Bi kịch từ thế giới người đồng tính (1)

Chuyện tình của những "bóng lộ" nổi tiếng Hà Thành

ANTĐ - “Có quá nhiều bi kịch trong cuộc sống của những người “chị” đồng tính. Người đồng tính luôn nhạy cảm và dễ bị tổn thương”. Đó là lời tâm sự của anh Việt Hoàng, thành viên câu lạc bộ Hải Đăng. Không chỉ anh mà hầu hết những người đồng tính đều muốn vượt qua nỗi sợ hãi để xuất hiện công khai, được sống với chính bản thân mình.

i kịch tình yêu

Ngồi trước mặt tôi là “chị” Việt Hoàng. Đôi mắt nhỏ với hàng lông mi chuốt mascara cong vút cùng làn môi hồng căng mọng chứng tỏ chủ nhân là một người biết trang điểm. Mái tóc đen mượt cùng chiếc áo len dài màu tím khiến “chị” vô cùng nữ tính. Việt Hoàng là một thành viên của CLB Hải Đăng - địa chỉ quen thuộc của những người đồng tính nam ở Hà Nội. Hình dáng, trang phục, cộng với cách xưng hô (Hoàng xưng chị với mọi người và mọi người gọi Hoàng là chị) không ai nghĩ Hoàng là… đàn ông. Tuy nhiên Hoàng là “gay”, là “bóng lộ” nổi tiếng ở Hà Nội. Năm nay đã gần 40, chị đã tự tin công khai về giới tính của mình từ lâu nhưng khi hỏi về cuộc đời, đôi mắt chị vẫn thoáng buồn.

Hoàng kể: Từ bé chị đã thích làm con gái, thích chơi búp bê, thích mặc váy, để tóc dài. Bố mẹ đã không biết bao lần xé nát những bộ quần áo của chị, lôi chị ra hàng cắt tóc. Những trận đòn thừa sống thiếu chết khiến chị càng trở nên chai lỳ hơn. Nhưng chị vẫn không thể là một thằng con trai theo đúng ý bố mẹ. Sau nhiều lần cấm đoán, đánh đập không được, bố mẹ “chị” đành chấp nhận. Bây giờ chị đã có thể ăn mặc, trang điểm theo đúng sở thích của mình. Hiện chị sống cặp cùng một người cùng giới, nhưng người này lại đang có vợ con. Vì vậy chỉ thỉnh thoảng anh mới về với Việt Hoàng. Chị luôn cảm thấy rất cô đơn. Chị tìm niềm vui bằng cách kinh doanh, tham gia câu lạc bộ và đi lễ chùa. Chị không biết rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Chị thèm khát một gia đình, những đứa con. Chị đã cố gắng kiếm tìm hạnh phúc cho mình, nhưng rồi hạnh phúc đã từ chối những người như “chị”. Những người tình đến với chị rồi đi. Đến bây giờ chị cũng không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mối tình nữa. Cứ sống ngày nào biết ngày đó. Nhiều lúc chị cũng muốn xin  một đứa con nhưng lại không đủ dũng cảm. Vì tình yêu chông chênh và dễ  vỡ như vậy nên chị sợ khi có đứa con, xã hội vốn còn nhiều định kiến sẽ không dễ dàng thừa nhận và hơn hết con mình sẽ rất thiệt thòi.

Không phải là “bóng lộ” như chị Hoàng, Nguyễn Anh Tuấn ôm sâu nỗi đau của riêng mình bí mật suốt 48 năm qua. Lúc còn nhỏ Tuấn cũng không thích chơi các trò của con trai mà chỉ mê đánh chắt, đánh chuyền, nhảy dây. Năm 17 tuổi, khi nhận diện những ham muốn khác người của mình, Tuấn thật sự mất phương hướng. Nhưng cũng từ thời điểm đó, Tuấn hiểu cuộc sống của mình không giống như những bạn trai khác.

Sau khi biết giới tính của mình, Tuấn không công khai nhưng đã tìm đến với những người có hoàn cảnh như mình. Hồi ấy người trong giới chơi với nhau thôi, chứ không như bây giờ.

Lúc ấy, giới đồng tính nam thường tụ tập nhau tại các nhà vệ sinh công cộng bên hồ Hale, hồ Hoàn Kiếm để giải quyết nhu cầu tình dục. Còn nếu muốn giãi bày tâm sự thì kéo nhau ra Bờ hồ uống nước - Tuấn kể. Mối tình lâu và đáng nhớ nhất trong đời Tuấn là với một sinh viên trường ĐH Bách khoa. Hai năm chung sống với người tình, cuối cùng người đó đi lấy vợ. Lúc ấy Tuấn buồn lắm. Nghĩ rằng mình không thể mang lại một mái ấm gia đình thực sự cho người mình yêu. Tương lai phía trước còn quá mù mịt, không có lý gì để bắt họ phải chung thủy. Tuy nhiên dù nghĩ như thế nhưng phải mất một thời gian dài anh mới quên được. Từ đó đến nay anh đã trải qua nhiều mối tình nhưng rồi tất cả đều chia tay vì chẳng có gì ràng buộc.

