CIA hổ thẹn ra sao trong sự kiện "Vịnh Con Lợn" năm 1961?

ANTD.VN - Năm 1961, hàng loạt các quyết định sai lầm của tình báo Mỹ đã dẫn đến sự thất bại đáng hổ thẹn trong chính sách đối ngoại của nước này. Điển hình là sự kiện Vịnh Con Lợn, khi đó Mỹ đã phải trả giá đắt cho âm mưu lật đổ chính phủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Âm mưu lật đổ Fidel Castro

Sự kiện Vịnh Con Lợn là cuộc tấn công của một nhóm người Cuba lưu vong được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ và huấn luyện xâm nhập vào Cuba với mục đích lật đổ chính phủ của Chủ tịch Fidel Castro. Cuộc tấn công này là một thất bại thảm hại đối với CIA cũng như đối với chính phủ của Tổng thống John F. Kennedy.

Sự kiện Vịnh Con Lợn diễn ra vào lúc bình minh ngày 15-4-1961, khi nhóm người Cuba lưu vong điều khiển 8 máy bay ném bom B-26 triển khai nhiệm vụ bí mật. Tuy nhiên, chiến dịch diễn ra chỉ trong 5 ngày và trở thành nỗi hổ thẹn bậc nhất của CIA.

Các tài liệu được Mỹ giải mật cho biết, tháng 4-1960, CIA bắt đầu tuyển mộ các phần tử Cuba lưu vong ở Miami, bang Florida, Mỹ để huấn luyện; trả lương cho mỗi phần tử lưu vong này lên tới 400 USD mỗi tháng. (Nguồn: History)

Trước đó, tháng 3-1960, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh cho CIA đào tạo và trang bị một lực lượng bao gồm những người Cuba lưu vong chuẩn bị cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Cuba để lật đổ Fidel Castro - người đã quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và “thiết chặt” quan hệ với Liên Xô sau khi lật đổ nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista.

Sau khi John F. Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1961, ông đã ra lệnh tiếp tục triển khai kế hoạch của cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower.

Lúc bấy giờ, Fidel Castro bị coi là “mối lo ngại”, “kẻ nguy hiểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ngoài ra, Cuba cũng trở thành đồng minh thân cận của “người anh cả” Liên Xô tại khu vực Mỹ Latinh.

Việc Chủ tịch Fidel Castro tấn công vào các công ty và những lợi ích của Mỹ ở Cuba, cùng việc Cuba gần gũi hơn với Liên Xô đã khiến các quan chức Mỹ lo ngại, cho rằng, cần phải nhổ ngay “cái gai trong mắt” tại khu vực “sân sau” Tây bán cầu.

Giới nghiên cứu cho biết, kế hoạch của CIA là thực hiện cuộc không kích tiêu diệt lực lượng không quân của Fidel Castro, sau đó đổ bộ hơn 1.400 người lưu vong Cuba lên Vịnh Con Lợn, trên bờ biển phía nam Cuba.

Những người Cuba này đã được CIA đào tạo ở Guatemala và Florida. 

Binh sỹ Cuba đứng trên một chiếc máy bay ném bom B-26 của Mỹ bị bắn hạ sau khi cuộc tấn công lật đổ bị ngăn chặn (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Kennedy đã thực hiện kế hoạch có tên gọi là “Chiến dịch Pluto” chỉ vài tuần sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1960, ông Kennedy cũng nhiều lần kêu gọi can thiệp vào tình hình Cuba. Thật ngạc nhiên, Kennedy đã giành chiến thắng khi vượt qua cựu Tổng thống Richard Nixon (con chim ưng chống cộng) và đã “hạ gục” chính quyền Eisenhower vì đã cho phép Fidel Castro lên nắm quyền. Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ chủ yếu là nhờ tài hùng biện “chống cộng”.

Thông tin bí mật bị rò rỉ

Kế hoạch của Kennedy được lên rất chi tiết; tuy nhiên, ngay trước khi triển khai, Chủ tịch Fidel Castro đã nắm rõ âm mưu của Kennedy thông qua các kênh tình báo. Lúc đó, bất cứ ai đăng ký mua tờ New York Times đều có thể đọc được bài viết, xuất bản ngày 7-4-1961, nói về việc các chuyên gia Mỹ đang huấn luyện, đào tạo một lực lượng xâm lược, bao gồm những người Cuba lưu vong ở Guatemala và Florida.

Ngày 15-4-1961, chỉ vài giờ sau cuộc tấn công ban đầu của máy bay ném bom B-26 vào 3 sân bay Cuba, chiến dịch Pluto bắt đầu gặp “sự cố”.

Cuộc đột kích đã thất bại trong âm mưu tiêu diệt toàn bộ lực lượng không quân của Fidel. Thật vậy, lực lượng do CIA hậu thuẫn đã thất bại trong việc “dọn sạch” lực lượng không quân Cuba, thậm chí họ còn gặp khó khăn hơn khi kế hoạch phản tác dụng.

