Chuyện về chiếc diều khổng lồ
(ANTĐ) - Thú chơi diều sáo ở làng Đình Cúc (Lai Sơn), xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có từ hàng trăm năm nay nhưng đã dần mai một theo thời gian. Chỉ đến khi ông Nguyễn Xuân Năm, thợ máy bay A76 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam mày mò khôi phục lại và thành lập CLB chơi diều thì diều sáo làng Đình Cúc bắt đầu có “thương hiệu”.
Chuyện ở “làng chờ... gió”
Chúng tôi về làng Đình Cúc vào một ngày đầu thu nắng đẹp. Ông Đặng Kim Đức, năm nay đã ở cái tuổi thất thập, thành viên của CLB diều sáo Đình Cúc hồ hởi: “Thú chơi diều sáo của làng có từ đời cha ông chúng tôi rồi. Cả làng bây giờ cũng có đến hơn 70 cái diều sáo “có sao, có gạch”.
Những buổi chiều trời trong, gió tốt cả xã Bắc Sơn ngập tràn trong tiếng sáo diều”. ở Đình Cúc, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều mê diều sáo. Mỗi khi chiều về không có tiếng sáo diều vi vút, người trong làng đều cảm thấy như thiếu vắng một điều gì đó từ sâu thẳm tâm hồn.
Ở Lai Sơn từ người chơi diều đến người mê diều ai cũng tỏ tường truyền thuyết về tiếng sáo diều réo rắt giữa không gian thôn quê những buổi trời trong hiu hiu gió.
Đó là chuyện về hai mẹ con người hành khất trong một đêm mưa đói rét không chỗ trú chân, nhìn thấy cánh diều lớn giữa đồng không mông quạnh liền vào tìm chỗ ngủ trong hai ống sáo.
Sáng ra, người con tỉnh dậy thấy mẹ đã mất, cứ ôm lấy ống sáo diều mà gọi: “U ơi, u ơi...”. Rồi người con cũng ngã xuống. Từ đó, tiếng diều cứ “u ơi, u ơi” trên cao xanh, nhất là tháng ba âm lịch thôn quê mở hội thi diều.
Bậc cao niên làng Đình Cúc cho rằng, chơi diều sáo gắn với quan niệm là người cõi âm rất mê tiếng sáo nên ở đâu có tiếng sáo diều ở đó thanh bình, tiếng diều làm trẻ con vui vẻ, hay ăn chóng lớn.
Ông Trần Quốc Bình một trong những thành viên sáng lập CLB tâm sự: “Ban ngày người lớn đều đi làm, trẻ con thì đi học cho nên việc thả diều chỉ được tiến hành vào buổi chiều hoặc các ngày nghỉ trong tuần. Như tôi đây hôm nào đi làm về muộn mà ngoài bãi trời đầy gió là thằng cháu ngoại điện thoại gọi ngay về”...
Chơi diều phụ thuộc vào gió trời, muốn thả diều mà trời không cho gió thì cũng đành... chịu. Chính vì thế làng diều Đình Cúc còn được những người mê diều “ưu ái” gọi bằng cái tên “Làng chờ gió”...
Thú chơi lắm công phu
Kể từ khi ý tưởng làm chiếc diều sáo khổng lồ để mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hình thành, ông Năm và các thành viên CLB đã cùng nhau mày mò tìm kiếm nguyên vật liệu. Xác định chiếc diều có kích thước lớn, để bay được thì vật liệu làm diều phải siêu nhẹ.
Khó nhất là chọn tre làm khung diều bởi không phải tre nào cũng dùng làm diều được. Ông Năm cùng các “cộng sự” phải lặn lội về tận rừng tre Văn Luông của tỉnh Phú Thọ mới chọn được 6 cây tre đực, có kích thước và độ vút cong đều.
Đây là những cây tre đảm bảo được các yếu tố: nhẹ, đốt ngắn, đều mắt, có độ bền cao để đảm bảo sự cân bằng trọng lượng cho diều. Bằng kỹ thuật nối ống tuýp ông Năm đã nối gốc hai thân tre đực với nhau tạo được khung diều dài 8,7m.
Cánh diều được tạo bằng nilon nhập khẩu từ Nhật, bởi đây là loại vật liệu siêu nhẹ và có độ bền cao, thay thế được nguyên liệu giấy bản truyền thống, giúp giảm tối đa trọng lượng và bắt gió tốt. Theo ông Năm, dù là “diều khổng lồ” nhưng chỉ cần gió cấp 3 là diều đã có thể cất cánh với xác suất thành công đến 99%.
Công phu nhất phải kể bộ sáo diều. Sáo là linh hồn của diều nên người làm sáo ngoài đôi tay tài hoa cũng phải có tâm hồn nghệ sỹ. Để có tiếng sáo đều, rõ ràng trong, đục người nghệ nhân phải tìm chất liệu rễ gỗ mít, vàng tâm hay mỏ mực để làm miệng sáo.
Thân sáo phải được chọn từ loại tre chết dóc (tre chết già nổi gốc) mới nhẹ, bền và không nứt. Miệng sáo được khoét hình hàm én để cho tiếng sáo kêu đặc biệt.
Tất cả được cho vào nồi luộc 2 ngày 2 đêm với nước muối, như luộc bánh chưng Tết, để sáo luôn giữ được độ ẩm, tiếng sáo ổn định trong mọi thời tiết và chống mối mọt. Ông Năm đã công phu ghép 64 mảnh ghép lại rồi mài nhẵn, sơn trang trí, tạo thành ống sáo cái (của bộ 3 sáo) độc nhất vô nhị có đường kính 20cm, chiều dài 1,5m.
Các thành viên của CLB cho hay, mặc dù chiếc diều mơ ước đã hình thành, mọi yếu tố để con diều có thể bay đã được tính toán kỹ. “Muôn việc đủ cả chỉ thiếu gió Đông”.
Với cánh đại dài gần 9m cần ít nhất 10 người giữ dây và 5 người tung diều. Hiện các thành viên trong CLB đều đã ở bậc cao niên cho nên mọi người đã tính đến việc nhờ các anh lính trẻ khỏe của Trung đoàn 165 đang đóng trên địa bàn trợ giúp.
Ông Năm và các chủ nhân của chiếc diều kỷ lục đều có chung ý nguyện, sau khi tham gia lễ hội diều tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ đem chiếc diều tặng lại cho Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội để thế hệ trẻ khi đến thăm nơi đây sẽ được tận mắt chứng kiến và hiểu thêm về một thú chơi tao nhã, một nét văn hóa độc đáo của nông thôn Việt Nam.
Hiền Thu