Chuyện viễn tưởng sau song sắt của "thạc sỹ Dubai" (kỳ 2)

ANTD.VN - Trước khi phát hiện ra lý lịch thật của Hoàng Thanh Tuyền, tôi thậm chí còn liên tưởng tới Frank William Abagnale, một “thiên tài” giả mạo sau này được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trọng dụng và thấy… tiếc vì khả năng bị bỏ phí của phạm nhân này.

Frank William Abagnale là chuyên giả mạo và lừa đảo thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ - nguyên mẫu cho vai chính của bộ phim “Hãy bắt tôi nếu có thể” (Catch me if you can) của Hollywood.

Sau khi bị FBI bắt giữ, Frank chấp nhận cộng tác cho cơ quan này và trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực tội phạm tài chính trên thế giới cũng như là chủ sở hữu thiết kế của nhiều thiết bị soi ngân phiếu giả. Dĩ nhiên, ngay cả khi có thực sự giỏi như lời tự sự, Hoàng Thanh Tuyền chưa đạt đến trình độ như Frank William Abagnale. Song, lúc nghe câu chuyện tôi còn nghĩ nếu như khả năng của Tuyền được sử dụng sẽ bù đắp lại phần nào tội lỗi. Rất may, tôi chưa đưa đề xuất này lên các cấp có thẩm quyền trước khi tìm ra sự thật về một “tài năng bị lãng phí".

Chuyện viễn tưởng sau song sắt của "thạc sỹ Dubai" (kỳ 2) ảnh 1Hy vọng những tháng ngày cải tạo sẽ giúp Tuyền nhận ra tội lỗi để làm lại cuộc đời

Chuyên gia sản xuất giấy tờ giả

Trở lại với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Hoàng Thanh Tuyền. Tháng 12-2013, chiếc xe do anh rể Tuyền điều khiển vi phạm Luật Giao thông nên bị dừng để kiểm tra hành chính. Ngồi cùng xe lúc đó, Tuyền đã xuống xe và xuất trình một Giấy chứng minh Công an nhân dân, đồng thời tự giới thiệu mình là Trưởng phòng Cảnh sát Interpol phía Nam để xin CSGT bỏ qua. Bằng con mắt nghiệp vụ, nhận thấy Giấy chứng minh Tuyền sử dụng có dấu hiệu bị làm giả, lực lượng công an đã tạm giữ hành chính và kết quả giám định xác nhận nghi ngờ trên là đúng. 

Trong lần vi phạm đó, lực lượng chức năng đã thu giữ trên người Tuyền một loạt giấy tờ khác, trong đó có nhiều Giấy chứng minh Công an nhân dân, danh thiếp ghi tên Tuyền với các chức danh khác nhau trong lực lượng công an cùng thẻ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, danh bạ điện thoại Thanh tra Chính phủ...  Tuyền lập tức bị bắt để điều tra về hành vi giả con dấu, tài liệu.

Quá trình điều tra sau đó cho thấy, tháng 8-2006, Hoàng Thanh Tuyền tình cờ gặp anh N.V.D (công tác tại Bộ Công an) bị tai nạn giao thông và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sỹ cứ nghĩ Tuyền là người nhà của anh D. nên đã đưa chiếc ví của anh D. cho Tuyền giữ hộ. Thấy trong ví có Giấy chứng minh Công an nhân dân của anh D., Tuyền nảy sinh ý định làm giả. Hoàng Thanh Tuyền mang chiếc chứng minh ra một hiệu ảnh ở khu vực hồ Hoàn Kiếm chụp lại, sau đó dùng máy tính thay tên mình vào, còn giấy chứng minh thật của anh D. được Tuyền mang đặt ở hiệu cầm đồ lấy 4,5 triệu đồng. 

Với “phôi” giấy tờ giả, Tuyền đã làm thêm 2 bản sao để dự phòng. Không dừng lại ở đó, Tuyền còn lên kế hoạch thay đổi hoàn toàn thân phận. Dựa vào kiến thức về máy tính, Tuyền làm giả hàng loạt giấy tờ liên quan đến lực lượng công an, như Giấy khen của Học viện An ninh nhân dân, Giấy thông hành của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm…

Tại cơ quan điều tra, Tuyền khai nhận việc thuê khắc một con dấu giả của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội để làm giả bằng tốt nghiệp đại học. Sau đó, Tuyền làm giả Giấy chứng nhận kỹ sư chất lượng cao của Công ty Cổ phần Công nghệ điện Hà Nội để xin học cao học. Tuyền tiếp tục “sản xuất” ra nhiều giấy tờ giả như Giấy ra vào Bộ Giáo dục - Đào tạo, Thẻ Thanh tra Bộ Giáo dục, Thẻ Giám thị ĐH Bách Khoa Hà Nội để có thể dùng trong bất cứ tình huống nào.

