Chuyện về những "chuyên gia" giải cứu động vật đi lạc ở Hàn Quốc

ANTD.VN - Trung tâm cứu hộ động vật Shiloh nằm trên tầng 8 một khu chung cư yên tĩnh, ẩn mình sau những con phố nhộn nhịp ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tại đây, một số con mèo bị chủ bỏ rơi được đưa về chăm sóc. Trong quan niệm của nhiều người dân Hàn Quốc, mèo bị bỏ rơi hay đi lạc là điềm xấu, cần phải tránh xa. 

Hàng trăm nghìn con mèo lạc trên đường phố bị giết chết

Chuyện về những "chuyên gia" giải cứu động vật đi lạc ở Hàn Quốc ảnh 1Anne Marie Powless phải bỏ ra 42 USD mỗi ngày để chăm sóc 26 con mèo bị bỏ rơi

Shiloh là một trung tâm từ thiện, phi lợi nhuận do Anne Marie Powless thành lập và điều hành. Cô là một người gốc Canada đã làm công việc giải cứu mèo ở Hàn Quốc trong 15 năm, hiện đang chăm sóc 26 con mèo, tất cả đều được lượm lặt từ các con phố ở Seoul.

“Ở Hàn Quốc, những con mèo đi lạc thường bị đánh đập và bỏ mặc cho đến chết vì sự kỳ thị của những người lớn tuổi. Tôi đã đưa chúng về Shiloh chăm sóc. Trong số những con mèo ở đây, có trường hợp tàn tật vì bị đánh đập. Tôi đã phải học cách chăm sóc, thậm chí là tự tay tiêm cho chúng. Nhạc cổ điển thực sự giúp chúng bình tĩnh hơn. Mọi thứ đã thay đổi nhưng chậm chạp. Một số người dân Hàn Quốc ghét mèo đường phố. Họ cảm thấy sợ hãi vì quan niệm sai lầm. Đó là sự kỳ thị với vật nuôi”, Powless nói. 

Hiện nay, phần lớn trung tâm cứu hộ mèo đi lạc ở Hàn Quốc do những cá nhân như Anne Marie Powless tự bỏ tiền xây dựng. Điều này có nghĩa là, các tổ chức cứu hộ động vật do các cơ quan chức năng thành lập đều bận rộn với công việc khác. “Trung tâm của tôi chỉ có sức chứa tối đa 26 con mèo trong khi hàng nghìn con mèo khác vẫn đang bị bỏ rơi. Hy vọng, Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm có hành động để giải quyết vấn đề này”, Powless nói. Được biết, chính quyền thành phố Seoul vừa kết thúc chiến dịch kéo dài 30 ngày tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ động vật, trong đó có mèo. Ước tính, đã có 139.000 con mèo đường phố đã bị giết. Ngày 14-5 vừa qua, Seoul đã cho ra mắt diễn đàn trực tuyến, khuyến khích người dân cung cấp ý tưởng để có thể cùng tồn tại và bảo vệ tốt hơn những con mèo đi lạc. Thị trưởng Park Won-Soon cũng đã nêu lên một vài ý tưởng.

“Đó là một hành động thiết thực để nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm của người dân về vấn đề này”, Giáo sư, luật sư Jasper Kim tại trường Đại học Ewha Womans nói. Tháng 3-2018, chính quyền thành phố Seoul đã công bố kế hoạch tăng số lượng các hoạt động cứu hộ khẩn cấp, giúp người nuôi thú cưng gắn thiết bị theo dõi vật nuôi, cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hiểm thú cưng và xây dựng bốn trung tâm bảo vệ động vật quanh thành phố vào năm 2023. Seoul cũng thành lập Phòng bảo vệ động vật đầu tiên của đất nước và khẳng định đây là sự chuẩn bị cho bước nhảy vọt trong chính sách.

Động vật bị bỏ rơi ở Hàn Quốc vẫn không ngừng tăng lên

Trên thế giới, mèo thường được cho là con vật nhiều bí ẩn. Mèo hoặc các nhân vật có liên quan đến mèo thường được xây dựng với vai phản diện, xảo quyệt trong các bộ phim Hollywood. Tương tự như vậy, người Hàn Quốc cho rằng, mèo mang lại điềm xấu, xui xẻo, nhất là mèo lạc trên đường phố.

Mặc dù quan niệm này ít nhiều cũng đã phai nhạt trong xã hội hiện đại nhưng vấn đề mèo bị bỏ rơi trên đường phố vẫn là câu chuyện cần phải bàn luận. Theo các cơ quan chức năng Hàn Quốc, số lượng thú cưng bị bỏ rơi ở nước này tăng cao kỷ lục trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2017, người Hàn Quốc đã bỏ rơi khoảng 102.593 thú cưng, tăng 26% so với năm 2014. Trong khi đó, quyền sở hữu thú cưng đã tăng lên.

“Động vật bị bỏ rơi hàng năm vẫn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, không có tổ chức cứu hộ nào do Chính phủ điều hành hành động ngay lập tức khi bạn gọi cho họ”, ông Jonga Choi, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ động vật Hàn Quốc nói. Một số bác sĩ thú y Hàn Quốc và những người ủng hộ động vật cho biết, thường xuyên nghe về những con mèo đường phố bị đánh đập hoặc giết chết. Giáo sư Hwang Cheol-yong cho hay, một số con mèo mà sinh viên cho ăn trong khuôn viên trường đã được tìm thấy bị đánh đến chết.

Luật bảo vệ động vật của Hàn Quốc ra đời năm 1991 quy định hình phạt nghiêm khắc với những hành vi ngược đãi vật nuôi. Theo đó, những người bị kết tội lạm dụng hoặc bỏ bê động vật có thể bị phạt tới 16.910 USD, thậm chí là phạt tù. Vào năm 2016, một người đàn ông bị kết án 10 tháng tù, 80 giờ phục vụ cộng đồng sau khi luộc 600 con mèo đường phố. Một người đàn ông khác đã đăng đoạn video con chó của mình giết con mèo con đi lạc trên phương tiện truyền thông xã hội để giải trí nhưng chỉ bị phạt 592 USD. “Ở Hàn Quốc, suy nghĩ của người dân về mèo đi lạc trên đường phố đã thay đổi và cải thiện rất nhiều. Hệ thống pháp luật cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước”, ông Jonga Choi nói.