Chuyện phi công Mỹ đặt tên con là "Hải Quân Việt Nam" sau khi được cứu sống tại Trường Sa

ANTĐ - Ngày 11-9-1999, tàu HQ-11 thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới. Trong quá trình công tác và chiến đấu của con tàu này, có một sự kiện lạ rất đáng chú ý: ngày 10-7-1988, cách đây tròn 28 năm, tàu HQ-11 đã giải cứu được 3 phi công Mỹ gặp nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Vào thời điểm xảy ra sự kiện này tình hình quanh quần đảo Trường Sa khá phức tạp, tàu tuần tiễu săn ngầm HQ-11 do Thiếu tá Nguyễn Quang Tạo làm thuyền trưởng được giao nhiệm vụ tuần tra trực chiến khu vực các đảo Đá Tây, Đá Lớn, Đá Lát, Len Đao...

Xuất phát từ căn cứ vào cuối tháng 5-1988, đến đầu tháng 7-1988, họ đã lênh đênh trên biển ngót nghét 50 ngày. Trưa ngày 10-7-1988, HQ-11 neo lại gần đảo Đá Lớn. Sau buổi cơm, anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu đang nghỉ trưa thì trực ban báo cáo: có một máy bay lạ thâm nhập vùng trời Việt Nam trên khu vực quần đảo Trường Sa.

Lệnh báo động lập tức được phát ra. Hơn 100 sĩ quan và chiến sĩ với vũ khí trên tay lao vào vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Những cặp mắt hướng lên trời, căng thẳng dõi theo đường bay của chiếc phi cơ vừa xuất hiện.

Tàu tuần tiễu săn ngầm HQ-11

Chiếc máy bay này xuất hiện từ hướng Philippines và đang bay dọc từ Bắc xuống Nam, có vẻ như việc “lạc” vào vùng trời Việt Nam là ngoài ý muốn, bởi đường bay của nó rất chệch choạc, như không thể điều khiển được, dù không thấy khói xuất hiện từ thân hoặc cánh. Nó hạ độ cao rất nhanh và bay hơi giật cục. Đó là một chiếc C-47, loại máy bay vận tải quân sự, bên hông có sơn cờ Mỹ và hàng chữ US ARMY.

Khi xuất hiện trong tầm mắt thường của những người lính Hải quân Việt Nam, chiếc máy bay đảo cánh liên tục, mũi chúi về phía trước như muốn tìm cách đáp khẩn cấp. Đá Lớn, không như tên gọi, chỉ là một đảo chìm nhỏ. Khi triều cạn, những doi đá nổi lên trên mặt nước chừng 1m. Xung quanh đảo là một thềm san hô dài hàng chục cây số. Nếu đáp xuống Đá Lớn, chắc chắn chiếc máy bay lạ sẽ va vào đá và nổ tung.

Dường như phi công trên máy bay cũng hiểu rõ điều đó nên đã cố điều khiển nó cắt ngang, vòng qua hướng Đông Bắc đảo, bay là là rồi đáp bụng xuống mặt nước.

Lúc này, chính trị viên của tàu, Đại úy Trần Đình Thảo đang chỉ huy một tổ công tác rời tàu lớn đi làm nhiệm vụ. Đoán chắc chiếc máy bay lạ đang gặp nạn, thuyền trưởng Nguyễn Quang Tạo ra lệnh khẩn trương hạ thủy 2 xuồng cứu sinh và yêu cầu thuyền phó, Đại úy Hoàng Văn Thể dẫn theo 8 chiến sĩ lao ngay về phía chiếc máy bay bị nạn vừa đáp xuống, vẫn đang nổi trên mặt nước để kịp thời cứu hộ.

Khi đến nơi, máy bay vẫn chưa chìm hẳn. Những người lính Hải quân Việt Nam trông thấy phi công đã thoát được ra ngoài máy bay. Họ đã kịp thả xuống nước và làm phồng một chiếc phao cứu sinh. Có 2 phi công nam và 1 phi công nữ. Cả ba đều mang quân hàm trung úy. Một người trong số họ đang loay hoay dùng điện đài vừa được đưa xuống xuồng để liên lạc với căn cứ, trong khi chiếc máy bay C-47 đang bị chìm dần đến ngang cánh.

Trò chuyện bằng tiếng Anh, Đại úy Hoàng Văn Thể yêu cầu 3 phi công Mỹ ngừng liên lạc và lên thuyền của Hải quân Việt Nam. Chiếc xuồng cứu sinh của họ được các chiến sĩ ta buộc dây dắt về. Khi cả ba chiếc thuyền vừa rời khỏi thì máy bay chìm hẳn, để lại trên mặt biển một vũng xoáy đầy những váng dầu.

Khi đã an toàn trên tàu HQ-11, 3 phi công Mỹ cho biết, họ thuộc lực lượng Hải quân Mỹ, đơn vị CT-39 Crew Nalo, căn cứ đóng tại Philippines. Máy bay của họ bị hỏng động cơ, không thể điều khiển được và bị rơi.

Vài chục phút sau khi 3 phi công Mỹ được giải cứu, có 2 máy bay khác của Mỹ xuất hiện, lượn vòng trên khu vực chiếc máy bay vừa chìm. Khi không thấy động tĩnh gì ngoài chiếc tàu chiến của Việt Nam đang neo đậu trực chiến, hai chiếc máy bay này lượn vòng về hướng Đông Nam, hướng căn cứ Subic ở Philippines và mất hút.

