Chuyện quanh Sân Hàng Đẫy trước ngày phá đi, xây mới

ANTD.VN - Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Campuchia ngày 24-11-2018 trong khuôn khổ AFF Cup 2018 trên Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội là trận bóng cuối cùng ở sân vận động này trước khi nó bị phá bỏ để xây mới. Một điều trùng hợp khá thú vị là cách đây tròn 60 năm, khi khánh thành sân Hàng Đẫy mới cũng diễn ra trận đấu với Campuchia. Gần 90 năm kể từ khi ra đời, sân Hàng Đẫy đã gắn với nhiều sự kiện và câu chuyện thú vị.

Chuyện quanh Sân Hàng Đẫy trước ngày phá đi, xây mới ảnh 1Sân vận động Hàng Đẫy chuẩn bị được xây mới

Trận bóng đầu tiên ở Hà Nội diễn ra trên bãi đất trống gần Cột Cờ trong thành Hà Nội giữa đội Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 và đội Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội gồm binh lính và công chức Pháp vào năm 1907. Rồi bãi đất này được cải tạo thành sân vận động Magin (sau năm 1954 gọi là sân Cột Cờ). 

Trận bóng đầu tiên đã kích thích lòng ham mê với môn thể thao mới lạ này trong thanh thiếu niên, công nhân và viên chức Hà Nội. Chiều chiều, những người yêu thích bóng đá tụ tập ở các ngã ba, ngã tư đá bóng ở  những khoảng trống và cũng không có ai hướng dẫn. Năm 1919, Nguyễn Quý Toản đi du học ở Pháp đã về mở Trường thể dục thể thao (École d’éducation Physique - Edep) đầu tiên ở Hà Nội trên khu đất sau Nhà máy Diêm (nay là tập thể Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng). Ngôi trường thu hút rất đông thanh niên đến luyện tập các môn xà đơn, xà kép, bóng bàn, quần vợt… và đặc biệt là bóng đá. Ở sân này có người Pháp hướng dẫn họ những kỹ thuật của môn bóng đá. Có thể coi Edep là lò đào tạo bóng đá đầu tiên ở Hà Nội và lò này đã cung cấp cầu thủ cho hàng loạt câu lạc bộ bóng đá ra đời trong thập niên 20 của thế kỷ trước.

Năm 1930, thành phố quy hoạch khu vực này nên đã đổi cho Edep một bãi đất trống rộng mấy héc ta ở phía Bắc phố Cát Linh và kẹp giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy. Edep đã đổi tên thành Hội thể thao Bắc Kỳ (Société d’éducation Physique du Tonkin - Septo). Septo cải tạo bãi Cát Linh thành sân Septo (sau này là sân Hàng Đẫy) nhưng rất đơn giản. Từ năm 1936 đến 1938, bãi Hàng Đẫy được Septo xây dựng, có tường bao quanh. Khán đài A bằng gỗ, gồm 400 chỗ ngồi. Mặt sân được san phẳng để chơi bóng, tuy nhiên sau mỗi trận mưa mặt sân lại bị lồi lõm. Trong sân không có khu vệ sinh, không có nhà tắm cho cầu thủ. Thế nhưng ở đây vẫn diễn ra những trận cầu hấp dẫn. 

Ngày 8-3-1946 là mốc thời gian đáng nhớ với ngành Thể dục thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Hà Nội nói riêng. Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến sân Hàng Đẫy dự buổi khai mạc hội khỏe và xem trận đấu bóng đá giữa đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu và đội Vệ Quốc đoàn. Khi hai đội xếp hàng ngang trên sân chào khán giả, ban tổ chức và trọng tài đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng danh dự, thay tiếng còi khai mạc trận đấu. Đó thực sự là sự kiện không thể quên trong lịch sử bóng đá Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Trận đọ sức trên sân cỏ giữa hai lực lượng tuyên truyền và vũ trang tại Thủ đô Hà Nội này được ghi nhận là trận bóng đầu tiên sau khi  nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. 

Trong 9 năm kháng chiến (1947-1954), dù chiến tranh nhưng thỉnh thoảng trên sân Hàng Đẫy vẫn diễn ra các trận đấu. Sau năm 1954, bóng đá ở miền Bắc phát triển mạnh trong khi sân Hàng Đẫy không đạt tiêu chuẩn, thiếu các công trình phụ trợ nên năm 1956, Ban Thể dục Thể thao Trung ương đề xuất Nhà nước xây dựng lại sân Hàng Đẫy và được chấp thuận.

Công trình được khởi công ngày 16-2-1957 và hoàn thành sau 18 tháng thi công. Sân có sức chứa hơn 2 vạn người với chỗ ngồi là bệ bê tông. Khán đài A và B có mái che dành cho khách đặc biệt. Bốn góc sân có bốn cột đèn, mỗi cột có 40 dàn đèn pha để có thể đá vào buổi tối. Chiều 24-8-1958, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội long trọng làm lễ khánh thành sân vận động mới. Tham dự lễ khánh thành có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau nghi lễ đã diễn ra trận giao hữu giữa 2 đội bóng là Thanh niên Hải Phòng và đội Thanh niên PhnomPenh. Đội Thanh niên PhnomPenh khi đó được đánh giá cao nhờ lối chơi có thể lực và chiến thuật mà nòng cốt là các cầu thủ Quân đội Khmer, còn Thanh niên Hải Phòng cũng là đội bóng rất mạnh của miền Bắc với thủ môn Coóng nổi tiếng, nhưng kết quả đội Thanh niên PhnomPenh thắng đội Thanh niên Hải Phòng.

Hãng Đẫy không chỉ là sân chính cho các giải bóng đá chuyên nghiệp ở miền Bắc mà nơi đây còn từng 2 lần diễn ra các trận đấu của giải Bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) (SKDA). Lần đầu tiên diễn ra năm 1962, tham dự có quân đội 13 nước XHCN và lần thứ hai là năm 1984. Giải năm 1984 là giải cuối cùng vì các nước XHCN ở Đông Âu và sau đó là Liên Xô tan rã. Trong giải lần này đã xảy ra một sự cố khá nghiêm trọng. Trong trận Quân đội Liên Xô gặp Quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức, vài chục người không có vé trèo lên mái nhà ngói hai tầng góc phố Nguyễn Thái Học - Trịnh Hoài Đức xem trận đấu được cho là hấp dẫn nhất giải. Mái nhà vốn đã yếu bị đè nặng lại thêm nhún nhẩy cổ động khiến mái bị sập làm hơn hai chục người bị thương, may không ai thiệt mạng.

Kể từ khi hình thành sân Hàng Đẫy cho đến năm 2018 có rất nhiều cầu thủ xuất hiện trên sân này được khán giả hò reo cổ vũ. Thế nhưng đáng nói nhất là tiền đạo Nguyễn Thông, ông nổi tiếng từ thập niên 30 thế kỷ trước được gọi là “Túc cầu tiểu vương”. Nguyễn Thông sinh ra ở làng Thịnh Yên (nay thuộc phường Phố Huế), mê bóng đá từ nhỏ và từng là “ngôi sao” chân đất tại các sân Paster, Nhà Dầu. Nổi tiếng trên sân cỏ nhưng tình duyên của ông lại éo le và sự nghiệp trắc và chịu oan trái cũng chỉ vì… bóng đá.