Chuyện về một người lính áo trắng

(ANTĐ) - Nằm trên con đường đầy xe cộ và bụi bặm phố Phùng Hưng, quận Hà Đông nhưng Viện Bỏng Quốc gia vẫn giữ được một bộ mặt khang trang, sạch sẽ, thoáng mát hiếm có, đúng như lời nhận xét của Đoàn kiểm tra Bộ Y tế khi đến đây: Viện Bỏng là giấc mơ của Bộ Y tế. Năm nay, bệnh viện còn vinh dự lọt vào 1 trong 10 bệnh viện thân thiện trên 917 bệnh viện của cả nước. Viện cũng đã 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới, bệnh viện xuất sắc của Bộ Y tế năm 2009. Có được những thành tựu to lớn ấy, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của người lãnh đạo, Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Lê Năm - Giám đốc bệnh viện.

Chuyện về một người lính áo trắng

(ANTĐ) - Nằm trên con đường đầy xe cộ và bụi bặm phố Phùng Hưng, quận Hà Đông nhưng Viện Bỏng Quốc gia vẫn giữ được một bộ mặt khang trang, sạch sẽ, thoáng mát hiếm có, đúng như lời nhận xét của Đoàn kiểm tra Bộ Y tế khi đến đây: Viện Bỏng là giấc mơ của Bộ Y tế. Năm nay, bệnh viện còn vinh dự lọt vào 1 trong 10 bệnh viện thân thiện trên 917 bệnh viện của cả nước. Viện cũng đã 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới, bệnh viện xuất sắc của Bộ Y tế năm 2009. Có được những thành tựu to lớn ấy, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của người lãnh đạo, Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Lê Năm - Giám đốc bệnh viện.

Giáo sư Lê Năm trực tiếp khám cho một bệnh nhân bỏng nặng
Giáo sư Lê Năm trực tiếp khám cho một bệnh nhân bỏng nặng

“Người lính áo trắng”, câu nói ấy thật chính xác khi nói về GS.TS Lê Năm. Bất kỳ ai khi tiếp xúc đều nhận thấy ở ông vừa toát lên tính kỷ luật, nghiêm minh, bình dị, gần gũi, sẵn sàng xả thân của người lính, vừa toát lên sự tận tụy, ham học hỏi và tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc. Ở tuổi gần 60, ngày nào ông cũng trực tiếp tham gia mổ những ca bệnh nặng, buổi chiều luôn về muộn hơn đồng nghiệp để xuống thăm bệnh nhân, nhiều đêm thức trắng cùng các y bác sĩ túc trực bên người bệnh.

Khi chúng tôi cùng ông xuống thăm các bệnh nhân nặng, ông còn hướng dẫn tỉ mỉ gia đình cách chăm sóc, ăn uống và động viên tinh thần người bệnh. Ông bảo: Bệnh nhân bỏng có đến 80% nghèo và ở tỉnh xa, đa số đều trong tình trạng nặng. Nhiều người sợ có hình dạng xấu xí sau khi bỏng nên rất bi quan. Vì vậy, điều trị cho bệnh nhân khỏi về thể xác mới thành công 60%, còn 40% nữa là vấn đề tinh thần.

Với hơn 30 năm trong nghề, 10 năm giữ cương vị giám đốc, GS Lê Năm đã lập nên nhiều kỳ tích. Đến bây giờ, mọi người vẫn còn nhắc đến trường hợp cháu Nguyễn Văn Dương, 15 tuổi ở Nghệ An do trèo cây bắt chim rơi xuống nằm vắt qua đường điện cao thế, dẫn đến chập điện cháy hết 5 xương sườn, cháy đen da thịt vùng mông, lưng đến tận xương sống.

Khi đến bệnh viện cháu trong tình trạng hôn mê, bốc mùi hôi thối, các bác sĩ chẩn đoán cháu khó qua khỏi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên một mực xin về. Nhưng với GS Lê Năm, nếu cho cháu về đơn giản quá, nhưng muôn đời sẽ chỉ dừng lại ở đây, không cứu được những ca nặng hơn. Ông liền triệu tập hội nghị giao ban, phân tích cho mọi người hiểu để cùng tập trung cứu bằng được cháu bé. Nghĩ là làm, ông tiên phong mổ cho cháu, vừa hồi sức vừa điều trị thải độc, vừa phẫu thuật, qua 13 lần mổ, Dương đã trở lại bình thường.

