Chuyến viễn du trên "Huyền thoại phương Bắc" vượt eo biển Baltic

ANTD.VN - Chuyến viễn du vòng quanh Stockholm kết thúc tại cảng Silja vào lúc 4h chiều. Theo lịch trình, chúng tôi sang địa phận đất nước Phần Lan không phải bằng máy bay, tàu hỏa hay ô tô mà bằng con đường ngắn nhất nối từ Stockholm tới Helsinki - vượt qua eo biển Baltic bằng tàu thủy.

Một đêm trên Silja Symphony

Tất cả chúng tôi hối hả chuyển hành lý vào phòng chờ. Từng người một được chị Sonja Bertram - một phụ nữ Thụy Điển đã giúp đỡ đoàn Việt Nam trong suốt những ngày ở Stockholm - phát cho vé tàu, phiếu ăn và hướng dẫn. Tôi không tập trung lắng nghe lắm vì còn mải ngắm một con tàu đang đỗ lừng lững trong cảng.

Cái bóng khổng lồ của nó in lên khung trời nhàn nhạt đặc trưng của vùng Scandinavia. “Titanic” - một người nói đùa - “Tàu của chúng ta đây rồi”. Người khác bĩu môi: “Tàu của mình bé bằng cái xuồng cứu hộ treo trên bụng nó ấy”. Rồi vài người chợt nhớ ra kinh nghiệm mỗi lần trải qua những chuyến đi khủng khiếp bằng tàu thủy, liền vội vàng móc vài viên thuốc chống say ra chiêu với nước.

Có người chuẩn bị sẵn vài chai nước trắng để rửa mặt vì chắc chắn việc lấy nước trên tàu là rất khó. Và hầu hết đều không mang theo quần áo ngủ trong hành lý xách tay vì nghĩ rằng cùng lắm là như một đêm trên tàu hỏa, chỗ nằm chật chội ngủ cho qua giấc, thay quần áo làm gì cho phiền phức.

Phải trải qua một đêm trên tàu thủy và lênh đênh giữa một đại dương xa lạ. Thật khủng khiếp! Tôi bày tỏ những lo lắng đó với chị Sonja nhưng chị cười không nói gì rồi hướng dẫn chúng tôi lối lên tàu. “Đã đến lúc tôi phải chia tay với các bạn và đây là con tàu mà các bạn sẽ ở lại đêm nay. Chúc một chuyến đi vui vẻ!”.

Vừa nói chị vừa chìa tay về phía con tàu khổng lồ màu trắng pha xanh mà ban nãy chúng tôi gọi đùa là “Titanic”. Vậy là lần đầu tiên trong đời, tôi đặt chân lên con tàu khổng lồ mới chỉ được chiêm ngưỡng qua màn bạc. 

Silja Symphony, còn được mệnh danh là “Huyền thoại phương Bắc” - một trong những con tàu du lịch 5 sao nổi tiếng nhất thế giới 

Ngay khi bước qua cửa tàu, trước mắt tôi là một “con phố” rất dài và rộng. Trên “phố”, người đi lại tấp nập ra vào các shop đồ hiệu và tiệm cà phê “ven đường”. Các cầu thang máy kính trong hoạt động hết công suất, lên xuống liên tục phục vụ hành khách. Lúc đó tôi không biết rằng mình đang đứng trên một trong những con tàu nổi tiếng nhất thế giới mang tên Silja Symphony, còn được mệnh danh là “Huyền thoại phương Bắc”.

Hãng tàu biển Silja Line (Phần Lan) có 6 mẫu tàu trên tổng số 24 con tàu và con tàu dài nhất là Finnjet (214,96 m) song sức chứa lại kém tàu Silja Serenade và Silja Symphony với 2.852 hành khách. Cả 6 mẫu tàu này đều đạt tiêu chuẩn 5 sao và có thể vận chuyển hành khách vòng quanh khu vực biển Baltic. Hàng năm hãng tàu biển Silja Line vận chuyển tới 5 triệu hành khách và 200.000 ô tô qua lại từ các bến cảng của Thụy Điển, Phần Lan và Estonia.

