Chuyển từ "đô" sang "đồng"

ANTĐ - Sau gần 1 năm giữ mức lãi suất tiền gửi USD, động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có ý kiến cho rằng, đây có thể là sự thăm dò để có bước đi quyết liệt hơn về lâu dài, nhằm thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng đô la hóa nền kinh tế và nâng sức mạnh cho đồng nội tệ. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây là lộ trình đã được tính toán từ nhiều năm trước.

Nhiều chuyên gia nhận định, cắt giảm lãi suất USD là bước đi cần thiết và quyết liệt nhằm ổn định tỷ giá, chống đô la hóa và tăng tính hấp dẫn của VND. Sau khi cắt giảm, khoảng cách chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VND và USD sẽ lớn hơn. Cùng với chỉ số lạm phát 9 tháng năm nay tăng 0,4% so với cuối năm 2014 và cam kết giữ ổn định tỷ giá trong thời gian tới, rõ ràng, người gửi tiền đồng sẽ có lợi hơn rất nhiều so với gửi bằng USD.

Với doanh nghiệp, lãi suất USD về 0% có tác dụng ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ. “Điểm rơi” của quyết định này phù hợp với quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đặc biệt, khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ và đưa nó vào rổ tiền tệ thế giới, nếu không nâng cao vị thế và sức mạnh của VND, rất có thể VND sẽ rơi vào vòng xoáy mất giá như nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.

Ngân hàng Nhà nước có lý do không “mặn mà” với vốn ngoại tệ vì dùng vốn này như “con dao hai lưỡi”. Dù huy động được nguồn vốn lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay đầu tư thiết bị có được nguồn vốn rẻ, song cái hại đáng sợ là tình trạng đô la hóa vốn huy động của ngân hàng, kéo theo nhiều hệ lụy, gây ra những “cơn sốt” về tỷ giá. Vì vậy, nếu giữ chắc mức lãi suất này, cộng với ổn định được tỷ giá, đến một lúc nào đó, người dân và doanh nghiệp sẽ “tự giác” từ bỏ thói quen “ôm giữ” USD.

Trước lo ngại về tình trạng rút USD ra khỏi hệ thống, gây mất thanh khoản, tạo sức ép lên tỷ giá, đại diện một số ngân hàng lớn nhấn mạnh “không đáng ngại”. Bởi khi tâm lý găm giữ USD không còn, dòng USD đang tích trữ trong ngân hàng sẽ được khơi thông chuyển sang nguồn cung thương mại bán lại cho các ngân hàng.

Cùng với đó, nguồn vốn ngoại tệ trong các doanh nghiệp sẽ luân chuyển nhanh hơn, bởi họ sẽ phải tính toán để chuyển từ “đô” sang “đồng”, rút ngoại tệ bán lại cho ngân hàng. Khi đó, nguồn tiền sẽ không chảy ra khỏi hệ thống mà đổ thẳng vào sản xuất, kinh doanh. Vì thế, chuyển từ “đô” sang “đồng” không thể gây sốt, mà chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế.