Chuyện xin con tại Quán hai cụ và lý giải ở góc độ khoa học

ANTĐ - Từ lâu, quán xin con tại thôn Phong Doanh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã trở được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến. Người chưa có con thì xin được con, người có con gái thì lại muốn xin con trai, mỗi ngày có hàng chục cặp vợ chồng tìm đến quán này. Tìm hiểu thực hư về quán có khả năng kỳ lạ, chúng tôi đã tìm về đây. 

Chuyện xin con tại Quán hai cụ và lý giải ở góc độ khoa học ảnh 1Bà Nguyễn Thị Nép thủ nhang Quán hai cụ

Tiếng đồn xa

Nằm giữa cánh đồng mênh mông, xung quanh có nhiều cây cổ thụ, quán xin con trông giống như một ngôi đền. Bên trong thờ hai vị lang tiên tương truyền từng bốc thuốc chữa bệnh và một viên nhũ đá có khắc hình một con rồng mẹ và 99 con rồng con. Hỏi chuyện một cặp vợ chồng mới đến làm lễ được biết: anh tên là Nguyễn Văn An từ Phú Thọ xuống. Lấy nhau đã 5 năm, chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn chưa có con. Gần đây nghe mách ở đây có quán xin con linh nghiệm nên vợ chồng anh cũng thành tâm tìm đến với hy vọng ước mong sẽ thành hiện thực. 

Không chỉ có vợ chồng anh An, trong quán còn có 5-6 cặp vợ chồng cũng đang làm lễ khấn vái. Bà Nguyễn Thị Nép, 75 tuổi, người thôn Phong Doanh cũng là thủ nhang ở đây cho biết: Hàng ngày có rất nhiều các cặp vợ chồng ở Vĩnh Phúc cũng như ở các tỉnh tìm đến. Người thì hiếm muộn muốn có một đứa con. Người thì đã có con gái, muốn có con trai nối dõi tông đường. Tôi cũng không biết tất cả có được như ý không nhưng số người quay lại đây làm lễ tạ sau khi đã sinh được con cũng khá nhiều. 

Tương truyền từ xa xưa có hai cụ lang giàu lòng nhân đức đến đây lập quán chữa bệnh làm phúc cho dân, nhất là những người hiếm muộn, khó khăn về con cái. Cho đến một ngày trong cơn giông bão, hai cụ bỗng về trời, bỏ lại ngôi quán trống. Để ghi nhớ công ơn hai cụ, người dân nơi đây đã tu sửa lại quán, đặt bát nhang, hoa quả đến lễ thờ hai cụ. Từ đó, hai cụ được tôn xưng là “Nhị vị tiên cung” còn ngôi quán được ghi danh là “Đông lang quán sứ”.  Tương truyền thời nhà Lê (khoảng năm 1578) ngôi quán được dựng vững chắc bằng 8 cột đá. Trên mỗi cột có khắc chữ Nho ghi lại lịch sử hai cụ. Sau gặp cơn hồng thủy, quán mất đi một cột rồi dần dần xuống cấp nặng nề. Đến năm 1983, người dân tiến hành tu sửa lại quán cũng như hương khói cho hai cụ đến tận bây giờ.

Sau khi quán được nhang khói, người dân ở thôn Phong Doanh cũng như các làng xã bên cạnh có mong muốn điều gì, nhất là đường con cái thường đến đây cầu khấn. Và điều kỳ lạ là khá nhiều người đã linh nghiệm. Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người ở các huyện, tỉnh khác cũng tìm về đây. Vào ngày rằm, mồng một, dòng người đến đây rất đông. Ô tô, xe máy để chật kín sân, tràn ra ngoài đường. Cách “xin con” cũng khá đơn giản. Chỉ cần sắp một mâm lễ hoa quả cùng thẻ hương dâng lên cầu khấn “hai cụ”, còn tuyệt đối không được đặt tiền. Những ai muốn công đức thì bỏ tiền vào hòm công đức. Với những gia đình đã được toại nguyện thì ngày mồng 5-5 hay 10-10 âm lịch quay về đây làm lễ cầu cho em bé được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, lễ này phải được tiến hành cho đến khi đứa trẻ tròn 13 tuổi.

