Chuyện về nghĩa sĩ Phan Văn Hòa - Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

(ANTĐ) - Sinh năm 1922 tại làng Bình Phụng, cái ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Phan Văn Hòa là con út trong gia đình có tám người con, sáu trai hai gái. Theo cách gọi của Nam bộ thì Phan Văn Hòa được kêu là Chín Hòa. Chín Hòa lớn lên trong nghèo khó theo cha nuôi lênh đênh trên chiếc xuồng con gặt thuê cấy mướn cho các điền chủ trên các triền của con sông Tiền, sông Hậu…

Kỷ niệm 70 năm Nam Kỳ khởi nghĩa (1940 - 2010)

Chuyện về nghĩa sĩ Phan Văn Hòa - Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

(ANTĐ) - Sinh năm 1922 tại làng Bình Phụng, cái ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Phan Văn Hòa là con út trong gia đình có tám người con, sáu trai hai gái. Theo cách gọi của Nam bộ thì Phan Văn Hòa được kêu là Chín Hòa. Chín Hòa lớn lên trong nghèo khó theo cha nuôi lênh đênh trên chiếc xuồng con gặt thuê cấy mướn cho các điền chủ trên các triền của con sông Tiền, sông Hậu…

Vốn hiếu học, những ngày được đến trường cùng với hiểu biết đầu đời đã cho cậu bé Chín Hòa đủ thắp lên mơ ước tìm đến với tri thức sau này. Nhưng cuộc đời Chín Hòa đã bắt đầu đi theo một hướng rẽ không thể khác: Trong đám tang mẹ, cậu bé đã gặp được người họ hàng bên mẹ đó là ông Hà Văn Út. Câu chuyện của ông Út đã cuốn hút cậu bé họ Phan và từ đó cậu quyết định nói với cha nuôi xin đi làm cách mạng… Mười tám tuổi, chàng thanh niên Phan Văn Hòa tham gia diễn thuyết tuyên truyền cách mạng ở quê hương. Và rồi cái đêm lịch sử 23-11-1040, chính Phan Văn Hòa là một trong những người chỉ huy trẻ tuổi của cuộc dấy binh ở Vĩnh Long. Người dân nơi đây gọi đó là “Đêm Cộng sản nổi dậy” và sau này quen gọi là Nam Kỳ khởi nghĩa…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời luôn là người chân thành, thân thiện
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời luôn là người chân thành, thân thiện

Đêm ấy nghĩa sĩ Phan Văn Hòa dẫn lực lượng hàng trăm người kéo đi lấy đồn Bắc Nước Xoáy. Vũ khí có gì đâu toàn gậy gộc giáo mác mà khí thế xung trận như là đi hội. Đoàn nghĩa sĩ ào ào trên đường cái hàng chục cây số, chặn xe của Chánh tổng bắt rọi đèn qua gọi phà đưa sang sông Măng Thít. Bị bất ngờ cả đồn giặc hoảng loạn, nghĩa binh đuổi bắt cướp vũ khí, cắt liên lạc. Phan Văn Hòa nhảy lên cổng đồn giặc bắc loa tay kêu gọi đồng bào nổi dậy quyết “Đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến địa chủ”. Thắng lợi của trận lấy đồn Bắc Nước Xoáy trở về, Phan Văn Hòa và đồng đội đâu biết rằng đêm ấy, Sài Gòn không “khởi nghĩa”, tại Vĩnh Long cũng thế. Thì ra lệnh từ Trung ương tạm ngừng khởi nghĩa đã không đến được nhiều nơi.

Chính ông Quảng Trọng Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng không hay. Sáng hôm sau 24-11 đã thấy xe giặc từ Vĩnh Long chở theo lính tráng từ Vĩnh Long xuống chạy ầm ầm. Bí thư Hoàng bảo anh em: Không thể đối phó nổi. Anh em tạm thời ai về nhà nấy, rồi tìm cách bắt liên lạc sau” . Đêm hôm sau về làng mới hay những nghĩa sĩ đi đánh đồn đêm trước chỉ có vài người về được. Nhiều người bị bắt bị giết, trong số đó có một người anh trai của Chín Hòa… Đêm ấy cha Chín Hòa là ông Phan Văn Dựa mài cây mác thật bén bảo: Mày cầm theo cây mác. Thằng nào bắt mày đâm cho tao”. Chín Hòa hiểu lòng cha. Và cuộc dấn thân, đời chiến đấu khốc liệt chỉ mới bắt đầu…

Tỉnh ủy đã bắt lại liên lạc. Phan Văn Hòa được đón về Đìa Cháo giữa rừng U Minh. Hai năm sau, từ Rừng U Minh, những người nghĩa sĩ nhận được tin từ Việt Bắc, Đảng đã thành lập Mặt trận Việt minh. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được lưu hành như biểu thị của niềm tin vào chiến thắng của dân tộc. Với lòng yêu kính người mẹ quá cố, sau này khi đổi tên để hoạt động, Chín Hòa đã lấy họ Võ của mẹ với cái tên Võ Văn Kiệt.

Tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, Võ Văn Kiệt ra Việt Bắc tham dự với tư cách là Phó Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu trong đoàn đại biểu Nam bộ. Sau lớp tập huấn tại Hoa Nam, Võ Văn Kiệt trở lại Nam bộ hoạt động. Một kỷ niệm khó quên trong đời ông Võ Văn Kiệt là chuyện những ngày đưa đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genevơ 1954. Đêm ấy trước mặt Ủy ban giám sát và báo chí, ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ cùng Võ Văn kiệt đã lên một chiếc tàu để đến lúc nửa đêm, một chiếc xuồng con đã đón các ông quay lại bờ… Khuya ấy Võ Văn Kiệt đưa ông Lê Duẩn vào một cơ sở để bắt đầu một cuộc trường kỳ giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc…

Khi ông Lê Duẩn được Đảng điều ra Bắc, ông Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Xứ ủy và lúc này ông Võ Văn Kiệt - Sáu Dân từ miền Tây về Sài Gòn  - Gia Định làm Bí thư Khu ủy thay ông Nguyễn Văn Linh. Lăn lộn trên chiến trường mấy chục năm ròng, qua bao nhiêu gian khó ác liệt, Võ Văn Kiệt luôn là một người cán bộ lãnh đạo trung thành tận tụy và đầy sáng tạo. Sau ngày toàn thắng 30-4, ông Võ Văn Kiệt lúc ấy đã 53 tuổi đảm nhận chức vụ cao nhất của chính quyền thành phố Sài Gòn.

Sau này ông được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Thủ tướng Chính phủ. Dù ở cương vị nào ở ông sự cởi mở, chân thành nghĩa hiệp luôn được nể trọng. Ông đã để lại rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời làm lãnh đạo của mình. Nhà báo Lê Phú Khải người từng theo chân Thủ tướng Võ Văn Kiệt những năm lặn lội Đồng Tháp Mười khai hoang làm thủy lợi đã có những bài viết cảm động về ông. Tư duy đổi mới tầm nhìn chiến lược và óc sáng tạo không ngừng đã tạo nên ấn tượng Võ Văn Kiệt mà thời gian không dễ phai mờ. Ai cũng có thể tìm thấy ở Võ Văn Kiệt sự chân thành, thân thiện. Cả cuộc đời ông đã dâng hiến cho cách mạng đến phút chót còn đau đáu chuyện nước chuyện dân…

Với đời riêng, ông đã chịu đựng nỗi đau lớn nhất trong đời: Người vợ trẻ và hai đứa con thơ đã bị giặc giết hại trong một lần bà Trần Kim Anh đưa hai đứa con út đến Củ Chi thăm ông. Nỗi đau ấy ám ảnh mãi, để đến cuối đời mình, ông dành những ngày ít ỏi còn lại để ở bên đứa con gái Võ Hiếu Dân như một lần cuối nhớ thương người vợ đã hy sinh cuộc đời nhung lụa để chấp nhận làm vợ một nhà hoạt động cách mạng như ông…                                 

Tân Linh