Chuyện tình "đôi đũa lệch" bên dòng Nậm Giải

ANTD.VN - Là cô giáo cắm bản nhiều năm liền, đến tuổi nghỉ hưu, bà chọn góc quán nhỏ làm kế mưu sinh. Một thân một mình giữa đại ngàn, những tưởng bà phải sống như vậy đến cuối đời. Nhưng rồi, tình yêu của chàng trai kém 20 tuổi đã đưa cuộc đời bà bước sang trang mới. Họ đã cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc bên dòng sông Nậm Giải.

Chuyện tình "đôi đũa lệch" bên dòng Nậm Giải ảnh 1

Bà Tâm, ông Thoại chia sẻ về chuyện tình cảm của mình

Chuyện tình chênh lệch 20 tuổi của cô giáo về hưu

Người phụ nữ được biết đến với chuyện tình đẹp như chuyện cổ tích này là cô giáo Lô Thị Tâm (SN 1951) trú ở bản Cọ, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Trong căn nhà nhỏ, bà Tâm đang sống những ngày hạnh phúc bên người chồng kém tuổi và đứa con gái của mình.

Ngày còn trẻ, bà Tâm được bố mẹ cho đi học, khi học hết lớp 7, bà được vận động đi học tiếp chương trình. “Học hết lớp 7, tôi được vận động đi học tiếp lớp 7+2 ở trường trung cấp sư phạm Tân Kỳ (đóng ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Năm 1973, tôi tốt nghiệp ra trường rồi được điều về làm giáo viên cắm bản ở huyện Quế Phong”, bà Tâm cho biết.

Từ đó, cô giáo Tâm bắt đầu hành trình làm giáo viên cắm bản của mình. Tuổi trẻ, năng động, nhiệt huyết, cô Tâm hết làm giáo viên cắm bản ở Nậm Nhoong đến Châu Thôn rồi về Châu Kim. Nghề nghiệp ổn định, cô Tâm được khá nhiều trai bản để ý.

Thế nhưng, người con gái này không vội lấy chồng, chỉ nghĩ cống hiến cho ngành giáo dục thêm vài năm nữa rồi tính. Nhoáng cái, cô Tâm đã 30 tuổi và được xếp vào gái “ế” trong bản. Dù vậy, cô Tâm vẫn ngày ngày đến lớp và khước từ những lời hỏi cưới của trai bản trong vùng.

Bà Tâm chia sẻ: “Tôi cũng không hiểu vì sao nữa, cũng nhiều người đến hỏi cưới nhưng tôi không có tình cảm với ai cả nên từ chối. Đến năm 35 tuổi, cũng có người ở Quỳ Châu lên hỏi tôi làm vợ, lúc đó tôi chần chừ nửa muốn nhận lời nhưng về sau tôi sợ về xuôi cuộc sống không như ý nên cũng thôi luôn”.

Cũng thời gian đó, bà Tâm quyết định không lấy chồng mà ở vậy đi dạy, tích góp tiền để dựng cho riêng mình một căn nhà để ở khi về già. Năm 1994, cô giáo Tâm lúc này đã bước sang 43 tuổi xin về nghỉ hưu. Hàng ngày, bà Tâm mở quán tạp hóa nhỏ cạnh đường 7 bán hàng kiếm kế sinh nhai.

Là người vui tính nên quán của bà luôn đông khách. Và cũng ở quán nhỏ đó, bà Tâm gặp người đàn ông ít hơn mình 20 tuổi có tên Vi Văn Thoại (SN 1971). Suốt 4 năm sau đó, bà Tâm ngày ngày mở quán bán hàng cho mọi người. Khi đó, anh Thoại đã 27 tuổi, thường qua lại quán của bà Tâm chơi. Và cũng không ai biết từ khi nào, chàng trai này lại nảy sinh tình cảm với bà Tâm.

