Chuyến thăm "chớp thời cơ" của nhà lãnh đạo Triều Tiên

ANTD.VN - Giống như các bậc tiền bối từng làm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chọn Trung Quốc làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2011. Thực chất, chuyến thăm lịch sử tới đồng minh lâu năm này là tất yếu, ý nghĩa của nó nằm ở thời điểm diễn ra sự kiện.
 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Bắc Kinh 

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un thăm không chính thức Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm đầu tiên. 

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá cao những thay đổi tích cực đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên cùng những nỗ lực đáng kể của Bình Nhưỡng kể từ Thế vận hội PyeongChang 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc kiên định với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo, tiếp tục đóng vai trò xây dựng và nỗ lực cùng các bên giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại cũng như tham vấn. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lưu ý rằng Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ủng hộ việc cải thiện quan hệ liên Triều và tiến hành những nỗ lực cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hòa đàm. 

Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận định tình hình tại khu vực bắt đầu tiến triển tốt hơn khi Triều Tiên đưa ra sáng kiến xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy những đề xuất cho các cuộc hòa đàm. Quan điểm nhất quán của Triều Tiên là kiên định với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, phù hợp với mong muốn của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Ông Kim nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí với những nỗ lực của Bình Nhưỡng, tạo bầu không khí hòa bình và ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm kiến tạo nền hòa bình. 

Chuyến thăm của ông Kim Jong-un diễn ra trong một loạt cơn lốc ngoại giao đầy bất ngờ. Trước đó, các quan chức Hàn Quốc trở về từ hai cuộc gặp ở Bình Nhưỡng hôm 6-3 đã trình bày một thông cáo báo chí ngắn gọn, theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề xuất một hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vào cuối tháng 4 và các cuộc đàm phán “thẳng thắn” với Mỹ vào tháng 5, trong khi đơn phương đóng băng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân vốn được đánh giá là đạt được bước tiến vượt bậc. Rất nhiều điều còn đang tranh cãi, nhưng chuyến thăm Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc vẫn đóng vai trò to lớn trong những vấn đề liên quan đến Triều Tiên, đặc biệt là nỗ lực phi hạt nhân hóa. 

Trong khoảng thời gian dài sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh trở nên khá lạnh nhạt, nhất là khi Trung Quốc nhất trí thực hiện các biện pháp cứng rắn tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa theo Nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, để đối phó với chính quyền Mỹ dưới thời một Tổng thống khó đoán định như Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng Bình Nhưỡng không thể “một mình một ngựa”.

Vì thế, Triều Tiên vẫn phải dựa vào đồng minh truyền thống và đây là thời điểm tốt nhất để cải thiện quan hệ Trung-Triều. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chớp thời cơ để thực hiện sứ mệnh quan trọng đó. Duy trì quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp tăng cường vị thế hơn với Mỹ trên bàn đàm phán. Sau tất cả, Trung Quốc vẫn cung cấp các hỗ trợ mang tính “sống còn” về thương mại, viện trợ và ngoại giao giúp Triều Tiên và nền kinh tế bị suy yếu của nước này phục hồi. 

Các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim có ý định làm tiêu tan bất cứ quan ngại nào của chính quyền Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh đang bị trở thành một người ngoài cuộc trong khi Bình Nhưỡng nỗ lực làm thay đổi chính trường bằng cách thỏa hiệp với Washington cùng các đồng minh khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Sâu xa hơn, Bình Nhưỡng có thể đang gửi một thông điệp cho Washington và Seoul, thể hiện nước này sẽ có những lựa chọn khác nếu đàm phán cấp cao sụp đổ. 

Cũng có chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Trung Quốc muốn đi nước cờ chủ động trước đàm phán Mỹ - Triều. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Trung đang căng thẳng liên quan đến các tranh chấp thương mại mới đây, Bắc Kinh muốn được xem như là một người canh giữ hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như một người chơi lớn hơn trong ngoại giao thế giới khi cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ tại Đông Bắc Á.