CNCNTT: Cần chiều sâu, tránh vội vàng

(ANTĐ) - Ở Việt Nam, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) là ngành kinh tế “trẻ” nhưng năm 2007 đã có tốc độ phát triển khá cao, nhiều khu CNTT tập trung đã được thành lập và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần chiến lược “dài hơi”.

CNCNTT: Cần chiều sâu, tránh vội vàng

(ANTĐ) - Ở Việt Nam, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) là ngành kinh tế “trẻ” nhưng năm 2007 đã có tốc độ phát triển khá cao, nhiều khu CNTT tập trung đã được thành lập và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần chiến lược “dài hơi”.

Rất nhiều sinh viên đã tìm đến ngày hội nhân lực CNTT do các công viên phần mềm tổ chức (Trong ảnh: Ngày hội nhân lực CNTT tại công viên phần mềm Quang Trung)
Rất nhiều sinh viên đã tìm đến ngày hội nhân lực CNTT do các công viên phần mềm tổ chức (Trong ảnh: Ngày hội nhân lực CNTT tại công viên phần mềm Quang Trung)

Hiện nay, Việt Nam có 7 khu công nghiệp phần mềm và CNTT tập trung với 30.000 nhân viên đang hoạt động. Tiến sĩ Lã Hoàng Trung - Trưởng ban Kinh tế, Thị trường, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ TT-TT cho rằng: “Việt Nam đã hình thành và phát triển những khu CNTT, một số khu đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, vai trò của các khu CNTT ở Việt Nam chưa thực sự nổi bật, chưa có đóng góp lớn trên cả 2 khía cạnh: Doanh thu và công nghệ; chưa thu hút được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNTT - TT”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư - Hiệu phó trường Cao đẳng nghề Sài Gòn cho biết: “Công viên phần mềm Quang Trung là mô hình hoạt động khá hiệu quả. Doanh thu của các doanh nghiệp tại công viên này trong thời gian từ 2001-2007 tăng 134%, lợi nhuận tăng 180%.

Nhưng nếu sự quan tâm và đầu tư của chính quyền thành phố và Trung ương “giậm chân tại chỗ” như hiện này thì công viên này cũng như nhiều công viên phần mềm khác sẽ khó phát triển. Mục tiêu lợi nhuận có thể lấn át mục tiêu phát triển kinh tế cũng như công nghệ phần mềm”. 

Tiến sĩ Lã Hoàng Trung cho biết: “Mục tiêu đến năm 2015, nước ta sẽ thành lập mới từ 3 đến 5 khu CNTT, đem lại doanh thu từ 300-500 triệu USD và đến năm 2020, tổng doanh thu các khu CNTT tập trung đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ USD”.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số quốc gia có ngành công nghiệp CNTT phát triển như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... thì số lượng các khu CNTT (hoặc khu công viên khoa học) thường không quá nhiều và được đầu tư theo chiều sâu (Nhật Bản 7 khu, Hàn Quốc 4 khu, Thái Lan 5 khu)... Một điều kiện không thể thiếu khác từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới là gắn liền sản xuất với nghiên cứu thông qua mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học.

 “Soi” vào mục tiêu xây dựng các khu CNTT tập trung đến năm 2015 ở nước ta, dường như kế hoạch phát triển CNTT ở nước ta chỉ về chiều rộng mà chưa quan tâm nhiều đến chiều sâu. Trong khi đó, nghiên cứu kết hợp với đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững.

Phát triển công nghiệp CNTT là hướng đi đúng. Nhưng cơ quan quản lý cần tìm cho mình hướng phát triển phù hợp, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm của các nước, tránh vội vàng để đạt hiệu quả kinh tế bền vững.                                       

Vân Hằng