Con tàu có cái tên rất… âm nhạc, Silja Symphony, dài 203m với 986 cabin và 2.700 giường ngủ. Tàu có 12 tầng. Tầng hầm được coi như một gara khổng lồ có sức chứa 360 chiếc ôtô. (Thường thì khách du lịch mang theo cả ô tô để khi lên đất liền vẫn có thể đi lại thuận tiện). Tầng 6 có nhà ăn, siêu thị, tầng 7 là con phố như tôi đã nói ở trên, tầng 8 là khu vui chơi giải trí, từ tầng 9 đến 11 là khu cabin phòng ngủ và tầng 12 là khu bể bơi, thể thao. Tôi hơi ngượng vì thấy những lo lắng của mình là thừa.

Khi ở trên Siljia Symphony, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng giữa một trung tâm thương mại, giải trí náo nhiệt trên mặt đất như khu Manhattan hay Frankfurt chứ không có vẻ gì là ở trên mặt biển mênh mông sóng nước cả. Ngay cả phòng ngủ cũng không như tôi tưởng tượng lúc đầu, vì nó chẳng khác nào một phòng khách sạn ba sao với đầy đủ phòng tắm riêng, vòi hoa sen nước nóng, bàn phấn trang điểm, điện thoại, tủ đựng quần áo và chăn nệm sạch sẽ, sang trọng.

Thậm chí các phòng VIP còn có thêm cả tivi, tủ lạnh và diện tích rộng hơn nhiều. Điều duy nhất làm ta có cảm giác đang ở trên biển là cửa sổ phòng nhìn ra ngoài biển, có thể ngắm phong cảnh đang di chuyển trước mặt. Mỗi bên cạnh tàu có hai dãy phòng đối diện nhau, một dãy có cửa sổ trông xuống “phố” và dãy kia, đắt tiền hơn, quay mặt ra biển.

“Trái tim” của con tàu Silja Symphony khiến du khách có cảm giác như đang đứng giữa một trung tâm thương mại, giải trí

“Dạo phố” trên con tàu nổi tiếng nhất thế giới

Tôi cũng như toàn bộ 3.000 hành khách trên tàu chẳng dại gì mà đóng cửa đi ngủ sớm. Ai cũng sẵn sàng trải qua một đêm trắng trên tàu. Hành khách mang đủ mọi quốc tịch, từ người Scandinavia tóc trắng, những cô gái Tây Ban Nha da ngăm mặc áo hở rốn, các quý ông Ănglê sang trọng chỉ di chuyển từ phòng ngủ ra phòng họp, lũ trẻ Tây Âu tóc vàng mắt xanh chạy lăng xăng, cho đến các đoàn khách châu Á Hàn Quốc, Nhật Bản… mà phần lớn là các ông bà đứng tuổi đi đâu cũng phải nắm tay nhau. Chúng tôi khẳng định rằng mình là những người Việt Nam duy nhất trên tàu. 

Việc đầu tiên là tôi đáp cầu thang máy lên boong để bao quát cả con tàu và vùng biển đầy những con cá hồi béo nung núc. Đây là khu ngắm cảnh biển với các loại ghế ngắn dài bày sẵn cho du khách nhưng chẳng mấy ai chịu được cái lạnh thấu xương đến từ những cơn gió vùng cận Bắc. Các gia đình có trẻ con thường chui ngay vào khu bể bơi nước nóng ngoài trời có lồng kính mang tên Sunflower Oasis.