Đến một ngày, Thoại xuất hiện và thẳng thắn đề nghị: “Có ưng lấy ta không?”. Bất ngờ trước lời tỏ tình có một không hai nhưng cảm nhận được tình cảm của Thoại, bà Tâm đồng ý. “Tôi cũng không biết được vì sao nữa nhưng mình ưng thì mình lấy thôi”, anh Thoại nhớ lại. Không lâu sau đó, một đám cưới tưng bừng được tổ chức, mọi người trong bản bất ngờ vì chuyện tình “độc nhất vô nhị”.

Chuyện tình "đôi đũa lệch" bên dòng Nậm Giải ảnh 2

Suốt 19 năm nay, ông Thoại vừa lòng với cuộc sống bên người vợ lớn hơn 20 tuổi

Cái kết có hậu

Từ ngày cưới nhau, bà Tâm chuyển về sống cùng người chồng trẻ tuổi. Trong căn nhà nhỏ giữa bản, cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới là trung tâm để ý của mọi người. Họ để ý xem vợ chồng bà Tâm sống thế nào bởi không ai tin hai con người ở hai thế hệ lại trở thành vợ chồng như vậy.

Trái với sự ngạc nhiên của mọi người, bà Tâm và ông Thoại rất tình cảm. “Ngày tôi nói sẽ lấy chồng mà lại là người ít hơn 20 tuổi, người thân của tôi ai cũng phản đối. Họ sợ chúng tôi sống không hạnh phúc, có người còn khuyên trẻ không lấy thì già ở vậy cho đỡ mệt. Về sau, trước sự kiên quyết của tôi mọi người cũng xuôi dần. Hôm cưới, cả bản tập trung vì họ muốn xem đám cưới của chúng tôi như thế nào”, bà Tâm tâm sự.

Sau đám cưới 1 tháng, bà Tâm bất ngờ báo tin mang thai ở tuổi 47. Không ai dám tin một người phụ nữ ở tuổi về hưu như bà lại mang thai. Người vui hơn hết là ông Thoại, có tình cảm với bà Tâm ông chỉ xác định là chung sống, bầu bạn với nhau. Trải qua hơn 9 tháng thai nghén, bà Tâm sinh hạ một công chúa nhỏ được đặt tên là Vi Thị Phương Lan.

Niềm vui có con nhưng gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai vợ chồng ông, bà. Để tính kế sinh nhai, hai vợ chồng bà Tâm bàn nhau gom góp mua chiếc xe máy để ông Thoại chạy xe ôm. Thời đó, đường đi còn khó khăn nên ông Thoại cũng có đồng ra, đồng vào. Gắn với nghề xe ôm 10 năm thì ông Thoại nghỉ vì nhà nước làm đường nhựa nên mọi người đi lại dễ dàng hơn.

Con gái lớn dần, trong cuộc sống vợ chồng ông bà cũng có những cãi vã nhưng nhanh chóng làm lành với nhau. 19 năm chung sống, ông luôn vừa lòng vì mình cưới được người vợ như ý. Về phía bà, bà vẫn thầm cảm ơn ông đã đem lại mái ấm gia đình cho mình dù khá muộn màng.

Bà Tâm hạnh phúc bên con gái của mình

Năm nay, con gái ông bà đã là sinh viên năm nhất khoa mầm non của trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Con gái thường xuyên đi học xa, ở nhà vợ chồng ông bà vui vầy cùng nhau. Ông Thoại giãi bày: “Cho đến giờ, tôi cảm thấy may mắn vì lấy được bà ấy làm vợ. Bao nhiêu năm chung sống, bà ấy làm trọn trách nhiệm của một người vợ, trọn đạo hiếu của một người con dâu”.

Chuyện tình “đôi đũa lệch” của ông Thoại, bà Tâm vẫn được người dân nơi đây nhắc đến. Họ khâm phục những tình cảm của ông bà trong cuộc sống hàng ngày. Suốt bao nhiêu năm nay, “đôi đũa lệch” đó vẫn “so vừa” để cùng nhau chung sống hạnh phúc.