người bị oan, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc này đang được tiến hành theo quy định. Còn về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vụ việc này, Chánh án TANDTC khẳng định, chắc chắn sẽ có xử lý trách nhiệm, trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên.

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) chất vấn về chất lượng xét xử của ngành Tòa án

Khởi tố thêm 3 bị can trong vụ Trịnh Xuân Thanh 

Nhắc đến việc trong năm 2017, tòa đã xét xử nhiều đại án tham nhũng, điển hình như vụ Hà Văn Thắm, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, qua dư luận, việc xét xử các vụ đại án này vừa nghiêm minh vừa mang tính nhân đạo. “Vậy kinh nghiệm qua những vụ án tương tự là gì?”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu câu hỏi. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá, đây là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hóa tội phạm.

Có 4 bài học được rút ra từ quá trình xét xử vụ án này: Thứ nhất là xác định chính xác tội danh. Thứ hai là tranh tụng công khai, không hạn chế. Thứ ba là Hội đồng xét xử làm tròn chức năng của mình. Thứ tư là có sự phân hóa, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người làm công ăn lương. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ở vụ án này, Hội đồng thẩm phán đã tuyên 34 người được hưởng án treo, đều là những người còn trẻ, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả. 

Tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐB liên quan đến một số vụ án lớn khác đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, đến nay tòa đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên tòa xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Ngoài Trịnh Xuân Thanh, cơ quan chức năng khởi tố bổ sung 3 bị can khác. 

Với vụ xét xử bà Châu Thị Thu Nga, nguyên ĐBQH, ngoài các câu hỏi của ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng “nhắc” Chánh án TANDTC trả lời về chi tiết bị cáo này muốn khai “chạy” vào Quốc hội nhưng tòa lại không cho khai và “đề nghị Chánh án phải nói rõ cho cử tri hiểu”. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi xuất hiện dư luận về việc Hội đồng xét xử không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai việc “chạy” vào Quốc hội, ngay lập tức ông đã yêu cầu kiểm tra và giải trình. 

“Việc chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà Nga dừng lại, không cho khai tiếp (về việc chi tiền để “chạy” vào làm ĐQBH - PV) là đúng quy định, vì vụ án này đã được tách ra và có quyết định trong hồ sơ vụ án, không có gì mờ ám cả”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải và cho biết thêm, lời khai của bà Châu Thị Thu Nga cũng nằm trong hồ sơ vụ án nên không có gì là giấu giếm.

Theo đó, bà Nga đã khai việc chi tiền nhằm 2 mục đích là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương và chi giải quyết việc truyền thông viết về bằng tiến sĩ giả của bà trong thời điểm bầu cử. Lời khai của bà Nga cũng nêu có quen biết và chủ động gặp đưa tiền nhiều lần cho một doanh nhân kinh doanh vàng có quan hệ rộng tại Hà Nội. Việc đưa tiền chỉ 2 người biết và không có chữ ký. Tại phiên đối chất, người này khai có quen biết bà Nga nhưng không nhận tiền, không quen ai ở Hà Nội, không làm việc đó. 

Chặn tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài
Có 4 bài học từ xét xử đại án tham nhũng, khởi tố thêm 3 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh ảnh 3

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn trước Quốc hội, sáng 18-11

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu trong phiên chất vấn với Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2017, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 90.000 vụ án với 129.000 bị can, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử 74.000 vụ với 105.000 bị can, đạt tỷ lệ hơn 80%. Tuy nhiên, công tác phát hiện điều tra tội phạm tham nhũng còn chưa đạt được kết quả như mong muốn, một số vụ án điều tra còn chậm.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân chủ yếu do tội phạm tham nhũng có trình độ cao, quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội. Đặc biệt, các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, đến nhiều cơ quan chức năng dẫn đến thời gian kéo dài…

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng, cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là khâu phát hiện.

Nói rõ hơn về tình trạng thời gian qua, một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Điều 79, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Do vậy, trước khi khởi tố, cơ quan công an không sử dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của luật.

Mặc dù vậy, với những đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tổ chức truy bắt bằng được các đối tượng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố,  xét xử... Trong quá trình điều tra, phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, để có giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng trên, khi xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2013, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung Điều 124 về việc tạm hoãn xuất cảnh, ghi rõ người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, qua kiểm tra, xác minh nếu thấy có đủ căn cứ xác định là người đó bị nghi vấn, cần xác định bỏ trốn ra nước ngoài hoặc có đầy đủ chứng cứ, thì kiến nghị bổ sung các quy định và nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng cho phép để được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt. Bộ luật này được thông qua năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 sẽ khắc phục được những kẽ hở nêu trên.