Chuyện về "Đội xe ôm cấp cứu"

ANTĐ - Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải làm nghề “xe ôm” để mưu sinh nhưng gần 2 năm qua hễ nơi nào trên địa bàn có tai nạn là lập tức có mặt các thành viên của “Đội xe ôm cấp cứu” thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Họ tất tả đưa người gặp nạn đi cấp cứu, bất kể ngày hay đêm mà không cần trả công.

Chuyện về "Đội xe ôm cấp cứu"  ảnh 1

Hết lòng giúp đỡ người bị nạn

Ngã tư Hà Lam được xem là điểm giao thương khá sôi động của huyện Thăng Bình và các huyện lân cận như Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là nơi tập trung rất nhiều người lái “xe ôm” đưa đón hành khách thập phương. Nơi đây còn là “điểm nóng” của các vụ tai nạn giao thông và là nơi tụ tập của các loại tội phạm trộm cắp, ma túy, gây mất trật tự công cộng. Chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường, chờ xe cứu thương thì quá lâu rất nguy hiểm đến tính mạng, không chút đắn đo, anh em “xe ôm” tự quản thị trấn Hà Lam tự nguyện chở người gặp nạn đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất. Để công việc nhân đạo này được tiến hành rộng khắp, tháng 6-2014, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Hà Lam đã triển khai mô hình “Đội xe ôm cấp cứu” nhằm kịp thời đưa người bị nạn đến những trung tâm y tế để đảm bảo an toàn tính mạng.

“Đội xe ôm cấp cứu” gồm 34 thành viên là những người hành nghề “xe ôm” trên địa bàn thị trấn và các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Quý, người làm nghề “xe ôm” lâu năm có mà mới ra nghề cũng có. “Đội xe ôm cấp cứu” được chia làm hai tổ, mỗi tổ phân thành nhiều nhóm nhỏ đứng chốt ở 4 đầu ngã tư thị trấn Hà Lam. Bất kể lễ, Tết, ngày nghỉ, ngày hay đêm các thành viên trong đội theo sự phân công hoạt động vẫn bám chốt, vừa hành nghề “xe ôm”, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa kiêm nhiệm vụ đưa nạn nhân đi cấp cứu khi có tai nạn giao thông. Chính vì luôn túc trực trên tuyến đường này cả ngày lẫn đêm nên họ giống “lực lượng phản ứng nhanh” mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra, với tinh thần cứu người là trên hết. Giờ đây, “Đội xe ôm cấp cứu” đã trở thành niềm tin cậy của người tham gia giao thông trên địa bàn.

Mặc dù cuộc sống của các thành viên trong “Đội xe ôm cấp cứu” còn nhiều khó khó khăn, hằng ngày họ vẫn phải vật lộn với miếng cơm manh áo, nhưng khi có người gặp nạn họ sẵn sàng gác lại mọi việc để giúp đỡ mà không mong ngày được trả ơn. 

Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại, ông Nguyễn Văn Hóa, thành viên đội kể: “Những ngày đầu khi đội vừa thành lập, tai nạn thường xuyên xảy ra nên chúng tôi chở người bị nạn đi cấp cứu liên tục. Trong đó, đáng nói nhất là trường hợp một người bị ngã dập mặt, không cử động được nên các thành viên trong đội phải chia ra người thì cầm lái chở, người thì ngồi sau giữ nạn nhân, những thành viên còn lại thì đem xe đi sửa giúp. Sau này, người nhà nạn nhân tìm đến cảm ơn, trả tiền công nhưng chúng tôi nhất quyết không lấy mà bảo họ đem về lo thuốc thang cho nạn nhân. Thấy họ quý trọng và nhớ đến công lao của mình là chúng tôi vui rồi chứ không mong chờ được đáp trả gì hết”. 