Chưa dừng lại tại đó, Tuyền còn mua bằng tốt nghiệp giả của ĐH Luật TP.HCM và bằng Thạc sỹ của trường này với giá 35 triệu đồng để xin vào làm cho một công ty ở quận Tân Bình, TP.HCM. Khám nhà Tuyền ở Phú Thọ, cơ quan điều tra thu được đủ loại quân trang quân dụng giả của lực lượng công an gồm quân phục, bảng tên, mũ kê-pi, giầy, túi chéo…. Thậm chí, Tuyền chú ý trang bị cho mình cả tất, cravat, kèm theo một khẩu súng... nhựa. Tại căn hộ chung cư của Tuyền ở TP.HCM cũng có đầy đủ còng số 8, vỏ bao súng, quân hàm, công an hiệu, biển số xe màu xanh, đèn xoay báo hiệu. Đến tháng 4-2014, Tuyền bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Chuyện viễn tưởng sau song sắt của "thạc sỹ Dubai" (kỳ 2) ảnh 2Hoàng Thanh Tuyền luôn tỏ ra ngậm ngùi khi kể câu chuyện đời minh

“Diễn viên” đại tài

Trong thời gian Hoàng Thanh Tuyền đang thụ án, cơ quan công an đã nhận được đơn tố cáo của một công dân về việc bị Tuyền lừa đảo và chiếm đoạt 2 tỷ đồng. Vụ việc xảy ra từ tháng 5-2013, một người quen tưởng Tuyền làm trong ngành công an nên nhờ “hỏi giúp” việc 4 người Trung Quốc bị CATP Hải Phòng bắt tạm giam vì hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuyền đã nhận lời và sau đó đề nghị chi 2 tỷ đồng sẽ “chạy” cho những người này được tại ngoại. 

Tuyền đã “hóa thân” vào nhiều vai diễn khác nhau, tất cả nhằm chiếm được lòng tin của nạn nhân. Khi thấy nạn nhân tỏ ý nghi ngờ, đối tượng còn tự dựng lên một nữ cán bộ công tác tại một cơ quan Trung ương, sau đó giả giọng nữ gọi điện cho nạn nhân để hứa hẹn giúp đỡ và cho vay tiền. Tuyền dùng đủ thủ đoạn từ ngọt nhạt đến dọa nạt để nạn nhân phải chuyển khoản. Dù hành vi phạm tội đã rõ ràng như vậy, nhưng khi kể lại với tôi, Tuyền luôn miệng nói là do mình đã “quá tin bạn bè” nên “chỉ muốn giúp”, hay tránh đi bằng câu “chuyện của em phức tạp lắm”.

Dữ liệu tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho thấy, lần đầu tiên Hoàng Thanh Tuyền xuất cảnh là tháng 4-2007, theo diện lao động, nơi đến là Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tháng 11-2008, đối tượng nhập cảnh, không rõ nơi đi. Ngoài ra, Tuyền còn xuất cảnh một lần nữa vào tháng 12 cùng năm, không rõ nơi đến và nhập cảnh trở lại vào tháng 5-2009, gần khớp với thời gian “từ Dubai về”. Tuy nhiên, năm 2011, Tuyền xin cấp đổi hộ chiếu và lý do là vì hết hạn chứ không phải hết trang do đi “137 quốc gia”. 

Chuyện viễn tưởng sau song sắt của "thạc sỹ Dubai" (kỳ 2) ảnh 3Khám xét nơi ở của Tuyền, CQĐT thu được hàng loạt quân trang quân dụng giả  

1% sự thật 

Rơm rớm nước mắt, Hoàng Thanh Tuyền kể: “Bữa cuối cùng em ăn cơm mẹ nấu là 17h36 ngày 28-12-2013. 5 tháng sau gặp lại, tóc mẹ em đã bạc trắng. Mọi cánh cửa tương lại đều đóng sập. Khi suy sụp nhất, một người bạn tù đã nói với em, có thể mất hết mọi thứ nhưng vẫn còn mẹ. Em đi lên từ quê nghèo, cố gắng cũng chỉ vì mẹ, giờ đây em cũng phải cố sống tiếp để có ngày trả nghĩa mẹ”. Cho đến khi đã thụ án trong trại giam, dường như Hoàng Thanh Tuyền vẫn “trung thành” với câu chuyện lừa dối mà mình đã dựng lên. Song một tình tiết mà Tuyền kể tôi có thể tin chắc chắn là có thật, vì nó cũng được các cán bộ ở Trại giam xác nhận. Đó là việc vợ Tuyền đưa con đến thăm nuôi lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, kèm lá đơn xin ly hôn vào tháng 8-2015. Tuyền nói mình không trách vợ vì cô ấy còn quá trẻ, còn có tương lai.  

Tôi hỏi Hoàng Thanh Tuyền dự định làm gì khi mãn hạn thì được đáp rằng đã thề không bao giờ chạm vào máy tính. “Trước khi bị bắt, em đã đưa đối tác nước ngoài về huyện nhà triển khai dự án công trình cấp nước. Sau khi mãn hạn, em sẽ tiếp tục dự án dang dở này. Em cũng mong sẽ có thể mở lớp dạy nghề, truyền đạt những kiến thức mình thu được cho thanh niên địa phương”. Không rõ trong câu nói đó có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng tôi vẫn mong Tuyền không quay lại con đường phạm tội.