Chuyến thăm cuối cùng của người kết nối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du chia tay. Sau khi hoãn chuyến thăm ban đầu vì cơn bão Milton, ông chủ Nhà Trắng đến Đức vào ngày 18-10.
Chuyến thăm Đức của ông Joe Biden được coi như chuyến thăm mang ý nghĩa chia tay cuối nhiệm kỳ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu

Chuyến thăm Đức của ông Joe Biden được coi như chuyến thăm mang ý nghĩa chia tay cuối nhiệm kỳ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu

Trong chuyến thăm Đức, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Đức - Mỹ như ông đã làm trong nhiều thập kỷ. Nhân dịp này, ông Joe Biden được trao tặng Huân chương Công trạng Liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức, sau vinh dự gần nhất là dành cho Tổng thống Mỹ George H. W. Bush năm 1949. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải thưởng này để vinh danh “những đóng góp của Tổng thống Mỹ Biden cho tình hữu nghị Đức - Mỹ và liên minh xuyên Đại Tây Dương mà ông đã định hình, củng cố trong hơn 5 thập kỷ” - Văn phòng Tổng thống Đức tuyên bố trước chuyến thăm.

“Tôi nghĩ đó là một sự ghi nhận công bằng. Có lẽ là do trong thời gian dài ông Biden đã tham gia NATO, tham gia Hội nghị An ninh Munich, rồi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và quen biết nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu trước khi trở thành Tổng thống Mỹ” - Giáo sư Michelle Egan tại Đại học America ở Washington, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - châu Âu nhận định.

Điều gì đã khiến ông Biden trở thành một vị Tổng thống đại diện cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương? Sau khi Bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961, ông đã chứng kiến Tây Đức trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. “Ông đã tham gia chính trường từ năm 1972 và rõ ràng đã xác định về mặt chính sách đối ngoại rằng, Đức là một trung tâm thời Chiến tranh Lạnh” - ông Peter Sparding thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội (CSPC) có trụ sở tại Washington nhận định.

Kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của ông Biden cũng rất quan trọng khi ông là Phó Tổng thống dưới quyền ông Barack Obama. “Ông Obama khi đó còn hạn chế về kiến thức chính sách đối ngoại. Đó là lý do ông Biden được đưa vào danh sách. Ông Biden có các mối quan hệ, kiến thức, thông tin tổng hợp do vai trò của ông tại Thượng viện” - Giáo sư Michelle Egan cho biết. Nữ giáo sư nói thêm, Tổng thống Obama rất được mến mộ ở châu Âu vì ông đã giúp xây dựng lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, nhưng chính ông Biden mới là người có kết nối tình cảm với lục địa này.

Cho đến hiện nay, Đức là đối tác quan trọng của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Hai quốc gia này nằm trong số những nước tích cực ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và nhấn mạnh đến quyền tự vệ của Israel trong cuộc xung đột Trung Đông hiện nay. Bà Egan chỉ ra rằng, ngoài các lập trường giống nhau trên trường quốc tế, hai quốc gia này còn phải đối mặt với những thách thức tương tự trong nước, đó là sự chia rẽ về chính trị hay vấn đề kiểm soát biên giới. Berlin gần đây đã thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới gây tranh cãi, ngay cả biên giới chung với các nước EU khác. Còn tại Mỹ, chính sách nhập cư và làn sóng di cư vẫn là chủ đề nóng hổi của cuộc bầu cử Tổng thống trọng đại sắp tới.

Với ông Biden, mối quan hệ Mỹ - châu Âu và đặc biệt là mối quan hệ Mỹ - Đức luôn gần gũi và hầu như không có khoảng cách. Câu hỏi đặt ra là, nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc liệu có chấm dứt kỷ nguyên của mối quan hệ tốt đẹp đó không? Liệu ông có phải là vị Tổng thống xuyên Đại Tây Dương cuối cùng không?

Thật vậy, ông Biden có khả năng là vị Tổng thống Mỹ cuối cùng chăm chút cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vì Đức ngày càng ít quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ so với trước đây. Peter Sparding, nhà phân tích của CSPC chỉ ra rằng, trong tương lai, Đức sẽ khó dựa vào Mỹ như một người bảo vệ an ninh châu Âu được nữa. “Mối quan hệ Đức - Mỹ sẽ khác trong tương lai, bất kể ai là Tổng thống. Mỹ đang xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phản ứng với sự trỗi dậy của những gì họ coi là đối thủ ngang hàng” - ông Peter Sparding nói.