Một trường hợp khác là năm 2007, bệnh nhân Nguyễn Văn Huy, Quảng Ninh bị bỏng toàn thân 90% do hàn thùng phuy xăng, bắt lửa cháy cả người. Từ xưa đến nay, những ca như vậy rất khó cứu được, trên thế giới cũng chỉ tính trên đầu ngón tay. Tuy nhiên với lòng quyết tâm cứu người bệnh, GS Lê Năm đã ghi vào lịch sử ngành bỏng. Sau kết quả thành công ngoài mong đợi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm, phong danh hiệu Anh hùng lao động cho Viện Bỏng. Cùng với đó là hàng loạt những chiến công khác: một phụ nữ ung thư vú, sau khi chiếu xa bị bỏng ngực, tim lòi ra ngoài lồng ngực, một anh thanh niên chiếu xạ mũi bị hoại tử cả mặt, một cháu bé mang trên mình khối u 4kg nhưng qua bàn tay của GS. TS Lê Năm, tất cả đều có tương lai tươi sáng hơn.

Mặc dù được thành lập 19 năm nhưng Viện Bỏng mới thực sự được phát triển và biết đến trong 10 năm trở lại đây với những bước đi táo bạo. Hiện nay, tại đây những ca bỏng nặng 90% diện tích và 80% độ sâu đều được chữa khỏi, giảm tỉ lệ tử vong từ 10-11% trước đây xuống còn trên dưới 1% (với những ca cố tình chết, tự thiêu...). Có được con số đó là nhờ sự nỗ lực hết mình của  250 y bác sĩ tại đây nói chung và GS Lê Năm nói riêng.

***

Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó Can Lộc, Hà Tĩnh, ông vất vả hơn các bạn cùng trang lứa. Nhớ lại thời thơ ấu, GS Lê  Năm chậm rãi: “Bố từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bị tù đày, tra tấn nên ốm đau liên miên. Một mình mẹ bươn chải cũng sinh bệnh tật mà mù lòa. Nhà chỉ có mình tôi là con trai, trên 3 chị gái. Trong đời tôi, điều tôi hối tiếc nhất là chưa giúp gì được thì bố mẹ đã qua đời”. Tuy vất vả nhưng ngày ấy ông lại nổi tiếng là một học trò ngoan, học giỏi. Năm 1970, ông bước chân vào ĐH Thương mại. Trong thời gian này, chiến tranh đang diễn ra rất khốc liệt cả hai miền Nam Bắc, nhiều người đi không trở về.

Năm 1972, đang học năm thứ hai, theo tiếng gọi của Tổ quốc, mặc dù là con một, được hưởng ưu tiên nhưng ông vẫn “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, đăng ký vào chiến trường. Vào bộ đội, chỉ sau 11 tháng, ông đã trở thành người đầu tiên trong tiểu đoàn được kết nạp Đảng. Nhận đủ tư trang, ông thành biên chế của Sư đoàn 308, chuẩn bị lên đường vào Quảng Trị thì Hiệp định Paris được ký kết, quân đội chuyển sang huấn luyện, củng cố lực lượng. Ông được cấp trên chỉ định cho đi học Học viện Quân y. Lúc bấy giờ, nguyện vọng của ông mới được thực hiện nên hơn bao giờ hết, ông quyết tâm học bằng được để trở thành bác sĩ giỏi.

Sau 6 năm theo học 1973-1979, ra trường, GS Lê Năm về công tác tại một bệnh viện dã chiến của Quân khu 4 ở TP Vinh.  Lúc bấy giờ ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại. Công tác tại đây 3 năm, ông được Quân khu cử đi học nghiên cứu sinh để tạo nguồn lãnh đạo sau này. Đây cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời, là lúc số phận ông bắt đầu gắn bó với chuyên ngành bỏng. Vào thời điểm đó, so với các chuyên ngành khác của hệ thống y học nước ta, chuyên ngành bỏng vẫn ở một vị trí khiêm tốn. Khoa Bỏng, Viện Quân y 103 đã hoàn thành sứ mệnh chính trị trọng đại, điều trị cho hàng nghìn thương bệnh binh và nhân dân bị bỏng do bom đạn gây ra.

Chuyên ngành bỏng cần phải tiếp tục phát triển trong thời bình phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính GS Lê Thế Trung, lúc bấy giờ là Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm khoa Bỏng đã truyền cho ông ngọn lửa đam mê, hướng ông đi theo chuyên ngành bỏng. Đến với chuyên ngành bỏng lúc đó, ông như người lính chấp hành mệnh lệnh sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, đồng thời là sự trăn trở, khát khao được hiểu về kỹ thuật chữa bỏng tiên tiến. 3 năm học tập, nghiên cứu, làm việc tại khoa Bỏng, ông dần trưởng thành.