Những mối tình kéo dài 2 tháng

Không hạnh phúc như những người đồng tính nam có một câu lạc bộ để chia sẻ, gặp gỡ. Đồng tính nữ tại Hà Nội vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc được sống với chính bản thân mình. Lan, một đồng tính nữ bắt đầu kể về những nỗi đau thương trắc trở của mình: Tôi đã quá mệt mỏi và chán nản với thế giới này. Là một người bình thường, sống thật với chính mình đã khó. Là một người đồng tính, để sống trọn vẹn với con tim yêu của mình còn khó hơn”. Trong đôi mắt của Lan, thế giới của các đồng tính  thật phức tạp, vì số lượng người đồng tính trong một hội nhóm thường rất ít, dường như không có nhiều sự lựa chọn, chính vì vậy, đôi khi, họ thường “yêu quay vòng”, vừa chia tay chồng cũ, đã có thể ngay lập tức cặp kè với bạn thân của chồng. Khó khăn lắm mới tìm được một người yêu thương và hợp với mình thực sự, nhưng sự ngăn cấm của gia đình quá lớn lại khiến 2 người rơi vào bế tắc. Với những người bình thường, tình yêu là niềm vui lớn. Nhưng với chúng tôi, mỗi mối tình kéo dài 2 tháng đã là quá dài rồi vì luôn gặp nhiều trở ngại.

Lan nhớ cách đây 2 năm, cô gặp Hương, khi ấy đang là sinh viên Đại học Ngoại ngữ. Tình yêu sét đánh giữa hai người khiến cô không thể cưỡng lại. Đã từ lâu cô muốn tìm một người bạn gái có cùng chung ý tưởng với mình để chia sẻ, giãi bày. Hầu như ngày nào hai người cũng gặp nhau và quấn quýt không muốn rời xa. Thế mới biết tình yêu, khát khao của những người trong giới mãnh liệt tới mức nào. “Tôi gần như không đủ tỉnh táo để nghĩ được điều gì ngoài việc yêu Hương”.

Nhưng không lâu sau đó, gia đình hai bên biết được và những chuỗi ngày đau khổ bắt đầu. Bố mẹ Lan đưa thẳng cô đến bệnh viện tâm thần để mong bác sĩ có thể tìm cách nào đó cho con gái trở về với đúng như những gì họ mong muốn. Hai bên gia đình còn phối hợp ngăn cấm bằng mọi cách sự liên lạc của Lan và Hương. Bố mẹ Hương nhanh chóng làm các thủ tục cho con sang Úc du học. Từ đó đến nay, Lan sống mà như đã chết. Bố mẹ, người thân, bạn bè thì nhìn cô bằng sự kỳ thị, coi thường. Trong những lúc buồn tủi, cô thường lên mạng tìm kiếm một tình yêu “ảo”. Tuy không gặp gỡ, chỉ qua những dòng tin nhắn nhưng đó có thể coi là động lực, là chỗ bấu víu duy nhất và cuối cùng đối với cô. Mẹ cô khi biết cô là đồng tính thì lúc nào cũng khuyên rằng: Thôi, con ạ! Cố gắng kết hôn với một người đàn ông, sinh lấy một đứa con rồi sau đó, nếu không thể tiếp tục thì đến lúc đó chia tay cũng được”. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đơn giản.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thu Hà, cô đơn chỉ là một phần nỗi khổ của người đồng tính. Nỗi khổ lớn nhất của họ là phải giấu mình, hoặc chấp nhận những ánh nhìn ghẻ lạnh của người đời. Trong những người đồng tính mà tôi quen biết có người là quan chức trong một cơ quan Trung ương. Một đồng nghiệp biết được bí mật của anh và bắt anh mua sự im lặng bằng tiền và sự chia sẻ quyền lực trong công việc. Có quá nhiều thứ để mất, anh chịu đựng suốt một năm trời, sau đó quyết định công khai chuyện của mình cho mọi người, tin rằng mình là viên chức hoàn hảo, người chồng, người cha tốt, lại không quấy rối dụ dỗ ai thì hậu quả cũng không quá lớn. Nhưng sự thực, anh đã mất rất nhiều mối quan hệ, bị hạ cấp và chuyển công tác, chịu sự soi mói, xa lánh của mọi người, vợ đòi ly dị.

CLB Hải Đăng được thành lập từ năm 2006 theo một dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tài trợ, nhằm thay đổi hành vi tình dục, giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục cho những người đồng tính nam và bạn tình, đồng thời thay đổi kỳ thị của xã hội đối với họ. Ngoài việc tiếp cận những người có quan hệ tình dục đồng giới để tuyên truyền, tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, các tuyên truyền viên của Hải Đăng còn tham gia các buổi truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Khẩu hiệu về tình dục của Hải Đăng là kiêng nhịn – chung thủy – bao cao su. Nghĩa là không quan hệ tình dục để ngăn chặn nguy cơ lây bệnh, nếu không thể thì chỉ nên có một bạn tình và phải dùng bao cao su. 

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)