Đây là một công viên nước thu nhỏ trên tàu với các đường ống bằng đá, trò chơi trượt nước, trượt ống, vòi phun, sóng ngầm, cây cỏ nhân tạo… rất thú vị. Nhiều dịch vụ đã bao gồm trong giá vé nên hành khách có thể tận dụng thoải mái mà không phải thanh toán thêm, ngoài ra có thể thử tắm hơi theo kiểu truyền thống Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các salon thẩm mỹ kế bên, khách hàng đang tranh thủ cắt tóc và làm đẹp. 

Trên tàu còn có một sòng bạc lớn và một sàn nhảy rộng rãi với trang thiết bị hiện đại nhưng 10 giờ tối mới mở cửa. Các quán cà phê và quầy bar mới thực là nhiều vô kể. Chen giữa không khí giải trí ồn ào của shopping, ăn uống, dancing và không gian trang nghiêm, yên tĩnh trong các phòng họp của thương nhân thì đây chính là địa điểm lãng mạn lý tưởng dành cho các cặp tình nhân trải qua một đêm trắng trên biển.

Nhà văn Di Li

Dưới ánh đèn vàng và nền nhạc dịu dàng, các chàng trai cô gái đủ màu da ngồi im lặng ngắm cảnh vật chầm chậm trôi qua cửa sổ. Có lẽ với họ, 365 đêm trên biển như vậy cũng không phải là nhiều. Sau bữa tối buffet ở phòng ăn tầng 6 là giờ shopping cao điểm trên tàu. Siêu thị miễn thuế chật ních người và hàng, nhưng cũng như ở đất liền, tất cả đều rất đắt đỏ.

Điểm hấp dẫn nhất và cũng là “trái tim” của con tàu là tầng 7. Mái trần ốp kính trổ thẳng lên boong tàu làm lộ khoảng trời xanh nhạt và những dòng người qua lại tấp nập mua sắm càng khẳng định thêm cảm giác ta đang đứng trên một trong những con phố sầm uất nhất châu Âu. Các shop hàng hiệu bày bán đủ thứ mặt hàng đa dạng từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ trang sức cho đến đồ lưu niệm và đồ chơi…

Một dãy “phố” chỉ toàn shop thời trang, còn bên kia là các tiệm cà phê nhỏ và quán ăn nhanh. Bàn ghế cũng bày lấn ra “đường” y như trên vỉa hè Stockholm. Song chỉ với một đêm, hầu như chẳng mấy ai có đủ thời gian và sức khỏe để đi dạo hết “dãy phố” chứ đừng nói khám phá toàn bộ ngóc ngách trên tàu.

Tách khỏi cái ồn ào, náo nhiệt của “khu thương mại” chứa đựng đầy nỗi kinh ngạc, tôi đành nuối tiếc trở về phòng ngủ để lấy sức cho ngày mai. Căn phòng trái ngược hẳn không khí bên ngoài, yên tĩnh và đầy thi vị. Ở Bắc Âu, vào mùa hè mặt trời hầu như không bao giờ lặn.

Cho dù có nửa đêm, cái màu xanh trắng nhàn nhạt của trời và nước vẫn cứ hiện hữu làm nổi rõ phong cảnh bên ngoài. Hàng trăm, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ không rõ thuộc quyền sở hữu của nhà nước Phần Lan hay Thụy Điển chầm chậm trôi qua cửa sổ. Những chiếc xuồng neo cạnh bờ nước, lối mòn nhỏ xíu trổ đầy hoa với ngôi nhà gỗ ngói đỏ thấp thoáng trên những hòn đảo nhỏ xanh um gợi nhớ một miền kí ức phiêu lưu thời thơ ấu.

Sáng sớm hôm sau, loa tàu thông báo đã chuẩn bị đến giờ ăn. Sau bữa sáng, tôi vẫn còn kịp dạo trên boong một lần nữa. Những mái ngói đỏ của người Phần Lan đã mờ mờ hiện ra trước mắt. Đất liền. Từng đàn hải âu trắng kêu lên những âm thanh lạ lùng hòa lẫn tiếng còi tàu đang hú dài báo hiệu chuẩn bị cập bến.