Chuyện thật ở Thủ đô

ANTĐ - Suốt mấy tuần vừa rồi, có rất nhiều chuyện lớn, "cấp Bộ" xảy ra, khiến dư luận xôn xao. Ngay cả chuyện rất nhỏ như... cái nhà vệ sinh trên chuyến tàu hỏa Hà Nội- Lào Cai cũng được đưa vào "tầm ngắm" để tiến hành "lột xác".

Điều đó khiến nhiều người rất mừng. Nhưng điều đó cũng khiến không ít người chạnh lòng. Bởi, ngay giữa Thủ đô, một nơi "trút bầu tâm sự" đảm bảo vệ sinh vẫn là điều bấy lâu nay người ta mong ước.

Người Hà Nội có lẽ phải tập thói quen những thứ "tế nhị" đều phải giải quyết ở nhà. Trước khi đi đâu, người ta phải "phòng thân" bằng việc chạy vào nhà vệ sinh. Nếu đi làm thì có cơ quan, công ty, đi mua sắm, ăn uống thì còn có siêu thị, nhà hàng mà... ghé tạm. Nhưng nếu bạn đi dạo chơi thì khó lòng mà tìm được chỗ "tháo nước trong lòng". Quán trà đá vỉa hè, đương nhiên không có nhà vệ sinh. Rất nhiều hàng ăn, quán cà phê không có nhà vệ sinh, nếu có thì cũng rất bẩn. Thậm chí, ở những chỗ này, nếu bạn ngỏ ý dùng nhờ nhà vệ sinh, còn gặp phải thái độ rất khó chịu của nhân viên nhà hàng. Điều này khác hẳn với Sài Gòn, nơi mà bạn có thể giải quyết nhu cầu của mình ở những điểm dừng chân tùy ý, không cần phải đắn đo. Nếu hỏi nhà vệ sinh, bạn còn được chỉ dẫn rất tận tình. Còn nhà vệ sinh công cộng ư, tôi chắc đến 90% người Hà Nội chưa dùng phương tiện này bao giờ. Đa phần, bạn phải nhịn đến khi về nhà mà "xả sì trét".

"Chủ nhà" còn thế, khách vãng lai, khách du lịch thì tính sao? Có lẽ, ngoài giao thông hỗn loạn, người bán hàng nhìn mặt khách mà "chém", nhà vệ sinh và nhà vệ sinh công cộng cũng là một nỗi "ám ảnh" với những ai đặt chân đến nơi đây. Có lần, một đoàn nhà văn Hàn Quốc sang giao lưu với Việt Nam, trong đó có buổi gặp gỡ với một khoa văn học của một trường đại học tại Hà Nội. Buổi gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, hoa và tiếng vỗ tay tưng bừng. Đến phút cuối, sau khi bắt tay thắm thiết, trao gửi bao nhiêu thành ý, đoàn nhà văn nước bạn... đi tìm nhà vệ sinh. Họ lao vào nhà vệ sinh của giảng đường rồi đồng loạt bật trở ra, gương mặt dù rất ý tứ và lịch sự, song khó che giấu nổi sự... sợ hãi. Cả chủ và khách đều ngượng ngập. Chắc hẳn, cái cảm xúc ấy, nó còn đọng lại lâu trong lòng kẻ ở, người về.

Quanh Hà Nội, không phải thiếu những nhà vệ sinh công cộng, nhưng mức độ khủng khiếp của nó ai vào rồi thì mới tường tận. Chỉ một số rất ít tại những điểm du lịch có quản lí thì còn sạch sẽ. Ngay ở hồ Gươm, nơi ngày ngày tấp nập người qua lại, cái thì khóa kín, cái thì tận dụng mặt trước để... bán hàng tạp hóa, như nước, nước ngọt, bim bim, đồ lưu niệm. Ngắm cảnh, đi dạo, tập thể dục ở Bờ Hồ là một thú vui vô cùng tao nhã, song, cuộc vui sẽ trọn vẹn hơn nếu khách không phải mang một "nỗi niềm" chẳng biết bày tỏ cùng ai. Cũng có những nhà vệ sinh thì bị chiếm dụng để bán hàng, dán quảng cáo, rao vặt... Còn trên khu phố cổ, thi thoảng cũng thấy những tấm biển chỉ dẫn nhà vệ sinh, song, khách ta còn chẳng bén mảng nữa là khách Tây. Đạo diễn Quang Hải đã có lần kể, từ những năm 90 của thế kỉ trước, khi sang Nhật, anh đã vô cùng "tâm phục khẩu phục" chuyện vệ sinh của nước bạn. Nhà vệ sinh công sở đã sạch, nhà vệ sinh công cộng cũng vô cùng tiện lợi, được thiết kế đẹp mắt. Kết quả chuyến công tác, anh khư khư mang về nhà nguyên một cái... máy vệ sinh. Đó là điều không phải nói ngoa, vì thực tế đã được kiểm chứng. Thậm chí, báo chí nước mình còn thi thoảng đăng tin tức nước này nước kia cải tiến nhà vệ sinh công cộng ra sao, có cả nhạc bật lên mỗi khi người sử dụng phát ra tiếng ồn không thể kiềm chế được. Người Việt chỉ biết đọc mà... thèm, ao ước bao giờ nước ta cũng được như thế.

Rất dễ để giải thích tại sao khắp Hà Nội, người ta bắt gặp đầy rẫy gốc cây, vệ đường những mùi vị, những hình ảnh không hề đẹp mắt chút nào. Ngay cả con đường gốm sứ, một sản phẩm kì công, nhằm tạo nên một nét đẹp, một điểm nhấn hút khách du lịch cho Thủ đô cũng nồng nặc mùi bởi những kẻ "tường đè". Đến mức, một dạo người ta phải hô hào nhau mang xe tưới nước, mang giẻ lau ra để lau rửa, làm sạch đoạn đường ấy. Chưa hết, người ta còn tổ chức cả những "đội tuần tra con đường gốm sứ" mà một trong những tác dụng là để những kẻ thích "nhất quận công" phải dè chừng. Giữa Thủ đô, chuyện thật mà như bịa. Có phải do người dân thiếu ý thức hay không, tất nhiên là chẳng ai khẳng định được 100%. Song, muốn văn minh sạch sẽ cũng phải có phương tiện. Mà cái phương tiện ấy ở Hà Nội, xem ra có mà cũng như không vậy.

Chuyện nhỏ mà hóa ra không nhỏ chút nào. Bởi thế, có khi chỉ vì cái điều rất nhỏ này mà du lịch của chúng ta "mất điểm" với khách nước ngoài. Chính vì vậy, khi chuyện bổ nhiệm đại sứ du lịch ồn ào, rất nhiều công ty du lịch, cả người dân không quan tâm đến xuất thân, lai lịch của người được chọn, mà đều bày tỏ những bức xúc bấy lâu. Đấy là việc, muốn hút khách, Việt Nam, và cả Hà Nội phải làm tốt từ những việc nhỏ li ti như cái nhà vệ sinh, lớn như đường sá cầu cống, công trình, như các địa điểm văn hóa, vui chơi giải trí, các chương trình nghệ thuật để người ta ở lại lâu dài với đất nước, với Thủ đô ta, chứ không chỉ là một điểm dừng chân trước khi đến các vùng khác như bây giờ. Nếu không làm tốt những việc này, cho dù được quảng bá mạnh mẽ đến đâu, thậm chí mời được cả Angelina Jolie làm đại sứ, thì khách cũng chỉ đến rồi "một đi không trở lại" mà thôi.