Giúp người là để tích đức cho mình

Bằng sự nhiệt tình, giàu lòng nhân ái, hơn một năm qua, đội “xe ôm” đã can thiệp, giúp đỡ kịp thời hàng trăm vụ tai nạn lớn nhỏ nhưng chưa bao giờ họ nhận một đồng tiền công, quà cáp từ những người được cứu giúp. Anh Lê Văn Xuân, thành viên của đội nhớ lại, cách đây chừng 5 tháng, có hai chị em chạy xe máy qua thị trấn Hà Lam hướng vào Tam Kỳ thì bị va chạm xe nằm bất tỉnh. Lúc đó đã hơn 23h đêm, ít người qua lại. Anh Xuân và hai người nữa trong đội lập tức đưa nạn nhân đến Bệnh viện huyện Thăng Bình cấp cứu kịp thời. Ba hôm sau đó, mẹ của hai chị em tìm đến nhà anh biếu 3 triệu đồng để cảm ơn nhưng anh từ chối. “Việc của chúng tôi đang làm không có lương tháng, nhưng lương tâm thì luôn sẵn sàng. Anh em thống nhất với nhau giúp dân bằng tấm lòng, không ai được lợi dụng để trục lợi. Nếu bị phát hiện vi phạm, lập tức sẽ bị loại khỏi nhóm”, anh Xuân cho biết.

Tham gia đội hoàn toàn tự nguyện, mỗi tháng các thành viên tự bỏ tiền túi 30.000 đồng làm quỹ để thăm hỏi người bị nạn, động viên các anh em trong nhóm lúc gặp khó khăn. Đúng là dù hạn hẹp kinh phí nhưng các thành viên rất giàu lòng nhân ái và nhiệt tình với việc tham gia cứu giúp người gặp nạn. “Có khi đang ngủ ngon giấc, nhận được điện thoại vừa có tai nạn xảy ra là bật dậy đi liền, không kể sớm khuya, lạnh rét gì hết. Nhiều lúc có người đau ốm dọc đường mà không có thân nhân thì chúng tôi sẵn sàng đưa họ đi bệnh viện mà không tiền nong gì cả. Mọi người luôn tâm niệm rằng mình giúp người khác sau này sẽ có lúc mình hoặc con cháu mình sẽ được người khác giúp lại”, một thành viên khác trong “Đội xe ôm cấp cứu” tâm sự.

Không chỉ đưa người đi cấp cứu kịp thời khi có tai nạn xảy ra, “Đội xe ôm cấp cứu” còn giúp đỡ miễn phí những người già và trẻ em không có điều kiện đón xe ôm về tận nhà, chỉ đường tận tình cho những khách phương xa. “Do điều kiện làm việc luôn phải đứng chốt ở các điểm ngã tư từ sáng sớm đến đêm khuya nên chúng tôi có thể phát hiện kịp thời những vụ tai nạn để đưa người bị thương đi cấp cứu. Chúng tôi rất vui vì công việc của mình có thể giúp ích được phần nào cho những người gặp rủi ro và những người có hoàn cảnh khó khăn khi lưu thông qua địa bàn hoạt động của chúng tôi” - ông Lê Văn Xuân, đội viên “Đội xe ôm cấp cứu” chia sẻ. 

Đáng mừng là qua những lần sơ cứu cho người gặp nạn, đến nay các thành viên trong đội không chỉ thực hiện thành thục các bước sơ cứu ban đầu mà còn làm tốt quy trình bảo vệ hiện trường, tài sản cá nhân của người bị nạn. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, những thành viên cùng nhau trao đổi, học hỏi thêm nhiều kỹ năng sơ cấp, cứu, trấn áp cướp giật… để người gặp nạn yên tâm khi được giúp đỡ.

Hằng ngày, những bánh xe của các thành viên trong “Đội xe ôm cấp cứu” vẫn lăn đều trên các nẻo đường để mưu sinh. Hầu hết các thành viên trong đội xe ôm cấp cứu đều là những người khó khăn, nhưng họ không ngần ngại lao vào chỗ hiểm nguy giúp dân, thậm chí còn chung tay trích tiền túi để lo cho người bị nạn. Từ khi có đội “xe ôm” vận chuyển cấp cứu, tình trạng trộm cắp trên địa bàn giảm rõ rệt. 

Thật đáng trân trọng khi anh em tham gia “Đội xe ôm cấp cứu” thị trấn Hà Lam luôn quán triệt kỹ tinh thần, chở người cấp cứu là công việc nhân đạo, từ thiện nên không ai được đòi hỏi tiền công và làm việc với tinh thần tự nguyện, hăng say. “Thấy người bị tai nạn, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tìm cách cứu họ. Giúp người là cũng để tích đức cho mình” - ông Nguyễn Văn Minh, đội trưởng Đội xe ôm cấp cứu” chia sẻ.