Năm 1987, GS Lê  Năm được sang thực tập tại một bệnh viện ở thành phố Kiep, Ucraina. Nhờ kỹ thuật thực hành mổ tốt, ông đã được các giáo sư Liên Xô cho phép bảo vệ luận án tiến sĩ ngay trong thời gian làm thực tập sinh. Năm 1990, trở về nước, đúng lúc đó, Viện Bỏng Quốc gia được thành lập, tiền thân là khoa Bỏng Bệnh viện 103. Ông được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm khoa Bỏng. Nhờ những nỗ lực hết mình, năm 2000, GS Lê Năm đã được giao trọng trách Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông luôn trăn trở làm thế nào để phát triển Viện Bỏng không những mang tầm quốc gia mà còn vươn ra thế giới. Tuy nhiên bản thân ông lúc đó vẫn chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng Viện Bỏng là viện quân dân y kết hợp, nếu biết tận dụng sẽ rất mạnh vì cả hai bên đều đầu tư vào.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đã đưa phương án: Tổ chức cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của viện đến các bệnh viện đứng đầu cả nước để học hỏi kinh nghiệm như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, 103... Ngay sau đó, ông tổ chức cuộc họp “Diên Hồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế đứng ra chủ trì và Cục Quân y để bàn đầu tư và phát triển Viện Bỏng như thế nào để đáp ứng yêu cầu của nhân dân cũng như mọi tình hình có thể xảy ra.

Về tổ chức biên chế, Bộ Y tế giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm, Bộ Y tế đầu tư xây dựng, phát triển. Còn ông, trong những lo lắng làm thế nào để phát triển ngành bỏng, ông đã quyết định lên đường đến các trung tâm bỏng của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời xem chỗ nào có thể gửi anh em đi học được với suy nghĩ tận dụng mọi kiến thức khoa học. Sau những chuyến đi đầy khát vọng đó, từ năm 2002, hàng loạt các kỹ thuật mới đã được triển khai tại bệnh viện như kỹ thuật siêu lọc máu, kỹ thuật ghép da mắt lưới với độ giãn lớn, kỹ thuật giãn vạt da, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ...

Nhiều bệnh nhân bỏng sâu, diện rộng đã được cứu sống một cách kỳ diệu nhờ những kỹ thuật tiên tiến này. Tiếng lành đồn xa, Viện Bỏng không chỉ có uy tín trong nước mà còn được thế giới biết tới. Mới đây, tại Hội thảo về Bỏng và phẫu thuật tạo hình trong nước, nhiều nhân vật nổi tiếng ngành bỏng thế giới đều đến và “tá túc” luôn tại Viện Bỏng Quốc gia như Chủ tịch Hội Bỏng thế giới, Chủ tịch Hội Bỏng châu Âu, châu Á, châu Úc và luôn đặt ra câu hỏi tại sao chỉ trong một thời gian ngắn viện lại phát triển vượt bậc như thế.

Với tất cả những thành công của tập thể y bác sĩ bệnh viện cùng tâm huyết của người chèo lái, Viện Bỏng Quốc gia nhận được sự tin tưởng tuyệt đối  và sự đầu tư của cả Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Đó là lý do vì sao bệnh viện hôm nay có một cơ sở vật chất khang trang hiếm có, các phòng bệnh đều đạt tiêu chuẩn hiện đại nhất.

***

Bây giờ, dù đã là Thiếu tướng, 10 năm giữ cương vị Giám đốc nhưng hàng ngày GS.TS Lê Năm vẫn tự đi xe máy đến viện, ăn cơm nhà bếp. Gia đình ông cũng giản dị, yên bình với một người vợ hiền, đảm đang cùng những đứa con thành đạt. Ông bảo: “Tôi may mắn có một hậu phương tuyệt vời, một người vợ hết lòng vì chồng con. Quan nhất thời, dân vạn đại. Tôi cũng chỉ là một hạt lúa nhưng được gieo đúng chỗ. Trong thời gian làm quản lý, tôi muốn cố gắng hết sức mình giúp cho bệnh viện, được cái gì hay cái đó, để sau này không có gì ân hận, hối tiếc.

10 năm nay tôi không biết đến ngày nghỉ, chưa bao giờ nghỉ phép. Giỏi hay không thì không biết nhưng tâm huyết với ngành bỏng, bệnh nhân thì tôi có”. Có lẽ chính vì vậy mà PGS.TS Đỗ Tất Cường, PGĐ Viện 103 nhận xét: Anh ấy có cái tâm và tầm nhìn. Còn tập thể y bác sĩ tại bệnh viện thì nói: Viện Bỏng chúng tôi tự hào có GS.TS Lê Năm. Có thể nói, ông thực sự là tấm gương, là người lính áo trắng mang mùa xuân đến làm hồi sinh Viện Bỏng Quốc gia.

Khánh Huyền