Có hàng trăm người là “con xin”

Hỏi chuyện bà Nép cũng được bà kể khá nhiều những câu chuyện về những người đã từng đến đây xin con. Chẳng hạn như gia đình anh Nguyễn Văn Bạn ở thôn Phong Doanh. Hai vợ chồng lấy nhau 9 năm không có con, chạy chữa khắp các bệnh viện, đông tây y tốn biết bao nhiêu tiền của nhưng vẫn không được. Anh chị đã có ý định xin con nuôi. Tuyệt vọng, hai vợ chồng tìm đến quán hai cụ xin con. Không ngờ một năm sau chị vợ mang bầu rồi sinh bé trai đầu lòng. Hai năm sau, anh chị tiếp tục sinh một bé gái và 3 năm sau lại sinh hạ được một bé trai. Hoặc gia đình chị Nguyễn Thị Bình có 3 đứa con gái. Chồng chị lại là con trưởng nên rất mong muốn có một đứa con trai nối dõi tông đường. Nhưng chị đã gần 40 tuổi, không nghĩ rằng có thể mang bầu. Vậy mà, sau khi đến quán hai cụ xin con, thì một tháng sau chị đã có bầu và 9 tháng sau sinh được một cậu con trai khỏe mạnh.

Bà Nép còn kể mới đây có cặp vợ chồng ở Thái Nguyên xuống làm lễ tạ. Hai vợ chồng lấy nhau đã 10 năm không có con. Sau khi xuống đây xin 2 cụ, chị vợ về mang bầu sinh đôi một trai một gái. Thật là kỳ lạ, không thể giải thích nổi. Hay cụ Nguyễn Văn Hữu (85 tuổi, thôn Phong Doanh, xã Bình Dương), được coi là “đứa con” nhiều tuổi nhất được “xin” từ quán. Hai cụ thân sinh ra ông lấy nhau gần 8 năm không có con. Nghe mọi người mách cũng làm lễ ra quán xin con. Một năm sau ông được hạ sinh. Tính sơ qua riêng xã Bình Dương cũng có đến hàng trăm người là “con xin”.

Ông Luân, Trưởng thôn Phong Doanh cũng cho biết: Quán xin con thuộc sự quản lý của chi hội người cao tuổi thôn Phong Doanh. Chính quyền xã đã có rất nhiều đợt kiểm tra nhưng không phát hiện thấy ở đây có hiện tượng mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”. Tiền công đức mỗi năm được các cụ công khai với dân làng, rồi dùng vào việc tu bổ quán, chùa và làm đường bê tông trong xã.

Lý giải từ góc độ khoa học

Hiện tượng xin con tại các đền chùa không còn là chuyện lạ. Đến nay khoa học cũng chưa lý giải được vì sao. Theo TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tâm lý chung của những người hiếm muộn là “có bệnh, vái tứ phương”. Ngoài ra, các cặp vợ chồng chữa hiếm muộn thường rất mệt mỏi vì áp lực của gia đình nội ngoại, thời gian chữa bệnh kéo dài, đi lại nhiều, tốn kém tiền bạc, đặc biệt là với người phụ nữ vì lo sợ không có con nên chồng sẽ đi “kiếm” con ở ngoài… Vì vậy nhiều người đã tìm đến đền chùa trước hết là để tìm kiếm sự thanh thản ở trong tâm.

Ngoài ra, nhiều người còn quan niệm “con cái là của trời cho” nên đến đền, chùa “xin” một mụn con là điều rất dễ hiểu.Vì vậy, chữa hiếm muộn, vấn đề cân bằng tâm lý cũng rất quan trọng. Nhiều cặp vợ chồng không hề có bệnh gì, chỉ là tâm lý căng thẳng, áp lực nên cũng rất khó đậu thai. Nhưng khi tin rằng sẽ chữa khỏi, tin rằng mong ước được làm cha mẹ sẽ được toại nguyện khiến cho người hiếm muộn có được tâm lý thoải mái. Nếu người hiếm muộn đi chữa bệnh, kết hợp với niềm tin tâm linh khiến cho họ có được trạng thái tâm lý cân bằng thì có thể dễ đạt được nguyện vọng.

Tuy nhiên, TS Lê Vương Văn Vệ cũng cho rằng, với những gia đình hiếm muộn thường là họ đã trải qua một quá trình chữa bệnh. Vì vậy, việc có thai tự nhiên có thể là do trùng hợp ngẫu nhiên với sự tự hồi phục sau một thời gian điều trị thì thuốc có tác dụng. Vì vậy, người dân không nên thần thánh hóa, thổi phồng để rồi phụ thuộc vào nó quá nhiều mà bỏ qua những tiến bộ của y học hiện đại.