Trên tàu HQ-11, 3 viên phi công Mỹ được bác sĩ của tàu khám và chăm sóc sức khỏe. Hơi bất ngờ, người nữ phi công đang có thai gần 3 tháng, cần có phòng riêng để được nghỉ ngơi. Ngay lập tức, phòng câu lạc bộ của tàu được sắp xếp lại, thành hai phòng nghỉ dành cho 3 quân nhân Mỹ. Cô gái được sắp riêng một phòng, 2 người kia ở phòng còn lại.

Chỉ có thuyền phó Hoàng Văn Thể và Trung úy Nguyễn Huy Tuấn, máy trưởng biết tiếng Anh cho nên những ngày tiếp đó, cả hai càng thêm bận rộn vì phải kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch. Khả năng ngoại ngữ cũng hạn chế nên đôi lúc họ phải vừa nghe, vừa chú ý quan sát điệu bộ của những người khách để... đoán.

Dòng lưu bút của các phi công Mỹ viết cảm ơn những chiến sĩ Hải quân Việt Nam

Chuyện ăn uống là nan giải nhất. Trong điều kiện bình thường, tàu HQ-11 được trang bị để có thể phục vụ tốt cho một chuyến tuần tra chiến đấu trên biển liên tục khoảng 10 ngày đến nửa tháng. Do tình hình đặc biệt, những người lính trên tàu đã trực chiến hơn 1 tháng rưỡi... Vì vậy, trên tàu hoàn toàn không còn rau xanh. Bữa ăn chỉ toàn đồ hộp, thức ăn trữ lạnh, cùng cá tươi cán bộ chiến sĩ tự đánh bắt.

Nước ngọt là thứ phải dè sẻn nhất. Mỗi chiến sĩ chỉ được cấp tiêu chuẩn 1 lít/ngày, dùng để uống và đánh răng. Đã vậy, khoang chứa nước trên tàu lại liên tục bị sóng đánh rơi gỉ sắt ra nên nước đỏ qụach, phải đun sôi, để lắng mới dùng được, nhưng vẫn có mùi tanh của sắt.

Lính ta đã quen kham khổ nên không vấn đề gì, nhưng đối với những vị khách bất đắc dĩ thì quả là cực hình. Cơm nấu trên tàu dễ bị nhão,  khê. Bữa đầu tiên vì đang đói nên 3 sĩ quan Mỹ ăn được nhưng sau thì họ tuyên bố là chịu, không nuốt nổi. Riêng cô gái, vì đang mang thai nên khó ở, ăn uống xong bất kỳ thứ gì cũng lập tức nôn thốc nôn tháo.

Ban chỉ huy tàu phải ưu tiên dành cho họ chế độ riêng, thậm chí còn được chăm sóc hơn cả người ốm. Mì tôm, trứng và sữa hộp được xuất tối đa để phục vụ bữa ăn cho 3 quân nhân Mỹ. Có vẻ như món mì tôm khá hợp khẩu vị nên mỗi bữa, mỗi vị khách đều thật tình dùng luôn mỗi người 3, 4 gói.

Chê cơm nhưng thuốc lá thì cả 3 đều nghiện nặng. Cô trung úy suốt ngày tìm thuyền phó Hoàng Văn Thể để xin thuốc lá và luôn miệng phì phèo, chẳng hề buồn nôn tí nào. Lính trên tàu lại phải nhịn miệng đãi khách, tập trung thuốc lại và nhìn họ phả mịt mù như ống khói.

Sau 3 ngày làm “khách”, 3 quân nhân Mỹ được Bộ Tư lệnh Hải quân điều tàu HQ-197 ra đón về đất liền. Cảm kích trước lòng hiếu khách sự giúp đỡ tận tình của những người lính Việt Nam, cô phi công đã viết lại mấy dòng lưu bút và đưa cho 2 quân nhân kia cùng ký vào để cảm ơn những người lính Việt Nam trên tàu HQ-11.

Cô viết: “Cảm ơn các bạn đã cứu giúp những người Mỹ trên biển. Sự chăm sóc y tế của các bạn trên tàu HQ-11 rất tốt. Tình thân thiện của các bạn cũng rất tuyệt vời. Cảm ơn một lần nữa và chúng ta sẽ gặp lại”. Khi rời tàu, cảm động quá, cô đã bật khóc, 2 anh chàng kia cũng rơm rớm nước mắt.

Tạm biệt những người khách bất ngờ, tàu HQ-11 tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến hơn 40 ngày nữa mới quay lại căn cứ, kết thúc chuyến công tác sau gần 3 tháng lênh đênh.

Những người lính Mỹ gặp nạn đã được trao trả về Mỹ an toàn. Cô phi công đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Cô đã viết thư, nhờ Bộ Ngoại giao chuyển đến tàu HQ-11 để báo tin mừng và cho biết đã đặt cho đứa bé cái tên... Hải Quân Việt Nam, như ghi dấu một kỷ niệm ân tình!

Hiện nay, lưu bút của 3 phi công Mỹ vẫn được lưu giữ cẩn thận trong nhà truyền thống của Lữ đoàn 171 Hải quân. Với những người lính trên tàu HQ-11 anh hùng, đó không phải là một chiến tích. Đó là một kỷ niệm đẹp khó quên, một nét hồng tô đậm thêm tinh thần tương trợ hào hiệp, vốn là một phẩm chất tốt đẹp của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.