Chuyện sản xuất vaccine phòng dịch ở Hà Nội xưa

ANTD.VN - Năm 1888, Hà Nội xảy ra một trận dịch tả lớn khiến nhiều người chết và lây lan sang cả binh lính thực dân Pháp đóng quân trong  khu vực Đồn Thủy. Để ngăn chặn dịch, chỉ huy quân đội Pháp đã cách ly số binh lính bị bệnh, đưa họ vào khu vực trường thi Hương (nay là Thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi) để chữa trị.

Chuyện sản xuất vaccine phòng dịch ở Hà Nội xưa ảnh 1

Bác sỹ Alexandre Yersin (1863 – 1943)

Trường y khoa đầu tiên

Lo sợ trong tương lai binh lính sẽ bị nhiễm các dịch bệnh khác của xứ nhiệt đới, năm 1891, Chính phủ Pháp đã quyết định thành lập cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine ở Sài Gòn (sau đổi tên thành Viện Pasteur Sài Gòn). Tuy nhiên việc vận chuyển vaccine từ Sài Gòn ra Hà Nội mất rất nhiều thời gian, gây bất lợi cho điều trị và ngăn chặn dịch bệnh nên năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đã mời bác sỹ Alexandre Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường y.

Và Trường Y bản xứ (École de Médecine indigène) được thành lập nằm trên đất của ấp Thái Hà. Ngoài  đào tạo chuyên môn cho người Việt, trường còn có một bệnh viện nhỏ cho sinh viên thực tập, có cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine. Cùng với Viện Pasteur Sài Gòn, cơ sở  ở Thái Hà cũng có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine phòng các bệnh: dại, tả, thương hàn, bệnh do ký sinh trùng gây ra, đậu mùa. 

Vì sao lại đặt Trường Y ở ấp Thái Hà, nơi rất xa với trung tâm thành phố? Ấp Thái Hà do Kinh lược xứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải lập ra năm 1893. Chính quyền Pháp đã cắm cho Hoàng Cao Khải 150ha đất ruộng của 4 làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng Hạ, đồng thời trợ cấp thêm cho 2.000 đồng bạc Đông Dương để cải tạo khu đất trũng.

Một phần của khu đất này dành cho quan lại ở các tỉnh xây biệt thự để về Hà Nội có chỗ ở, một phần dành cho công chức cao cấp của Hà Nội muốn có nơi riêng tư, một phần làm đất công của thành phố, phần còn lại thuộc sở hữu của Hoàng Cao Khải. Vì là cơ sở nghiên cứu phòng dịch nên Yersin đã chọn Thái Hà, khu đất xa trung tâm để tránh gây ra những hậu quả tiêu cực cho dân chúng trong trường hợp cơ sở xảy ra sự cố.

Trường Đại học Y Dược Hà Nội thuở mới được thành lập

Những công lao to lớn

Khi Trường Y có trụ sở mới ở đường Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông) thì cơ sở ở Thái Hà trở thành Viện bào chế thuốc tiêm chủng (Institut vacxinogène) từ đầu thế kỷ 20 cho đến khi Viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khánh thành năm 1925. Viện do bác sỹ  Gauducheau làm Giám đốc và nhân viên bào chế phần lớn là người Việt. Ở đây có phòng thí nghiệm vi trùng và mổ xác động vật, có xưởng bào chế thuốc chuyên cung cấp vaccine đậu mùa và dại cho toàn xứ Đông Dương. Không chỉ có công lập ra Trường Y Hà Nội mà Yersin còn nghiên cứu thành công vaccine dịch hạch. Sau khi Viện Pasteur Hà Nội chuyển về trụ sở mới ở phía đông phố Lò Đúc thì Viện bào chế thuốc tiêm chủng ở Thái Hà đóng cửa. 

Viện Pasteur Hà Nội với diện tích rộng lớn, trang thiết bị đầy đủ cùng đội ngũ bác sỹ, nhân viên có chuyên môn cao đã nghiên cứu thành công nhiều loại vaccine khống chế được nhiều dịch bệnh ở Hà Nội nói riêng và trên toàn xứ Đông Dương nói chung. Không chỉ có cơ sở Thái Hà, Hà Nội còn có một cơ sở nghiên cứu virus và sản xuất vaccine khác mà rất ít người  biết đó là ở số 5 phố Quang Trung, nơi đây trước 1954 là khu nội trú của trường dòng Saint Marie. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Từ năm 1957 đến năm 1959, ở miền Bắc, bệnh bại liệt ở trẻ em phát thành dịch, đỉnh cao là năm 1959, tỷ lệ tử vong lên đến 13%. Trước tình hình đó, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng bác sỹ Hoàng Thủy Nguyên đã lần đầu tiên phân loại và định lập được virus cúm và virus bại liệt, thành lập phòng thí nghiệm virus và xây dựng nên ngành Virus học ở Việt Nam. Ông được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt Sabin ở dạng uống. Vaccine Sabin phòng chống bại liệt do Tiến sỹ Albert Sabin (người Mỹ gốc Ba Lan) nghiên cứu thành công vào khoảng những năm 1954-1955.

Sau 3 tháng ở Liên Xô trở về, năm 1960, bác sỹ Hoàng Thủy Nguyên nhanh chóng thành lập một nhóm những nhà khoa học để triển khai sản xuất vaccine bại liệt tại Việt Nam. Lúc đó, đất nước rất khó khăn, nhóm nghiên cứu thiếu thốn cả về trang thiết bị lẫn bác sỹ có chuyên môn. Nhưng vì sự cấp bách của việc sản xuất vaccine nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày đó đã cấp riêng cho ông  khoản kinh phí là 2.000 bảng Anh/năm để nghiên cứu.

Số tiền này được dùng để mua hóa chất và dụng cụ thí nghiệm từ Hồng Kông và một chiếc máy đông khô của Tây Đức. Loại  vaccine này được sản xuất trên tế bào thận của loài khỉ vàng (tên khoa học là Macaca mutala). Tuy nhiên, thời điểm đó ở Việt Nam chưa có cơ sở chăn nuôi loài khỉ này nên nhóm nghiên cứu của bác sỹ Hoàng Thủy Nguyên đã quyết định thành lập ngay khu nuôi khỉ vàng tại đảo Rều nằm giữa vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh).

Vượt qua mọi khó khăn, đến năm 1962, phòng thí nghiệm virus của bác sỹ Hoàng Thủy Nguyên đã sản xuất được 2 triệu liều vaccine Sabin góp phần tích cực ngăn chặn được dịch bại liệt. Bác sỹ Hoàng Thủy Nguyên tốt nghiệp bác sỹ năm 1955, ông là con trai của bác sỹ chuyên ngành vi trùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí.