Chuyến tàu mới về "Nơi đảo xa"

ANTD.VN - Tin nhạc sĩ Thế Song mất khiến nhiều người bất ngờ, dù vẫn biết, mấy năm nay ông phải nằm một chỗ sau khi bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Ông ra đi ở tuổi 86, nhưng nói như con trai ông - nhạc sĩ Thế Hiển - ông chỉ “lên một chuyến tàu mới để ra khơi…”.

Chuyến tàu mới về "Nơi đảo xa" ảnh 1Cố nhạc sĩ Thế Song

1. Nhạc sĩ Thế Song là người viết nhiều, ông viết ở nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có một mảng chiếm số lượng lớn, và cũng hình thành nên vệt, nên điểm nhấn đó là những ca khúc ông viết về biển và những người lính đảo. Có thể kể đến “Ngôi nhà lính đảo”; “Biển mưa”; “Biển chuyện tình hóa đá”; “Hoa hồng biển đảo”; “Mênh mang Trường Sa”; “Tình em theo cánh sóng”; “Hát từ vùng gió xoáy”; “Hòn mưa”; “Dấu chân Sa Vỹ”; “Sóng ru”...

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Thế Song có một số ca khúc thiếu nhi như “Em yêu mến anh bộ đội”; “Trồng hoa trên mộ liệt sĩ”... Nhưng lan xa tỏa rộng hơn, định danh một Thế Song trong lòng công chúng yêu nhạc, chính là ca khúc “Nơi đảo xa”: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.

Nặng lòng với biển đảo quê hương, nhưng có một thú vị: Ông viết ca khúc “Nơi đảo xa” khi chưa hề được đặt chân đến quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Theo nhạc sĩ Thế Song, ông viết “Nơi đảo xa” năm 1979.  Khi đó, ông có chuyến đi thực tế viết về biên phòng Thán Phún, Pò Hèn (Quảng Ninh). Trong đầu ông đã dự định sẽ viết về hình tượng hy sinh anh dũng của Hoàng Thị Hồng Xiêm. Tuy nhiên, chuyến đi có nhiều kỷ niệm ấy như một cơ duyên đã tạo nên những bước ngoặt.

Trên đường đi, mới qua Quảng Ninh một đoạn, đến cây số 8 thì dừng chân ở trạm sửa chữa tàu biển Z48 của bộ đội Hải quân. Khi được biết nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, anh em ở đây giữ ông lại, kể cho ông nghe những câu chuyện về biển đảo. Ở đây, nghe các anh kể về hàng ngày đi chiến đấu, đi dọc mấy nghìn cây số bờ biển, khiến ông suy nghĩ. Đơn vị hải quân này đóng ngay bên cạnh biển Hạ Long thơ mộng, xa xa thấy từng đoàn thuyền căng buồm, xa nữa là những đảo núi nhấp nhô trên biển.

Đảo và biển của ta đẹp quá, cùng với hình ảnh người lính hải quân hiền hậu và mến khách, ngày đêm vượt sóng gió để canh giữ biển đảo thân yêu. Vậy là khi cảm xúc đến, giai điệu bài hát được hình thành. Nhưng trong chuyến đi đó, ông cũng chỉ có thể hoàn thành xong lời 1 của bài hát, còn về Hà Nội ông mới viết tiếp được lời 2 của bài hát.

Phải 16 năm sau (năm 1995), ông mới có cơ hội lần đầu tiên được đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Chuyến đi ấy cho ông gặp gỡ những người lính, được nghe “Nơi đảo xa” qua giọng hát, tiếng đàn của những người lính ngoài khơi xa. Điều ấy làm ông xúc động…

Chuyến tàu mới về "Nơi đảo xa" ảnh 2Nhạc sĩ Thế Song (áo kẻ) trong chuyến công tác Trường Sa 1995

2. Nhạc sĩ Thế Song tên thật Nguyễn Thế Song, sinh ngày 1-12-1933 tại Hà Nội, là con áp út trong một gia đình đông anh em. Ông có một người em trai cũng là nhạc sĩ được công chúng biết đến, đó là nhạc sĩ Văn Dung - tác giả của ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác”; “Đường Trường Sơn xe anh qua”… 

Năm 1955, Thế Song là ca sĩ tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là cán bộ biên tập âm nhạc của Đài. Ông tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Hoạt động của ông chủ yếu là dàn dựng các tiết mục âm nhạc phát trên sóng, thành lập thêm các chuyên mục, làm phong phú thêm các chương trình phát sóng, khuyến khích phong trào ca nhạc của đông đảo người yêu nhạc.

Sau 40 năm làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thế Song nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn cộng tác với ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội với 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành (từ 1995-2010).

Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: “Nơi đảo xa”; “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”; “Tình yêu bên suối”.

Sau 7 năm chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Thế Song đã lên một chuyến tàu mới. Chuyến tàu sẽ đưa ông rong ruổi theo những hải trình mới, nơi ấy, sẽ luôn vang vọng những giai điệu thân thương mà ông đã tạo dệt: “Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới/Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai/Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi…”.

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Thế Song, ông qua đời vào lúc 18h05 ngày 20-5-2018; tròn đúng 1 năm sau khi ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Thế Song đã viết gần 600 ca khúc gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau trong sự nghiệp sáng tác. Điểm mạnh của ông là những ca khúc viết về biển và những người lính đảo. Một số ca khúc của nhạc sĩ Thế Song đã được tập hợp và xuất bản thành “Tuyển tập tình khúc Thế Song” và băng nhạc vào năm 1996. Quan điểm nghệ thuật trong sáng tác của ông là: “Phải tích lũy vốn dân ca của ông cha để lại mà tìm tòi phát hiện cái hay, cái đẹp trong đó để sáng tạo trong tác phẩm của mình mang tính thời đại, không sao chép”.