Theo đó, một máy bay ném bom cất cánh từ Nicaragua đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Miami với phi công tự xưng là một “kẻ đào ngũ” của không quân Cuba. CIA đã thiết kế máy bay chiến đấu giống với chiếc của không quân Cuba và bắn vào vỏ của nó các lỗ đạn để ngụy trang như thể nó đã “sống sót được” sau cuộc không chiến.

Các binh sỹ Cuba thẩm vấn những người lưu vong (do Mỹ hậu thuẫn) bị bắt (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, “bàn tay” người Mỹ đã nhanh chóng bị các phóng viên quốc tế phát hiện khi ghi lại hình ảnh sơn mới máy bay. Ngay lập tức, cả thế giới biết rằng, họ là những phi công được CIA hậu thuẫn. Sau đó, Tổng thống Kennedy nhận trách nhiệm khi không thể phủ nhận được việc người Mỹ đứng ngoài kế hoạch.

Kế đó, ông Kennedy phải hủy đợt đánh bom thứ 2 (đã được lên sẵn) cho ngày hôm sau.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Kế hoạch tiếp tục trở nên sai lầm khi lực lượng chiến đấu được Mỹ hậu thuẫn cố gắng đổ bộ trong đêm. Khi nghiên cứu các bức ảnh trinh sát, các nhà phân tích của CIA đã không phát hiện ra các rạn san hô ở vùng nước nông của Vịnh Con Lợn, gây cản trở tiến trình đổ bộ của tàu và vô hiệu hóa các con thuyền.

Ngoài ra, những đèn tín hiệu màu đỏ do người nhái (CIA hậu thuẫn) mang theo đã vô tình nhấp nháy ngoài khơi. Khi dân quân Cuba phát hiện ra và hướng đèn pha về phía họ, những người nhái này đã nổ súng, phá hỏng yếu tố bất ngờ đối với quân đội của Fidel.

Khó khăn hơn nữa, khi máy bay của không quân Cuba đánh chìm 2 tàu tiếp tế chở lương thực, vật tư y tế và đạn dược của Mỹ.

Trước tình hình đó, Tổng thống Kennedy đã từ chối gửi thủy quân lục chiến (đóng ở Puerto Rico) và lực lượng hải quân (chờ sẵn bên ngoài lãnh hải Cuba) vào tham chiến.

Tuy nhiên, ông đã ra lệnh cho 6 máy bay ném bom B-26 cất cánh từ Nicaragua tấn công vào quân đội của Fidel Castro vào lúc 1 giờ sáng ngày 19-4-1961. Tuy nhiên, các máy bay B-26 đến sớm hơn 1 giờ so với kế hoạch, nguyên nhân là do sự hiểu lầm khi chênh lệch múi giờ giữa Nicaragua và Cuba.

Không lâu sau đó, quân đội Castro bao vây những kẻ xâm lược trên bãi biển và những người lưu vong đầu hàng sau khi chiến đấu chưa đầy một ngày. Theo thống kê, trong cuộc tấn công trên, hơn 114 quân đảo chính thiệt mạng và 1.100 người khác bị bắt làm tù binh.

Những tay súng của phe đảo chính bị bắt giữ sau cuộc xâm lược bất thành (Nguồn: Getty)

Như vậy, Mỹ đã phải trả giá đắt. Thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh Con Lợn khiến Mỹ bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế. Nó cũng là bài học đau đớn cho Washington vì dám coi thường, đánh giá quá thấp lực lượng Cách mạng Cuba.

Chủ tịch Fidel Castro đã tận dụng cuộc tấn công của “đế quốc Mỹ” để củng cố quyền lực của mình ở Cuba và yêu cầu thêm viện trợ quân sự từ phía Liên Xô. Khoản viện trợ đó bao gồm cả tên lửa và xây dựng các căn cứ tên lửa ở Cuba đã gây ra cuộc “Khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962”, khi Mỹ và Liên Xô “suýt” gây chiến vì vấn đề này.

Hơn nữa, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã “bêu riếu” Mỹ vì việc sử dụng lực lượng vũ trang để cố gắng lật đổ nhà lãnh đạo Fidel Castro - người đàn ông được coi là anh hùng vì lập trường chống sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Kennedy đã cố gắng chuộc lỗi bằng cách công khai nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công và thất bại đi kèm, nhưng nhiệm vụ bất thành này đã khiến vị tổng thống trẻ tuổi trở nên yếu đuối và thiếu quyết đoán.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cuối cùng phải công khai nhận trách nhiệm về Chiến dịch Pluto và thất bại đi kèm năm 1961 (Nguồn: Corbis)

Sự kiện Vịnh Con Lợn trở thành thất bại ê chề của CIA cũng như “phe diều hâu” muốn can thiệp quân sự vào Cuba. Song, thất bại này không ngăn cản được CIA cũng như chính quyền Kennedy tìm cách lật đổ Castro trong những năm tiếp theo. Thậm chí, ngay sau đó, Tổng thống John F. Kennedy quyết định tăng cường tham chiến vào cuộc một xung đột khác. Ngày 20-4-1961, Kennedy đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc tìm phương án “đánh bại” chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á; phản ứng này của Kennedy khiến gia tăng căng thẳng với Liên Xô, kéo dài cuộc Chiến tranh Lạnh đến tận năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ.